Giá hàng ăn uống, dịch vụ ổn định trở lại
Khác hẳn sự ổn định về giá cả trong những ngày giáp Tết Nguyên đán 2014, chỉ trong hai ngày đầu Xuân mới, trên địa bàn cả nước, tình trạng tăng giá đột biến ở một số mặt hàng, lĩnh vực, nhất là hàng phục vụ ăn uống, dịch vụ, đi lễ... đã tái diễn như các năm trước. Tại Thủ đô Hà Nội, tình trạng "chặt chém" về giá diễn ra ở các lĩnh vực ăn uống, giao thông, dịch vụ. Tuy nhiên, đến chiều ngày mồng 2 Tết, mặt bằng giá cả đã ổn định trở lại các mức giá chỉ nhỉnh hơn so với ngày bình thường.
17 giờ chiều mồng 2 Tết Nguyên đán, khu vực bờ hồ Hoàn Kiếm, phố Bảo Khánh, Hàng Hành, Nhà Thờ, Lý Quốc Sư… vẫn tấp nập người và xe máy, ô-tô lưu thông. Hai bên phố, nhiều hàng quán vẫn mở cửa, hoạt động mua bán, giải trí vẫn diễn ra tấp nập. Vừa giục cậu con trai chừng 10 tuổi ăn tô bún riêu bò đầu phố Ngõ Huyện (phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), chị Phạm Hoàng Khánh Hà cho biết, với bát bún lèo tèo chục miếng thịt bò, vài lát cà chua, chị đã phải trả 50 nghìn đồng. Chị Hà cho biết: “Ðắt gần gấp đôi ngày bình thường nhưng vẫn phải cho con ăn, vì đi đâu thì giá cũng đắt như vậy. Ở đây còn đỡ hơn bên phố Ðường Thành (quận Hoàn Kiếm), bát bún riêu ốc đã được đẩy lên đến 80 nghìn đồng/bát. Phải ăn nhưng thấy thật xót tiền”.
Không riêng khu vực phố Lý Quốc Sư, phố Nhà Thờ, phố Hàng Trống… mà các phố trung tâm khác của Thủ đô Hà Nội hầu hết cũng trong tình trạng tương tự. Lý do mà nhà hàng đưa ra là ngày Tết không có người phục vụ, người đưa hàng, hàng nguyên liệu phải mua với giá cao, việc bán hàng là cả một sự “hy sinh” của chủ hàng… nên giá tăng. Trong khi đó, các mặt hàng có “truyền thống” tăng giá mạnh trong những ngày Tết như thủy sản, giò chả, rau xanh… tại các chợ dân sinh lại khá ổn định, mức tăng không đáng kể. Theo báo cáo hằng ngày của Bộ Tài chính gửi Chính phủ, thị trường hai ngày mồng 1 và mồng 2 Tết cũng ghi nhận sự tăng giá bất thường này, nhất là trong giá hàng ăn uống đã tăng ít nhất 40% so với ngày thường, còn giá dịch vụ trông giữ xe ô-tô, xe gắn máy đã tăng từ 100 đến 200%.
Tại TP Hồ Chí Minh, tuy hàng nhập chợ vẫn còn ít, chủ yếu là các mặt hàng rau, củ và trái cây nhưng cơ quan quản lý ghi nhận không có sự tăng giá đột biến, thậm chí do sức mua yếu nên giá các mặt hàng giảm trở lại, bằng hoặc thấp hơn giá ngày thường. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, đây cũng là tình trạng chung tại các tỉnh, thành phố như: Tiền Giang, Ðà Nẵng, Bình Dương…
Trong khi đó, vào các ngày 28, 29 và 30 Tết, thị trường hàng hóa, dịch vụ trong cả nước tương đối ổn định, giá cả một số mặt hàng có tăng nhưng không đáng kể, trong đó nhiều mặt hàng giữ giá hoặc giảm giá mạnh. Báo cáo nhanh về tình hình giá cả thị trường Tết Nguyên đán Giáp Ngọ của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, trong các ngày 28, 29 Tết, tại một số tỉnh, thành phố lớn, hoạt động mua bán diễn ra sôi động, tấp nập. Các siêu thị Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Ðà Nẵng đều ghi nhận lượng người mua tăng từ 3 đến 4 lần so với ngày thường do có ưu thế về nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, an toàn vệ sinh thực phẩm, văn minh phục vụ… Các siêu thị đã chuẩn bị sẵn sàng lượng hàng hóa, tăng thêm số quầy thanh toán… giá cả ổn định. Nguồn cung trên thị trường phong phú, hàng nội chiếm 80 đến 90% lượng hàng trên thị trường. Tuy sức mua tăng nhưng giá lương thực, thực phẩm tươi sống, hàng công nghệ phẩm chế biến, giá rau, củ, quả ổn định, giá hoa tăng nhẹ; chương trình bình ổn thị trường đã phát huy tốt tác dụng, giúp diễn biến giá ổn định đúng mức đăng ký, công khai thông tin, tăng các điểm bán tại các vùng ngoại ô, vùng sâu, vùng xa… Phó Cục trưởng Quản lý giá Nguyễn Văn Truyền nhận xét: Do làm tốt công tác chuẩn bị Tết cho nên về cơ bản lượng hàng hóa trên thị trường đủ thỏa mãn nhu cầu mua sắm Tết của nhân dân, giá cả ổn định.
Ðại diện Cục Quản lý giá cho biết, nhìn chung, sức mua Tết năm nay thấp hơn so với cùng kỳ Tết Quý Tỵ 2013, không khí mua bán không tấp nập, sôi động như mọi năm do người tiêu dùng đã điều chỉnh thói quen mua sắm, không dồn vào ba ngày Tết như mọi năm mà mua rải đều từ những ngày trước đó. Ngoài ra, xu hướng tiết kiệm chỉ mua những gì thật thiết yếu, không tích trữ nhiều vì các cửa hàng sẽ sớm mở cửa trở lại cũng làm giảm bớt áp lực về cầu. Sức mua chủ yếu tập trung từ ngày 28 trở đi, đến sáng 30 Tết, trong đó sức mua tăng tập trung tại các siêu thị, trung tâm thương mại do tâm lý người tiêu dùng ưu tiên mua hàng hóa bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Về nguồn cung: Nguồn hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán năm nay được bày bán tại các chợ, siêu thị rất dồi dào, phong phú, đa dạng về chủng loại, kiểu dáng đẹp, đáp ứng đầy đủ nhu cầu mua sắm của nhân dân. Hàng Việt Nam sản xuất đã chiếm lĩnh 80% đến 90% thị phần và được người tiêu dùng đón nhận vì sản phẩm đã có chất lượng cao, mẫu mã rất đẹp, đa dạng chủng loại, phong phú về kiểu dáng tương đương hàng ngoại nhưng giá cả hợp lý được bày bán khắp mọi nơi. Chương trình bình ổn thị trường được triển khai tại nhiều địa phương với giá bán thấp hơn thị trường từ 10 đến 15% đã phát huy tác dụng, góp phần bình ổn thị trường; đồng thời các siêu thị, trung tâm thương mại còn thực hiện kéo dài thời gian phục vụ tại các điểm bán hàng bình ổn và mở cửa sớm sau Tết, tạo tâm lý an tâm cho thị trường, góp phần giảm lượng mua dự trữ, thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân. Ngoài ra, các tỉnh, thành phố tiếp tục chú trọng tới việc tổ chức tốt hệ thống phân phối (với gần 8.600 chợ, 700 siêu thị và 125 trung tâm thương mại, hàng nghìn cửa hàng chuyên doanh và cửa hàng tiện lợi) để đưa hàng Tết đến tay người tiêu dùng, đặc biệt là hàng bình ổn.
Về giá cả, qua báo cáo của các địa phương, do nguồn cung đủ đáp ứng nhu cầu nên về cơ bản giá cả hàng hóa trong ba ngày Tết ổn định, góp phần phục vụ nhân dân ăn Tết vui tươi, phấn khởi. Cụ thể: giá nhóm hàng công nghệ phẩm ổn định trước, trong và sau Tết; giá nhóm lương thực cũng ổn định. Giá nhóm thực phẩm tươi sống (thịt gà, bò, thủy hải sản) có tăng nhẹ vào những ngày cận Tết; ngày mồng 2 Tết chỉ một số ít tiểu thương bày bán hàng, giá tiếp tục nhích nhẹ nhưng nhu cầu mua sắm cũng không nhiều. Giá rau xanh, củ, quả ổn định, giảm nhẹ ở một số địa phương do thời tiết nắng ấm, thuận lợi thu hoạch và vận chuyển. Riêng nhóm giá dịch vụ thì có mức tăng mạnh, nhất là dịch vụ rửa xe tăng trong ngày trước Tết; dịch vụ trông giữ xe máy, ô-tô tăng cao tại một số địa phương, tập trung ở khu vực chùa chiền, lễ hội (tăng từ 200% đến 300% thậm chí cao hơn nhiều so với ngày thường); tuy nhiên giá trông giữ xe tại các siêu thị, trung tâm thương mại ổn định, cá biệt giữ xe miễn phí phục vụ khách hàng.
Giá xăng, dầu được Nhà nước giữ ổn định, riêng giá dầu đi-ê-den giảm từ 27 Tết, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Giá mặt hàng ga đã giảm 13 nghìn đồng/bình 12 kg… là tin vui cho người tiêu dùng ngày đầu năm. Giá các mặt hàng thiết yếu khác như điện, giá dịch vụ khám, chữa bệnh, giá dịch vụ giáo dục, giá xi-măng, sắt thép… ổn định.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá Nguyễn Thúy Nga nhận định: Ðây là kết quả tốt của công tác chỉ đạo, điều hành bình ổn thị trường giá khi hầu hết Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố đã chỉ đạo kịp thời, sát sao, liên tục cả trước, trong và sau Tết, góp phần tích cực ổn định cung cầu, giá cả thị trường những ngày Tết Nguyên đán, nhất là giá hàng dịch vụ, ăn uống tăng bất thường vào các ngày mồng 1 và mồng 2 Tết.
Theo Nhandan
Ý kiến ()