Gia Lai: Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Những năm qua, tỉnh Gia Lai đặc biệt chú trọng đầu tư hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở, qua đó từng bước nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số tạo được niềm tin trong cộng đồng các dân tộc trong tỉnh.
Hiện toàn ngành y tế của tỉnh có hơn 4.300 cán bộ; trong đó, 667 bác sĩ (256 bác sĩ có trình độ sau Đại học), 120 bác sĩ công tác tại tuyến xã, 100% xã có nữ hộ sinh, y sĩ sản nhi và gần 2.100 nhân viên y tế thôn bản. Thành công lớn nhất của ngành y tỉnh Gia Lai phải kể đến là công tác phòng, chống dịch bệnh. Nhờ chủ động phòng, chống dịch bệnh tốt nên nhiều năm qua, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh luôn ổn định. Bệnh dịch tả, dịch hạch, bại liệt không còn xảy ra, các bệnh dịch khác như bạch hầu, sởi, ho gà, viêm não vi rút, lỵ trực trùng… được khống chế có hiệu quả. Đặc biệt, hai dịch bệnh có nguy cơ cao trong cộng đồng là sốt rét và sốt xuất huyết cũng được các địa phương đầu tư có trọng điểm nên không xảy ra các ổ dịch lớn trong khu dân cư.
Từ một xã có tỷ lệ mắc bệnh sốt rét cao của huyện Kbang, đến nay việc xã Đăk Roong có ca mắc sốt rét là chuyện hiếm. Đăk Roong cũng là một trong những xã duy trì tỷ lệ hoàn thành tiêm chủng cho trẻ em hàng năm trên 97%. Là huyện vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn của tỉnh song đến nay, 100% trạm y tế ở huyện Kbang đều đã có bác sỹ. Đây cũng là địa phương đầu tiên của tỉnh làm tốt công tác tăng cường đưa bác sỹ về cơ sở, tạo nguồn bác sỹ tại chỗ để đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân.
Theo bác sỹ Nguyễn Văn Danh, trưởng Trạm y tế xã Đăk Roong, trước đây do cuộc sống của bà con còn nhiều thiếu thốn nên việc tự chăm sóc sức khỏe cho bản thân không được người dân quan tâm đúng mực. Do đó, mỗi ngày bình quân trạm phải tiếp nhận và điều trị vài ca bệnh sốt rét là chuyện bình thường. Đặc biệt, số ca cấp cứu hầu như đều phải chuyển lên tuyến trên bởi trang thiết bị tại trạm không đáp ứng được yêu cầu. Để giúp bà con thay đổi nhận thức, biết quan tâm hơn đến sức khỏe là nhiệm vụ hàng đầu được các y bác sỹ của Trạm y tế đặt ra để tìm lời giải. Theo đó, nhiệm vụ mở rộng mạng lưới y tế ở cơ sở là vấn đề cốt lõi cần sớm được đầu tư và rồi từ đó lần lượt 15 nhân viên y tế thôn, bản đã được hình thành góp phần hỗ trợ tích cực cho công tác chăm sóc sức khỏe người dân. Được sự hướng dẫn tận tình của đội ngũ y tế thôn, bản, những bệnh đơn giản được điều trị bệnh một cách hiệu quả ngay từ đầu.
Trạm y tế xã Ia Roong (huyện ChưPưh) cũng là một trong những điểm tựa vững chắc của bà con đồng bào dân tộc thiểu số trong việc khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe. Nhờ làm tốt công tác phối hợp với chính quyền, các già làng, trưởng bản vận động bà con xóa bỏ các hủ tục lạc hậu nên hiện nay, xã không còn tình trạng sinh đẻ ngoài rừng, thầy mo chữa bệnh mỗi khi có người đau, ốm. Từ niềm tin đó, số người dân đến với trạm y tế ngày một tăng, bình quân mỗi năm có từ 3.500 – 4.000 lượt người đến khám chữa bệnh.
Y sỹ Trần Thanh Tùng, phụ trách trạm y tế xã Ia Roong cho biết, trạm y tế xã được tăng cường đội ngũ y, bác sỹ có năng lực đảm bảo đáp ứng tốt yêu cầu khám chữa bệnh cho bệnh nhân trên địa bàn. Tuy nhiên, trạm y tế còn nhiều khó khăn do thiếu cơ sở vật chất, do đó rất mong ngành chức năng quan tâm đầu tư cho trạm các trang thiết bị hiện đại để đảm bảo việc chăm sóc sức khỏe ngày một tốt hơn.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()