Giá hàng hoá nguyên liệu thế giới có khả năng đi ngang trong tháng 01/2023
Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), nhiều khả năng giá các mặt hàng quan trọng như dầu thô và nông sản sẽ đi ngang trong tháng 1 này, và thời điểm đầu tháng 2 sẽ là bản lề đối với thị trường trong nửa đầu năm 2023.
Tuần này, loạt dữ liệu lạm phát của cả Trung Quốc và Mỹ sẽ được công bố và giá dầu có thể rung lắc mạnh. Trong trường hợp lạm phát tại Trung Quốc ở mức không quá cao, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) có thể hạ lãi suất nhằm thúc đẩy tăng trưởng.
Theo Bloomberg, các nhà dự báo hàng đầu đang cho rằng ngay cả với nền tảng kinh tế vĩ mô yếu kém trong năm nay, nhu cầu dầu có thể tăng hơn 4 triệu thùng mỗi ngày, tương đương khoảng 4%, gần gấp đôi so với dự kiến nếu các nền kinh tế châu Á mở cửa trở lại hoàn toàn, và giá dầu có thể vượt qua 140 USD/thùng trong năm nay với kịch bản này.
Theo MXV, xét trong ngắn và trung hạn, mặc dù giá hàng hóa nguyên liệu thế giới ghi nhận các biến động khá lớn trong những ngày giao dịch đầu năm mới, tuy nhiên đây chưa phải là giai đoạn bước ngoặt của thị trường, bởi nhiều nhà đầu tư tại Mỹ và châu Âu vẫn đang trong kỳ nghỉ lễ kéo dài.
Nhiều khả năng giá các mặt hàng quan trọng như dầu thô và nông sản sẽ đi ngang trong tháng 1 này, và thời điểm đầu tháng 2 sẽ là bản lề đối với thị trường trong nửa đầu năm 2023. Bởi đây là thời điểm các doanh nghiệp và nhà đầu tư tại Việt Nam, Trung Quốc và một số nước châu Á quay trở lại sau dịp Tết Nguyên đán, do đó hoạt động thương mại hàng vật chất sẽ sôi động hơn, qua đó tạo ra biến động lớn về giá trên các Sở giao dịch thế giới.
Giá dầu “bốc hơi” hơn 8%
Kết thúc tuần giao dịch 02/01-08/01, giá dầu lao dốc mạnh, cắt đứt chuỗi tăng 3 tuần liên tiếp trước đó. Giá dầu WTI giảm 8,09% xuống 73,77 USD/thùng, trong khi Brent cũng đánh mất 8,4%, chốt phiên tại mức giá 78,69 USD/thùng.
Cùng với đó, giá khí tự nhiên lao dốc hơn 17% trong tuần qua, ghi nhận tuần giảm thứ 4 liên tiếp. Thời tiết ôn hòa trong mùa đông, với một loạt các nhà cung cấp mới và nỗ lực giảm nhu cầu đang giúp khu vực EU giảm phụ thuộc vào nguồn cung từ Nga và tạm thời tránh được một cuộc khủng hoảng năng lượng. Dự trữ vẫn ở mức cao.
Báo cáo của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) trong tuần qua cũng phản ánh mức tiêu thụ yếu, với các sản phẩm được cung cấp, một thước đo về nhu cầu đã giảm mạnh 4.6 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 30/12, xuống hơn 18 triệu thùng, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 4 năm và cùng kỳ năm ngoái. Hoạt động lọc dầu của Mỹ cũng suy yếu trở lại trong tuần, với nhu cầu đầu vào giảm 2.3 triệu so với tuần trước đó.
Yếu tố có thể hỗ trợ đáng kể cho giá dầu trong thời gian tới là vấn đề về tiêu thụ tại Trung Quốc, nhất là khi mới đây, Chính phủ nước này đã liên tục có những biện pháp kích thích nền kinh tế mạnh tay.
Các mặt hàng nông sản đồng loạt giảm mạnh
Khép lại tuần giao dịch vừa qua (02/01- 08/01), giá ngô đã giảm trở lại sau 3 tuần liên tiếp tăng giá. Ảnh hưởng của thời tiết lên mùa vụ ở Nam Mỹ vẫn chưa rõ ràng nhưng áp lực cạnh tranh ngắn hạn từ hoạt động xuất khẩu ở các nước sản xuất đã khiến giá ngô trên Sở Chicago suy yếu.
Giá lúa mì cũng đóng cửa tuần giao dịch vừa qua trong sắc đỏ và đây cũng là tuần giảm mạnh nhất trong 6 tháng qua của mặt hàng này. Triển vọng nguồn cung nới lỏng hơn là nguyên nhân chính lý giải cho diễn biến sụt giảm của lúa mì.
https://baochinhphu.vn/gia-hang-hoa-nguyen-lieu-the-gioi-co-kha-nang-di-ngang-trong-thang-01-2023-102230109080632964.htm
Ý kiến ()