Gia Miễn: Triển vọng kinh tế từ nuôi ong mật
– Những năm gần đây, người dân trên địa bàn xã Gia Miễn, huyện Văn Lãng đã phát triển mô hình nuôi ong mật bước đầu đem lại hiệu quả, mở ra triển vọng mới trong phát triển kinh tế, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương.
Chúng tôi đến thăm mô hình nuôi ong của gia đình ông Nông Văn Vệ, thôn Bình Lập khi ông đang tất bật với công việc tách đàn ong. Ông Vệ cho biết: Năm 2000, tôi bắt đầu nuôi 2 đến 3 đàn ong để lấy mật, phục vụ nhu cầu của gia đình. Nhận thấy mật ong cho giá trị kinh tế cao, nhiều người tìm mua lại không mất nhiều chi phí đầu tư nên tôi tăng đàn. Theo đó, từ năm 2017 đến nay, tôi duy trì nuôi từ 30 đến 40 đàn ong, nhờ đó, trung bình mỗi năm, gia đình thu về trên 100 lít mật. Với giá bán từ 350 đến 450 nghìn đồng/lít mật ong, mỗi năm, gia đình có thêm thu nhập từ 35 đến 40 triệu đồng. Thời gian tới, gia đình tiếp tục tăng đàn, tập trung phát triển kinh tế từ mô hình này
Người dân thôn Bình Lập, xã Gia Miễn kiểm tra tổ ong của gia đình
Tương tự gia đình ông Vệ, hộ ông Linh Văn Bào, thôn Quảng Sơn cũng đang phát triển mô hình nuôi ong mật. Ông Bào cho biết: Gia đình tôi đang phát triển 30 đàn ong. Với lợi thế diện tích đồi rừng lớn, đa dạng các loại hoa từ tự nhiên nên chất lượng mật ong tại đây thơm và đặc sánh, được nhiều khách hàng tại thành phố Lạng Sơn, Thái Nguyên ưa chuộng. Trung bình mỗi năm, gia đình tôi thu được từ 70 đến 80 lít mật, nhờ đó, gia đình có thêm thu nhập từ 30 đến 35 triệu đồng/năm.
Không chỉ các gia đình trên, khoảng 5 năm trở lại đây, phong trào nuôi ong mật của xã bắt đầu phát triển mạnh. Theo thống kê, hiện nay, toàn xã có khoảng 100 hộ nuôi ong mật với trên 500 đàn, phát triển rải rác ở tất cả các thôn, nhưng tập trung nhiều ở các thôn: Bình Lập, Quảng Sơn; hộ nuôi ít có 3 đến 4 đàn, hộ nuôi nhiều có trên 30 đàn. Đây là xã có phong trào nuôi ong mật phát triển nhất trên địa bàn huyện Văn Lãng.
Theo người dân, nuôi ong mật không tốn nhiều vốn đầu tư, không tốn nhân lực lại đem lại thu nhập ổn định. Tuy nhiên, nghề này đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên trì trong từng khâu, từng công đoạn. Đặc biệt là khâu chọn ong chúa, nếu ong chúa khỏe mạnh thì đàn ong sẽ sinh trưởng và phát triển tốt, cho chất lượng mật cao.
Với lợi thế xã có diện tích rừng tự nhiên và rừng trồng lớn nên hiện nay, người dân chủ yếu để ong lấy mật tự nhiên. Bình quân một đàn ong cho thu từ 4 – 5 lít mật/năm, người dân bán với giá từ 350 đến 450 nghìn đồng/lít. Nhờ đó, đã có khoảng 30 hộ trên tổng số 100 hộ đang phát triển mô hình có thu nhập ổn định từ 30 đến 40 triệu đồng/năm từ nuôi ong mật.
Để mở rộng quy mô sản xuất và liên kết tiêu thụ sản phẩm mật ong, tháng 5/2021, UBND xã đã vận động người dân liên kết thành lập Hợp tác xã (HTX) Mật ong Phai Nà, xã Gia Miễn gồm 10 thành viên. Theo đó, HTX được hỗ trợ 20 triệu đồng theo Nghị quyết 08/2019/NQ-HĐND ngày 10/12/2019 của HĐND tỉnh và Nghị quyết số 15/2021/NQ-HĐND ngày 17/07/2021 (sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị quyết 08) để xây dựng điều lệ và lên phương án sản xuất kinh doanh.
Cùng đó, HTX thực hiện đăng ký nhãn hiệu sản phẩm mật ong Phai Nà hướng đến mục tiêu nâng cao giá trị, tạo liên kết trong tiêu thụ sản phẩm mật ong xã Gia Miễn; thống nhất triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng mật; các thành viên HTX tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật, từ đó kết nối, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nhau trong phát triển nghề nuôi ong mật.
Ông Hoàng Văn Bốn, Chủ tịch UBND xã Gia Miễn cho biết: Nhận thấy địa bàn xã có điều kiện tự nhiên phù hợp phát triển nuôi ong mật nên từ năm 2020, chính quyền xã đã khuyến khích bà con tăng đàn kết hợp với trồng rừng. Hằng năm, xã phối hợp tổ chức lồng ghép từ 1 đến 2 lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi ong để người dân áp dụng vào thực tế. Cùng đó, xã đã đăng ký với huyện xây dựng sản phẩm mật ong Phai Nà, xã Gia Miễn thành sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) năm 2022. Hiện tại, xã đang hướng dẫn HTX hoàn thiện hồ sơ trình cấp có thẩm quyền đánh giá, phân hạng, qua đó, góp phần xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị để nghề nuôi ong mật phát triển bền vững. Thời gian tới, xã sẽ cân đối các nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất để giúp người dân tăng đàn, áp dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, từ đó nâng cao thu nhập.
Có thể nói, mô hình nuôi ong mật đang là một trong những hướng phát triển kinh tế triển vọng trên địa bàn xã Gia Miễn. Việc phát triển và nhân rộng mô hình đã góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống của người dân trên địa bàn.
Ý kiến ()