Giá hạt tiêu tăng, người dân Tây Nguyên đua nhau mở rộng diện tích
Hiện nay, giá hạt tiêu đen ở Tây Nguyên đã tăng lên từ 136.000 đến trên 140.000 đồng/kg, tăng 15.000 đồng đến 19.000 đồng/kg so với đầu vụ, nên đồng bào các dân tộc ở khu vực này đã đua nhau mở rộng diện tích cây hồ tiêu bất chấp khuyến cáo của các đơn vị chức năng.
Ngay trong mùa mưa năm nay, đồng bào các dân tộc ở các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai đã chặt bỏ hàng ngàn ha cao su, cà phê và điều để chuyển sang trồng hồ tiêu.
Theo các hộ trồng tiêu, với giá tiêu đen như hiện nay và năng suất bình quân 3 tấn/ha, mỗi năm, sau khi trừ chi phí, các hộ nông dân thu lãi từ 400 triệu đồng trở lên/ha. Đây là loại cây công nghiệp dài ngày cho thu nhập cao nhất hiện nay.
Ở các vùng trọng điểm tiêu ở tỉnh Gia Lai như Chư Sê và Chư Pưh, có hàng trăm hộ gia đình thu nhập từ trồng tiêu hàng tỷ đồng/năm. Chẳng hạn, hộ gia đình anh Ngô Kim Anh, ở xã Ia Phang, huyện Chư Pưh có 5.000 trụ tiêu. Vụ này sau khi trừ các chi phí, gia đình anh thu lãi trên 1 tỷ đồng. Đối với hộ gia đình anh Nguyễn Văn Quéo, ở thị trấn Chư Sê, gia đình anh hiện có 30 ha tiêu, trong đó có 50% diện tích cho thu hoạch. Niên vụ này, sau khi trừ các khoản chi phí, anh có thu nhập trên 15 tỷ đồng.
Anh Phạm Ngọc Dũng, thôn 14, xã Ea Ning, huyện Cư Kuin (Đắk Lắk) đã phá bỏ 1 ha cà phê già cỗi chuyển sang trồng tiêu. Sau 4 năm vườn tiêu đi vào kinh doanh cho thu hoạch ổn định, niên vụ này đã cho thu hoạch 5 tấn tiêu hạt/ha. Với giá bán như hiện nay, sau khi trừ chi phí, gia đình anh đã thu lãi trên 450 triệu đồng.
Tuy nhiên, hạt tiêu là loại cây công nghiệp dài ngày, chu kỳ kinh doanh cả hàng chục năm, vốn đầu tư ban đầu lớn. Nhiều hộ gia đình đã ồ ạt đưa các giống tiêu không rõ nguồn gốc và nhiễm bệnh vào cây trồng, hoặc bố trí trồng trên những chân đất không thích hợp, thiếu quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh… nên dẫn đến tiêu chết hàng loạt.
Theo khuyến cáo của các ngành chức năng, đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên chỉ nên đưa vào trồng tiêu ở những vùng đất dễ thoát nước, có độ dốc dưới 5%, đất không bị ngập úng, tầng đất canh tác phải dày trên 100 cm, thành phần cơ giới nhẹ hoặc trung bình. Các hộ cần chọn các giống tiêu có nguồn gốc rõ ràng, không bị nhiễm bệnh, mật độ trồng tiêu ở trụ gỗ chết, trụ đốc bê tông thì bố trí 1.600 đến 2.000 trụ/ha, trụ gạch bố trí 1.100 trụ/ha. Đối với các hộ gia đình chọn trụ cây sống như lồng mức, vông, keo dậu, gạo…, mật độ trồng 1.600 trụ/ha. Riêng đối với cây trụ sống bằng cây muồng đen, chỉ bố trí 1.100 trụ/ha.
Các ngành chức năng cũng hướng dẫn cụ thể đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên kỹ thuật đào hố, trồng, chăm sóc, trồng cây che bóng, chắn gió vườn tiêu… nhằm góp phần phát triển cây tiêu bền vững, nâng cao thu nhập cho người trồng tiêu.
Theo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên có tổng diện tích cây tiêu trên 33.704 ha, với sản lượng đạt trên 67.000 tấn tiêu hạt trở lên. Diện tích tiêu này tập trung ở các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông. Theo quy hoạch đến năm 2015, tỉnh Đắk Lắk mới có 6.000 ha tiêu. Thế nhưng, đến nay, tỉnh Đắk Lắk đã có diện tích tiêu trên 11.080 ha, trong đó có 5.500 ha tiêu đã đi vào kinh doanh cho thu hoạch.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()