Gia Lai kiên quyết ngăn chặn, xử lý các vụ phá rừng
Từ đầu năm đến nay, qua tuần tra kiểm soát, các ngành chức năng tỉnh Gia Lai đã phát hiện 268 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng, trong đó, vi phạm phá rừng, mua bán, cất giấu và vận chuyển lâm sản 247 vụ với số lượng gỗ bị tịch thu rất lớn...Theo Ban Quản lý rừng phòng hộ Đác Đoa, từ tháng 1-2012 đến nay, trên địa bàn huyện đã xảy ra 11 vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép với tổng diện tích gần 13 ha với nhiều cây lớn có đường kính 40-50 cm bị lâm tặc xẻ lấy gỗ, số còn lại là do người dân tại chỗ chặt hạ để làm nương rẫy. Anh Hoàng Trọng Thái, Trạm trưởng Trạm số 7, Vườn Quốc gia Kon Ka King cho biết: "Rừng phòng hộ Đác Đoa là vùng đệm có tác dụng bảo vệ vòng ngoài cho Vườn Quốc gia Kon Ka King do vậy rừng ở khu vực này bị phá cũng có nghĩa mối nguy hại đang trực tiếp đe dọa đến cả vùng sinh thái của cả khu bảo tồn".Tại một số nơi trong vùng dự án...
Theo Ban Quản lý rừng phòng hộ Đác Đoa, từ tháng 1-2012 đến nay, trên địa bàn huyện đã xảy ra 11 vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép với tổng diện tích gần 13 ha với nhiều cây lớn có đường kính 40-50 cm bị lâm tặc xẻ lấy gỗ, số còn lại là do người dân tại chỗ chặt hạ để làm nương rẫy. Anh Hoàng Trọng Thái, Trạm trưởng Trạm số 7, Vườn Quốc gia Kon Ka King cho biết: “Rừng phòng hộ Đác Đoa là vùng đệm có tác dụng bảo vệ vòng ngoài cho Vườn Quốc gia Kon Ka King do vậy rừng ở khu vực này bị phá cũng có nghĩa mối nguy hại đang trực tiếp đe dọa đến cả vùng sinh thái của cả khu bảo tồn”.
Tại một số nơi trong vùng dự án chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao-su thuộc địa bàn huyện Chư Prông, tình trạng chặt phá rừng còn phức tạp hơn. Lâm tặc chặt gỗ ngoài vùng dự án đưa vào trong vùng dự án để hợp thức hóa và ngang nhiên vận chuyển gỗ ra bên ngoài. Đáng chú ý, trên địa bàn huyện Krông Pa, từ đầu năm 2012 có 29 hộ, 56 khẩu di dân tự do từ Sơn La, Lạng Sơn đến phá rừng làm rẫy trên diện tích 17 ha tại vùng rừng thuộc xã Chư Drăng, giáp ranh với huyện Krông Năng (Đác Lắc).
Trước tình trạng vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng đang diễn biến ngày càng phức tạp ngày 10-4, UBND tỉnh Gia Lai quyết định mở đợt cao điểm truy quét tận gốc nạn phá rừng, lấn chiếm đất rừng; buôn bán vận chuyển lâm sản trái phép trên địa bàn tỉnh với sự tham gia của Kiểm lâm, Bộ đội Biên phòng, Công an tỉnh, Viện Kiểm sát, Sở Tư pháp…; đồng thời huy động nhiều lực lượng chức năng cùng vào cuộc để truy quét, tránh bị lâm tặc phát hiện. Bước đầu, các lực lượng chia thành bốn đoàn đến các địa phương đang là điểm nóng về tình trạng phá rừng trái phép gồm Chư Prông, Đức Cơ, Chư Pứ và Đác Đoa…
Ngay ngày đầu ra quân, Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 đã phát hiện xe cẩu mang BKS 57H-2246 do lái xe Nguyễn Đình Trung, trú tại phường Hội Phú, thành phố Plây Cu điều khiển đang bốc gỗ lên xe tại khoảnh 2, tiểu khu 931 giáp biên giới Cam-pu-chia thuộc lâm phần Ban quản lý rừng phòng hộ Ia Puch (Chư Prông) quản lý. Qua kiểm tra, Đoàn đã tạm giữ 48 lóng gỗ tròn từ nhóm 3 đến nhóm 5 tương đương hơn 28 m3 gồm sến, cà chít, dầu… Tiếp tục các ngày 13 và 14-4, Đoàn kiểm tra đã bất ngờ kiểm tra hai tiểu khu 983 và 999 xã Ia Mơ thuộc lâm phần do UBND xã quản lý đã phát hiện và tịch thu 19,6 m3 gỗ các loại đang tập kết chờ vận chuyển tiêu thụ; ngày 17-4 Đoàn kiểm tra một số tuyến đường mòn tại tiểu khu 1099 phát hiện tại hiện trường 38 lóng gỗ tròn (17 m3) chủ yếu là căm xe, tiểu khu 1009 phát hiện 27 lóng gỗ tròn khác cũng cùng chủng loại. Đặc biệt, sau khi đoàn liên ngành truy quét gay gắt, lâm tặc không thể vận chuyển lâm sản ra ngoài tiêu thụ đã cố tình đốt sáu lóng gỗ căm xe, nhiều lóng khác đang tập kết lại chờ đốt để phi tang. Ở một hướng khác, Đoàn kiểm tra liên ngành số 3 truy quét lâm tặc trên địa bàn huyện Chư Pưh cũng đã phát hiện, lập biên bản tạm giữ hơn 30 m3 gỗ tròn từ nhóm 3 đến nhóm 7 chưa rõ nguồn gốc được các đối tượng cất giấu trong rừng và vận chuyển trái phép từ Ea Hleo, Ea Súp (Đác Lắc) về địa bàn huyện. Hiện tại toàn bộ số gỗ trên và phương tiện đã bị tạm giữ, vụ việc đang được cơ quan chức năng tiến hành điều tra làm rõ.
Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Phạm Thế Dũng cho biết: Trong đợt truy quét này, các lực lượng kiên quyết bắt giữ người và phương tiện, tang vật; đồng thời xem xét cụ thể trách nhiệm các chủ rừng; của các lực lượng chức năng và địa phương để xảy ra tình trạng vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng báo cáo UBND tỉnh và trên cơ sở này sẽ đưa ra truy tố và xét xử trước pháp luật. Kết quả đợt truy quét này là cơ sở đánh giá lại đội ngũ cán bộ kiểm lâm, lực lượng các ban quản lý rừng phòng hộ đồng thời có biện pháp xử lý mạnh, đúng luật, không chỉ đối với các đối tượng vi phạm mà còn đối với các đơn vị chủ rừng để xảy ra tình trạng phá rừng.
Theo Nhandan
Ý kiến ()