Gia Lộc: Huy động sức dân xây dựng cầu dân sinh
– Theo kế hoạch, năm 2022, huyện Chi Lăng đặt mục tiêu xây dựng 4 cây cầu dân sinh, trong đó, riêng tại xã Gia Lộc, chỉ trong quý I/2022 đã xây dựng xong và đưa vào sử dụng 2 cây cầu. Để có được kết quả đó, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, cấp ủy, chính quyền xã Gia Lộc đã huy động sức dân tập trung hoàn thành sớm mục tiêu. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con đi lại cũng như vận chuyển nông sản từ khu vực sản xuất nông nghiệp về khu vực dân cư.
Trước đây, để đi đến nơi sản xuất thuộc khu vực làng Dộc, thôn Phúc Lũng, bà con phải đi qua suối Ý bằng cây cầu tạm được làm từ những cây tre ghép lại. Điều này tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, nhất là vào mùa mưa. Xuất phát từ thực trạng đó, thôn Phúc Lũng đã vận động người dân đóng góp để xây dựng cầu dân sinh Suối Ý.
Cây cầu Suối Ý hoàn thành, đưa vào sử dụng tạo điều kiện thuận lợi cho bà con đi lại, vận chuyển nông sản
Cầu Suối Ý được khởi công từ tháng 2/2022 và được hoàn thành vào ngày 10/4/2022. Cây cầu có chiều dài 6 m, rộng 3 m với tổng kinh phí xây dựng hơn 150 triệu đồng. Trong đó, Nhà nước hỗ trợ xi măng, người dân trong thôn đóng góp hơn 100 triệu đồng bao gồm ngày công và tiền mặt để xây dựng. Anh Hoàng Văn Thế, thôn Phúc Lũng, xã Gia Lộc cho biết: Gia đình tôi có 4 sào ruộng ở bên kia suối. Trước đây, việc đi lại cũng như vận chuyển vật tư, thu hoạch sản phẩm rất khó khăn. Được tuyên truyền về đóng góp xây dựng cầu, gia đình tôi đã tự nguyện đóng góp 2 triệu đồng và ngày công lao động để làm cầu. Giờ cầu đã xây xong, tôi rất phấn khởi bởi xe máy đã có thể đi đến ruộng.
Ông Vi Văn Thức, Phó trưởng thôn Phúc Lũng cho biết: Để làm cây cầu này, tổ làm đường nội đồng của thôn đã vận động hơn 80 hộ dân trong thôn có đất sản xuất ở bên kia bờ suối Ý ủng hộ kinh phí, ngày công để làm cầu. Rất vui là bà con trong thôn đã đoàn kết đóng góp tiền, công lao động để xây cầu. Chi phí làm cầu được thôn công khai, minh bạch đến từng hộ dân nên bà con rất yên tâm.
Không chỉ thôn Phúc Lũng, tháng 1/2022, thôn Cầu Bóng cũng đã huy động sức dân xây dựng cây cầu dân sinh Pá Thang, phục vụ nhu cầu đi lại, sản xuất nông nghiệp của 24 hộ dân trong thôn.
Được biết, thu nhập của bà con xã Gia Lộc chủ yếu từ làm nông nghiệp như: trồng lúa, ngô và trồng cây ăn quả. Tại địa bàn 2 thôn: Phúc Lũng và Cầu Bóng, khu sản xuất nông nghiệp và khu vực dân cư bị chia cắt bởi suối. Người dân qua khu sản xuất nông nghiệp phải đi qua cây cầu tre tiềm ẩn nguy hiểm. Vào mùa mưa, nước chảy xiết, bà con đi làm đồng hay vào lân trồng ngô, chăm sóc cây ăn quả khó khăn. Cùng đó, việc vận chuyển vật tư, nông sản cũng không thuận lợi. Từ trước năm 2022, trên địa bàn xã Gia Lộc chưa có cây cầu dân sinh nào được xây dựng để phục vụ bà con đi lại được thuận tiện, an toàn.
Do vậy, cấp ủy, chính quyền xã đã tuyên truyền, vận động bà con tại 2 thôn xây dựng cầu dân sinh và được bà con nhiệt tình hưởng ứng. Trong quý I/2022, xã Gia Lộc đã huy động sức dân xây dựng được 2 cây cầu dân sinh (cầu Suối Ý và cầu Pá Thang) với tổng kinh phí trên 300 triệu đồng. Trong đó, Nhà nước hỗ trợ trên 55 triệu đồng tiền xi măng, người dân đóng góp trên 200 triệu đồng.
Ông Hoàng Văn Khoa, Chủ tịch UBND xã Gia Lộc cho biết: Nhận thấy lợi ích của việc xây cầu, thời gian qua, bà con trên địa bàn xã đã chủ động và tự nguyện hiến đất, đóng góp công sức và kinh phí để xây dựng cầu chứ không trông chờ hay ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Các cây cầu được xây dựng, đưa vào sử dụng đã kết nối được khu dân cư với khu sản xuất nông nghiệp, tạo thuận lợi cho bà con vận chuyển nông sản, vật tư. Đây sẽ là điều kiện để bà con phát triển kinh tế, từ đó, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn.
Ý kiến ()