tle=”Gia Lai thu hút trí thức trẻ về công tác tại vùng sâu, vùng xa” on click=”$('#gallery_78755762_1_339593').click(); return false;” href=”ja vasc ript:void(0);”> Hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây hồ tiêu cho thanh niên huyện Chư Sê. Triển khai từ năm 2009 đến nay, Đề án 03 của Tỉnh ủy Gia Lai về “Tuyển chọn sinh viên tốt nghiệp đại học bố trí về công tác ở xã”, đã tuyển chọn 142 sinh viên (SV) sau khi tốt nghiệp bàn giao các huyện bố trí công tác ở các xã thuộc vùng 2, vùng 3. Không chỉ thể hiện tính xung kích của tuổi trẻ, các trí thức trẻ đã phát huy khả năng, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, làm thay đổi bộ mặt nông thôn tỉnh Gia Lai.
Phan Đình Hân nằm trong số những SV đầu tiên sau khi tốt nghiệp đã tình nguyện về xã căn cứ cách mạng Krong, một trong những xã vùng sâu, vùng xa khó khăn của huyện Kbang. Mới bám xã gần hai năm, Hân được tin tưởng giao phụ trách nhiều công việc, từ công tác định canh, định cư, giao thông thủy lợi, hướng dẫn bà con cách chăn nuôi; là thành viên ban phát triển nông nghiệp xã trực tiếp tham gia dự án cải thiện đời sống các dân tộc khu vực Tây Nguyên. Một ngày của Hân không thể kể bằng giờ hành chính mà chỉ khi nào… hết việc. Phụ trách mảng nông, lâm nghiệp nhưng nếu cần Hân “kiêm” luôn cả vai trò… thú y viên khi trên địa bàn có dịch bệnh ở gia súc. Hân tâm sự: “Có làng cách trung tâm xã 35 km, đường đi rất khó, công việc vất vả không thể kể hết nhưng thấy vui vì tình cảm bà con dành cho mình và chút ít công sức của mình đã giúp ích được cho bà con”. Cùng đợt với Hân có Nguyễn Văn Quang, tốt nghiệp Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh, hiện công tác tại xã Kon Pne, một trong những xã xa và khó khăn nhất huyện Kbang. Quang cho biết: “Toàn xã chỉ có một cán bộ nông nghiệp cho nên việc gì cũng đến tay, từ kiểm tra đồng ruộng, gia súc đến hướng dẫn bà con trồng trọt, chăn nuôi sao cho hiệu quả. Nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số hạn chế, nhất là chưa biết áp dụng kỹ thuật vào sản xuất cho nên làm ăn chưa hiệu quả. Muốn thay đổi phương thức sản xuất của bà con không thể nóng vội mà phải làm từ từ, giúp bà con hiểu và làm theo khoa học một cách bền vững, chứ không tuyên truyền cho có…”.
Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Gia Lai, Trưởng ban chỉ đạo Đề án 03 Phạm Đình Thu cho biết: Đây là chủ trương đúng đắn của Tỉnh ủy Gia Lai với mong muốn là đào tạo đội ngũ cán bộ trẻ, có trình độ và năng lực phục vụ lâu dài cho sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội vùng sâu, vùng xa, trước mắt là phục vụ cho sự nghiệp xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Điểm chung của những SV được tuyển chọn là rất năng động, nhiệt tình, chịu khó, chịu khổ; song, kinh nghiệm thực tiễn chưa nhiều. Vì vậy, chúng tôi tổ chức bồi dưỡng một số kiến thức cơ bản về kinh tế – xã hội, kinh nghiệm thực tiễn trước khi đưa các SV này về công tác tại cơ sở. Trong thời gian bồi dưỡng, có những sát hạch thực tế, những cán bộ trẻ đủ điều kiện được chọn và đưa về thực tập tại huyện sáu tháng. Sau đó, họ được phân bổ về công tác tại các xã, thị trấn. Xuất phát từ tầm quan trọng, ý nghĩa của việc này, Thường vụ Tỉnh ủy cũng thường xuyên theo dõi và chỉ đạo các địa phương quan tâm ưu tiên xét tuyển công chức đối với SV Đề án 03, không nhất thiết phải chờ đủ ba năm; đồng thời vận dụng chủ trương, chính sách của Chính phủ để giải quyết tiêu chuẩn, chế độ cho các em bảo đảm hợp lý, hợp tình để các em yên tâm công tác. Năm 2012, UBND tỉnh Gia Lai tiếp tục phân bổ hơn 4,9 tỷ đồng từ nguồn sự nghiệp giáo dục – đào tạo cho một số địa phương, đơn vị để thực hiện chính sách hỗ trợ SV về công tác ở các xã theo đề án này.
Để tạo điều kiện và khuyến khích SV tham gia đề án, Tỉnh ủy Gia Lai quyết định một số chế độ, chính sách thu hút như: SV được hưởng lương hằng tháng 100% mức khởi điểm; được hưởng các chế độ theo quy định hiện hành như đóng BHXH, BHYT; quá trình công tác sẽ được ưu tiên tuyển dụng vào ngạch công chức… Ngoài ra, nếu SV được bố trí về công tác tại xã vùng 2 được hỗ trợ 10 triệu đồng, xã vùng 3 được hỗ trợ 15 triệu đồng. Nhìn chung các SV về xã công tác đều được cấp ủy, chính quyền quan tâm, tạo điều kiện cho nên các em nỗ lực cố gắng vươn lên, xác định tư tưởng yên tâm công tác; tiếp cận nhanh với công việc được phân công, chịu khó nghiên cứu, học hỏi, trau dồi kinh nghiệm, có trách nhiệm với công việc, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Qua khảo sát của Ban chỉ đạo, có 10 SV hoàn thành tốt nhiệm vụ đã được tuyển dụng vào công chức cấp xã, huyện; 26 SV được cấp ủy cho đi học lớp bồi dưỡng để kết nạp Đảng; 18 SV được bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số; chín SV được bồi dưỡng trung cấp lý luận chính trị; năm SV được bầu vào đại biểu HĐND cấp xã nhiệm kỳ 2011- 2016; trong số này có ba SV được bầu vào chức danh Phó Chủ tịch UBND xã.
Xông xáo, trách nhiệm là những gì có thể thấy ở họ. Tuy nhiên, họ cũng gặp nhiều khó khăn, không chỉ có công việc mà còn bởi điều kiện sống thiếu thốn, eo hẹp. Ngoài mức lương được hưởng theo chế độ, mỗi công chức tham gia đề án được hỗ trợ 300 nghìn đồng/tháng, nhiều người phải “thắt lưng buộc bụng” mới tạm đủ sống. Phan Đình Hân cho biết: “Với mức thu nhập 2,2 triệu đồng/tháng, nếu mỗi tuần tôi về nhà (ở thị trấn Kbang) một lần thì đi một vòng tốn khoảng 50 nghìn đồng tiền xăng, chưa kể có công việc đột xuất phải đi, có khi hai, ba lần/tuần”. Từ xã Kon Pne ra trung tâm huyện Kbang gần 100 km đường rừng, cho nên đối với Lê Văn Quang, chi phí đi lại cũng nằm trong tính toán chi tiêu. Anh bày tỏ: “Có khi mấy tuần mới về nhà một lần. Khổ nhất là vừa vào xã thì lại có công văn lên huyện họp, phải quay ngược trở ra”… Cuộc sống khó khăn nhưng nhiều SV đã tìm được hướng đi sau thời gian gắn bó cơ sở: “Chúng tôi xác định ngay từ đầu khi nộp đơn xin về công tác ở xã là phải dấn thân vào những thử thách khắc nghiệt nhất. Nếu không có trách nhiệm, thiếu lửa nhiệt tình, chúng tôi không thể bám trụ được trên vùng đất vốn chỉ nghe tên đã có người thở dài”, Lê Văn Quang chia sẻ. Dự định sắp tới của Quang là mượn đất của xã khai hoang phát triển nông nghiệp. Tìm được hướng đi trên vùng đất gian khó, Quang mong muốn gắn bó lâu dài với đồng bào nơi đây: “Tôi xác định ở lại đây phục vụ ít nhất là bảy năm. Mục tiêu lớn nhất của tôi là để lại dấu ấn nơi đã công tác, nhìn thấy được sự đổi thay tích cực trong cuộc sống của người dân. Có như thế, mọi người mới thấy được tính hiệu quả của đề án”.
Việc bố trí SV tốt nghiệp đại học về cơ sở công tác phần nào khắc phục được tình trạng thiếu cán bộ có trình độ tại cơ sở hiện nay. Bù lại, khi được chọn, những cán bộ trẻ này sẽ nhận được nhiều ưu đãi. Ngoài mức lương tính theo lương khởi điểm của bậc đại học, cộng với khoản tiền phụ cấp khu vực, họ còn được quan tâm về điều kiện đi lại, chỗ ở… Với việc ưu đãi này, chắc chắn cán bộ trẻ sẽ yên tâm làm việc. Hơn nữa, sau thời gian công tác, những cán bộ trẻ phát huy năng lực, trình độ chuyên môn, phẩm chất chính trị vững vàng sẽ được bố trí vào các chức danh chủ chốt ở cơ sở. Trao đổi ý kiến với chúng tôi, nhiều SV cho rằng, đây là cơ hội để thể hiện năng lực trình độ chuyên môn của mình. Bạn Hoàng Thị Tốt, thôn 1, xã An Phú, TP Plây Cu tốt nghiệp đại học chuyên ngành kinh tế năm 2008, được tiếp nhận và phân công về công tác tại huyện Ia Pa, phấn khởi: “Tôi tin tưởng mình sẽ công tác tốt trong thời gian tới. Về vùng sâu công tác sẽ gặp nhiều khó khăn, nhưng tôi đã chuẩn bị tâm lý, phấn đấu vượt qua, đem sức trẻ và lòng nhiệt huyết của mình làm tốt công việc được giao”. Còn Ksor Mun, buôn Bát, xã Chư Gu, huyện Krông Pa tốt nghiệp chuyên ngành kế hoạch – đầu tư, Trường đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, tâm sự: “Ước nguyện sau khi tốt nghiệp đại học được về địa phương công tác giờ là hiện thực rồi. Tôi sẽ cố gắng làm tốt công việc được phân công, phấn đấu trở thành cán bộ tốt, có đủ năng lực, phẩm chất chính trị để không phụ lòng tin tưởng của tổ chức”.
Mục tiêu Đề án 03 của Tỉnh ủy Gia Lai là từ năm 2009 đến 2014 sẽ lựa chọn 165 SV tốt nghiệp đại học về công tác tại 165 xã khó khăn trên địa bàn tỉnh về cơ bản đã gần đạt. Với Đề án 03 của Tỉnh ủy Gia Lai tuyển chọn SV tốt nghiệp đại học bố trí về công tác ở xã, có thể nói đã tạo ra nguồn bổ sung cho đội ngũ cán bộ cơ sở còn thiếu và yếu hiện nay góp phần vào việc củng cố nâng cao hiệu quả của hệ thống chính trị ở cơ sở, phục vụ xây dựng nông thôn mới hiện nay ở Gia Lai.
Theo Nhandan
Ý kiến ()