Gia Lai hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số định canh, định cư
Giai đoạn 2013 - 2016, tỉnh Gia Lai triển khai thực hiện hiệu quả nhiều chính sách dân tộc, cơ bản hoàn thành hơn 100 dự án định canh, định cư tập trung và xen ghép trong các vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Gần 3.000 hộ dân là người Gia Rai và Ba Na trước đây du canh du cư, nay đã ổn định cuộc sống tại các buôn làng mới.
Trên cơ sở nguồn vốn đầu tư hơn 123 tỷ đồng của Chính phủ cho công tác định canh, định cư, Gia Lai đã tiến hành rà soát số dân du canh du cư, lập quỹ đất sản xuất, đất ở… để hình thành các buôn làng định canh, định cư tập trung mới, hoặc xen ghép với các buôn làng khác. Mười dự án định canh, định cư tập trung cho 664 hộ dân cơ bản hoàn thiện về cơ sở hạ tầng “điện, đường, trường, trạm”, như san gạt 24 ha đất ở để hình thành buôn làng mới, khai hoang 29 ha đất sản xuất, làm mới hơn 13 km đường giao thông, đầu tư 10 công trình điện, làm mới 21 công trình nước sinh hoạt hợp vệ sinh… Tại 94 dự án xen ghép, các địa phương đã phân bổ nguồn vốn hợp lý để hỗ trợ và đầu tư củng cố, xây dựng thêm một số công trình và hạng mục công trình thiết thực phục vụ đời sống và sinh hoạt cho cộng đồng.
Một số buôn làng mới định canh, định cư tập trung đã xây dựng các mô hình sản xuất có triển vọng và hiệu quả từ các loại cây trồng kinh tế như cà-phê, hồ tiêu, ngô lai…
* Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương đã ban hành Đề án “Sắp xếp, kiện toàn tổ chức, bộ máy, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị ở xã, phường, thị trấn giai đoạn 2016 – 2020”, với năm nhóm giải pháp. Đó là, kiện toàn tổ chức bộ máy; bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách gắn với tinh giản biên chế; nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị ở xã, phường, thị trấn; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách; bảo đảm chế độ, chính sách và kinh phí hoạt động.
Theo đó, đối với tổ chức đảng, sẽ sắp xếp, kiện toàn chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở theo mô hình mỗi thôn, khu dân cư có một chi bộ; khảo sát, đánh giá mô hình chi bộ dân quân cơ động và chi bộ quân sự xã, phường, thị trấn để có chỉ đạo cụ thể. Đối với chính quyền, từng bước cơ cấu lại việc sử dụng cán bộ và công chức xã để đến năm 2021, mỗi xã, phường, thị trấn giảm ít nhất 10% biên chế cán bộ, công chức được giao. Tiến hành đánh giá, rút kinh nghiệm; mở rộng thực hiện mô hình thí điểm bí thư đảng ủy đồng thời là chủ tịch UBND cấp xã ở nơi đủ điều kiện, phấn đấu sau đại hội cấp cơ sở nhiệm kỳ 2020 – 2025 có từ 30% đến 50% số đơn vị cấp xã có bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND.
Đề án khuyến khích việc phân công công chức xã có đủ điều kiện bố trí kiêm bí thư chi bộ, trưởng thôn, khu dân cư, nhằm tạo nguồn cán bộ chủ chốt cấp xã. Đối với cán bộ không chuyên trách ở cấp xã, thôn, một người đảm nhiệm từ hai đến ba chức danh; đến hết năm 2018, giảm ít nhất 40% số người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn…
Theo Nhandan
Ý kiến ()