Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam ngày càng được cải thiện
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 5 tháng đầu năm 2018, hầu hết các lĩnh vực sản xuất đều có kết quả tăng so với cùng kỳ. Trong đó, nổi bật nhất là mặt hàng lúa gạo “được mùa, được giá” với giá trị xuất khẩu tăng mạnh.
Đến nay, vùng đồng bằng sông Cửu Long đã hoàn thành thu hoạch với năng suất đạt 69,2 tạ/ha, tăng 6,3 tạ/ha so với vụ Đông xuân trước (tăng 9,1%); sản lượng đạt gần 10,9 triệu tấn, tăng 1,06 triệu tấn.
Bên cạnh tăng trưởng về lượng thì giá gạo xuất khẩu trong 5 tháng cũng tiếp tục tăng, đạt trên 502 USD/tấn. Giá gạo tấm 5% xuất khẩu của Việt Nam đạt 458-462 USD/tấn vào thời điểm trung tuần tháng 5 – mức cao nhất trong vòng 4 năm qua và cao hơn gạo đồ 5% tấm xuất khẩu của Ấn Độ là 404-408 USD/tấn, giá gạo 5% tấm của Thái Lan là 435-440 USD/tấn. Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam ngày càng cải thiện nhờ tỷ lệ gạo cao cấp và gạo thơm xuất khẩu ngày càng tăng, chiếm trên 80%.
Nhờ vậy, trong 5 tháng đầu năm 2018 xuất khẩu gạo đạt 2,66 triệu tấn, giá trị đạt 1,45 tỷ USD, tăng 13,9% về khối lượng và tăng 40% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Dự báo từ nay đến hết tháng 6, giá lúa gạo trong nước tiếp tục diễn biến tích cực do triển vọng xuất khẩu gạo trở lại sang Philippines.
Cũng theo Bộ NN&PTNT, năm nay, nông dân các tỉnh trồng vải thiều, nhãn trọng điểm như: Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên được mùa nhất trong 10 năm qua, sản lượng vải thiều tăng gấp đôi so với năm trước. Hiện nay, các đơn vị của Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương đang phối hợp chặt chẽ với các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên tổ chức các diễn đàn xúc tiến vải, nhãn và lễ hội, bảo đảm tiêu thụ vải thiều cho nông dân.
Bên cạnh đó, trong 5 tháng đầu năm 2018, thị trường cá tra nguyên liệu tại đồng bằng sông Cửu Long có nhiều chuyển biến. Giá cá tra đạt mức 31.000-33.000 đồng/kg (tăng 400 đồng/kg so với đầu năm). Dự báo giá cá tra xuất khẩu ở mức tốt có thể kéo dài cả năm 2018.
Thị trường tôm trong 5 tháng đầu năm khá ổn định đối với tôm sú nhưng có biến động giảm đối với tôm thẻ chân trắng do giá tôm thế giới giảm (sản lượng thu hoạch tại một số nước tăng).
Trong vòng 5 tháng đầu năm, xây dựng nông thôn mới đã đạt và vượt chỉ tiêu phấn đấu Bộ đưa ra từ đầu năm là 37%. Tính đến 20/5, cả nước đã có 3.346 xã (37,48%) và 52 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 26 xã (0,3%), tăng 2 huyện so với cuối tháng 4/2018. Từ cuối tháng 4/2018, Bộ đã điều chỉnh chỉ tiêu tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 39,8%, số huyện đạt chuẩn nông thôn mới là 54 huyện.
Nhằm góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng chung của cả nước, trong những tháng cuối năm, Bộ NN&PTNT quyết tâm phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP ngành đạt tối thiểu 3%, xuất khẩu đạt 40-40,5 tỷ USD, có 39,8% số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và độ che phủ rừng đạt 41,65%. Để đạt được các mục tiêu này, Bộ chủ trương tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại, nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh./.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()