Già làng làm du lịch
Năm nay đã 71 tuổi, nhưng Mà Giá trông còn rất nhanh nhẹn. Sau khi rời quân ngũ, ông đã nhiều năm làm Chủ tịch UBND xã và về nghỉ hưu năm 2000. "Địa bàn có hơn 250 hộ với hơn 30 hộ nghèo, chủ yếu là đồng bào T'rin. Người dân ở đây làm nghề nông lạc hậu, lại sinh rất nhiều con.Trong những năm làm công tác chính quyền cho tới nay, Mà Giá luôn được bà con xem là thủ lĩnh đấy!"- anh Trần Trọng Quang, Đội phó đội thanh niên tình nguyện xã nhận xét.Tôi hỏi về duyên cớ làm du lịch, Mà Giá kể năm 1999, cả xã thiếu nước để trồng lúa cũng như sinh hoạt, đích thân ông cùng cán bộ trèo đèo lội suối để đi tìm nguồn, sau đó dẫn bằng ống phên nứa theo kiểu nước chảy từ cao xuống thấp. Ông cũng chủ trương làm một con đường dẫn đến nguồn cho bà con khỏi vất vả. Không biết bao nhiêu mùa trăng, không biết bao nhiêu ngày đi rừng thì con đường mòn mới hình thành. Tất cả đều đổ về suối Lách.Phát hiện ra nơi đầu nguồn...
Trong những năm làm công tác chính quyền cho tới nay, Mà Giá luôn được bà con xem là thủ lĩnh đấy!”- anh Trần Trọng Quang, Đội phó đội thanh niên tình nguyện xã nhận xét.
Tôi hỏi về duyên cớ làm du lịch, Mà Giá kể năm 1999, cả xã thiếu nước để trồng lúa cũng như sinh hoạt, đích thân ông cùng cán bộ trèo đèo lội suối để đi tìm nguồn, sau đó dẫn bằng ống phên nứa theo kiểu nước chảy từ cao xuống thấp. Ông cũng chủ trương làm một con đường dẫn đến nguồn cho bà con khỏi vất vả. Không biết bao nhiêu mùa trăng, không biết bao nhiêu ngày đi rừng thì con đường mòn mới hình thành. Tất cả đều đổ về suối Lách.
Phát hiện ra nơi đầu nguồn có suối, có đá và phong cảnh đẹp, Mà Giá thầm nghĩ: “Phải làm một khu du lịch để có chỗ cho mọi người vui chơi, giúp mọi người thêm yêu quý núi rừng mà không cầm dao vào rừng chặt cây đốn củi”. Vì phong tục du canh du cư cứ khiến cây rừng thi nhau ngã xuống. Mà cây rừng bị chặt, đồng nghĩa với khí hậu biến đổi. Sau nhiều đêm suy nghĩ, ông cùng vợ và 14 đứa con nheo nhóc dắt díu nhau vào suối, để lại mặt bằng phía ngoài trung tâm xã cho người khác.
Tự tay ông lợp năm ngôi nhà sàn đầu tiên cho khách có chỗ vui chơi, lấy đá tấn dọc theo con nước để ngăn dòng chảy sao cho đi vào giữa khu du lịch. Phong cảnh hữu tình ấy thu hút ngày một nhiều du khách từ Nha Trang hay các nơi khác đến để đi tìm vẻ đẹp của hoang dã. Điều đặc biệt, khu du lịch nhỏ nhoi giữa đại ngàn của ông ngoài mầu xanh của núi rừng, còn có rượu cần do chính ông làm ra. Khách đến chơi, tắm suối mát, gửi xe không phải trả tiền mà “thích đưa bao nhiêu tùy ý”.
Suối Lách tạo nên thác Giang Ly, bắt nguồn từ mạch chính Nam Trường Sơn, một nhánh theo sông Cái đổ về thành phố, một nhánh xuyên rừng chảy ngược lên vùng cao. Đỉnh cao của thác Giang Ly cao 60 m (cao gấp đôi thác Yang Bay của khu du lịch Yang Bay-Khánh Hòa). Năm ấy, cả xã được ông Chủ tịch cứu đói. Từ ngày tìm được nguồn nước “thiêng”, cả xã không còn sợ đói khát.
Từ ngày về hưu, Mà Giá có thời gian rảnh rỗi để chăm chút cho khu du lịch tư nhân đầu tiên của cả huyện. Nếu có thời gian rảnh, ông lại cùng vợ con xuống đồng trồng lúa nước. Lúa gạo thu về, một phần làm lương thực cho cả nhà, phần chế biến rượu cần bán cho khách. Hiện tại, khách đến mỗi lúc một đông. Từ năm ngôi nhà sàn lợp theo kiểu T’rin, ông đã làm thêm vài cái nữa mới đủ chỗ phục vụ. Mỗi ngôi nhà sàn thiết kế gồm hai phần rõ rệt. Một nửa chỗ ngồi lợp bằng phên nứa kín mít dành cho đàn ông, còn nếu hở dành cho phụ nữ. Đây là nét văn hóa mà Mà Giá muốn nhắc nhở đồng bào, cũng như giới thiệu cho du khách. “Gần đây, thế hệ trẻ trong xã không nhớ gì nhiều đến phong tục, văn hóa của dân tộc mình. Tôi phải có trách nhiệm nhắc nhở chúng giữ gìn và bảo tồn khi đến đây” – già làng Mà Giá bộc bạch.
Gìn giữ di sản của cha ông
Người T’rin ngoài tục con gái muốn lấy chồng phải vào rừng chặt 100 bó củi đem đến nhà trai, đàn đá chính là báu vật cha ông để lại. Diệp Bảo Long, một thanh niên tình nguyện tại Giang Ly nói: “Đến nay, tục 100 bó củi của người T’rin, một dân tộc hiếm hoi của cả nước đã không còn nữa vì Chủ tịch xã Mà Giá trước đây còn công tác luôn nhắc nhở bà con không được làm việc xấu ấy. Duy chỉ có bộ đàn đá của Mà Giá là được duy trì”. Chính vì giữ gìn không muốn thất lạc nét văn hóa đó mà Mà Giá đã trân trọng giới thiệu với du khách về âm thanh đàn đá.
Tháng trước, một doanh nhân từ TP Hồ Chí Minh có ra Khánh Vĩnh và tìm đến Mà Giá để hỏi mua lại toàn bộ khu du lịch với giá hơn 2 tỷ đồng, vì thấy được tiềm năng du lịch trên “cung đường tơ lụa” lên Đà Lạt. Nhưng nói thế nào, Mà Giá cũng lắc đầu từ chối. “Dù biết đó là số tiền vợ chồng tôi sống sung sướng đến cuối đời, nhưng Mà Giá không thích tiền, chỉ thích làm du lịch” – bà Cà Giá nhận xét về chồng mình. Nhiều đại gia khác cũng lần lượt tới hỏi mua với giá rất cao bộ đàn đá của ông nhưng Mà Giá nhất quyết không bán. Mấy hôm nay, Mà Giá còn nghĩ cách dùng lửa… đốt đá núi vì những viên đá này choán lối đi. Ông nung lửa bằng củi rừng rồi ấp bên đá cho đá bớt cứng, sau đó ông lấy xẻng nhọn để đập nát. Việc làm của ông khiến nhiều du khách rất thích thú. Để tạo ra âm thanh liên tục của đàn đá, Mà Giá treo một cái máng tôn. Dòng nước từ trên cao đổ vào máng, làm lay động những sợi dây tạo nên những âm thanh lảnh lót, mà Mà Giá gọi là “đàn hát”. Ông cho bắt bốn trụ cây, trên đó treo tám hòn đá núi lớn và nhỏ, khi dây bị tác động thì đá nhỏ sẽ đập liên hồi vào thanh đá lớn.
Nhắc đến đàn đá, một thanh niên T’rin tên là K’pin cho biết: “Thế hệ trước thì biết làm, chứ như tụi tôi thì chịu!”. Chính vì lo ngại điều đó sẽ xảy ra nên hiện Mà Giá đang truyền lại nghề cho các con cháu trong nhà. Ngày ngày, ông vẫn dắt cháu ngoại tên Hà Sanh, 5 tuổi đi… xem ông làm đàn đá.
Trên con đường nối Nha Trang với Đà Lạt dài 110 km, phải đi qua xã Giang Ly, huyện Khánh Vĩnh vốn vắng vẻ nhưng giờ đây, lữ khách đều muốn dừng chân ở khu du lịch miền núi của già làng Mà Giá để thưởng thức phong cảnh hữu tình giữa núi non trùng điệp, nghe đàn đá.
Theo Nhandan
Ý kiến ()