Giá gas tăng, người tiêu dùng gặp nhiều khó khăn
– Liên tiếp trong những tháng gần đây, giá các loại nhiên liệu như: xăng, dầu, gas liên tục tăng khiến người dân gặp không ít khó khăn. Trong đó, việc giá gas tại thị trường Lạng sơn tăng sát mức 500 nghìn đồng/bình 12 kg đã ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất, sinh hoạt của người dân.
Theo ghi nhận của phóng viên, trên thị trường thành phố Lạng Sơn, giá bán lẻ 1 bình gas 12 kg dao động từ 430.000 – 475.000 đồng, tùy từng thương hiệu gas. Cụ thể như, gas Petrollimex 475.000 đồng/bình 12 kg; gas Petrovietnam 430.000 đồng/bình 12 kg; gas HanoiPetrol 445.000 đồng/bình 12 kg… Đây là mức giá cao kỷ lục từ trước tới nay. Lý giải về nguyên nhân tăng giá, theo đơn vị kinh doanh gas là do giá giao dịch gas trên thị trường thế giới tăng cao, các đơn vị kinh doanh gas trong nước phải điều chỉnh tăng giá gas bán lẻ.
Cán bộ Đội Quản lý thị trường số 5 kiểm tra hộ kinh doanh gas tại xã Liên Hội, huyện Văn Quan
Gas là mặt hàng thiết yếu trong đời sống sinh hoạt của người dân, không chỉ ở thành phố mà ngay cả ở các vùng nông thôn. Chính vì vậy, việc giá gas tăng đến mức “chóng mặt” trong thời gian ngắn đã tăng thêm gánh nặng trên vai người tiêu dùng, nhất là những hộ thu nhập thấp. Đặc biệt, trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tác động xấu đến việc làm và thu nhập như hiện nay.
Bà Vy Thị Mai, trú phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn cho biết: Vào mùa đông, nhu cầu đun nấu, sử dụng gas của gia đình tôi cao hơn từ 15 đến 20% so với bình thường. Song giá gas tăng cao kỷ lục khiến gia đình tôi phải cân nhắc, tính toán lại các chi phí sinh hoạt cũng như kế hoạch sử dụng gas hiệu quả, tiết kiệm hơn.
Cũng loay hoay với việc điều tiết chi phí sinh hoạt, bà Nguyễn Thị Loan, Khối 6, Phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn cho biết: Gia đình tôi có 6 người, bình thường đun nấu khoảng một tháng rưỡi hết một bình gas 12 kg. Tuy nhiên, vào mùa đông, nhu cầu đun nấu, sử dụng gas tăng hơn, trung bình sử dụng hết 1 bình/tháng. Nếu giá gas cao ở mức như hiện nay, chi phí cho sử dụng gas đun nấu của gia đình trung bình khoảng 16 nghìn đồng/ngày là khá cao so với các loại chất đốt khác. Do đó, gia đình tôi đang cân nhắc chuyển sang bếp than tổ ong hoặc củi để đun nấu.
Không chỉ người tiêu dùng gặp khó khi giá gas tăng, mà các cơ sở kinh doanh gas trên địa bàn thành phố Lạng Sơn cũng khó bảo đảm doanh thu. Theo đại diện đại lý phân phối gas Thành Đạt, địa chỉ 296 Trần Đăng Ninh, thành phố Lạng Sơn cho biết: Thời gian gần đây, lượng khách hàng đổi từ sử dụng bếp gas sang bếp từ, bếp hồng ngoại tăng cao, một phần do sức ép từ việc giá gas tăng liên tục; cùng đó, nhiều gia đình có thu nhập không ổn định, tiết kiệm chi phí sinh hoạt bằng cách chuyển sang đun nấu bằng củi, than tổ ong… Từ tháng 9/2021 đến nay, giá gas đã tăng tới gần 100 nghìn/bình 12 kg, tuy nhiên, lượng bán lại giảm, doanh thu mỗi tháng giảm khoảng 15%, so với khi giá chưa tăng.
Cùng với đó, theo nhận định của các cơ quan chức năng, khi giá gas tăng cao, nhu cầu sử dụng của thị trường vẫn lớn sẽ phát sinh mối lo ngại về hàng giả, hàng kém chất lượng, gây ảnh hưởng tới an toàn, lợi ích của người tiêu dùng.
Ông Trần Mạnh Hùng, Phó cục trưởng, Cục Quản lý Thị trường tỉnh cho biết: Trước tình hình giá gas trên cả nước nói chung, tỉnh Lạng Sơn nói riêng có chiều hướng tăng cao trong thời gian qua, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã tăng cường chỉ đạo các đội quản lý địa bàn các huyện, thành phố áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để kiểm tra (kiểm tra đột xuất), xử lý vi phạm liên quan đến hoạt động buôn bán khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG), chú trọng các hành vi thường xảy ra như: Bán lẻ LPG chai tại cơ sở không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện cửa hàng bán lẻ LPG chai, hoặc Giấy chứng nhận đủ điều kiện cửa hàng bán lẻ LPG chai đã hết thời hạn hiệu lực. Giấy chứng nhận đủ điều kiện cửa hàng bán lẻ LPG chai đã bị tước quyền sử dụng hoặc bị thu hồi; Lưu thông chai LPG trên thị trường không có đầy đủ hồ sơ, nguồn gốc xuất xứ của nhà sản xuất, không niêm yết bán đúng giá theo quy định…
Mặc dù giá gas tăng do biến động chung của thị trường thế giới và trong nước nhưng mong rằng, trong thời gian tới, các ngành chức năng liên quan tiếp tục có biện pháp quản lý để mặt hàng này được bán đúng giá theo quy định, giảm bớt gánh nặng cho người tiêu dùng, nhất là trong thời điểm dịch COVID-19 gây khó khăn về thu nhập, việc làm cho đại bộ phận người dân.
Ý kiến ()