Nông dân thoát nghèo từ mô hình kinh tế tổng hợp
- Với quyết tâm vươn lên làm giàu chính đáng, ông Hà Văn Đông (sinh năm 1962) ở khu 8 thị trấn Đình Lập, huyện Đình Lập đã xây dựng thành công mô hình kinh tế tổng hợp, thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, trở thành điển hình trong phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo tại địa phương.
Sinh ra và lớn lên tại thị trấn Đình Lập, năm 1983, ông Hà Văn Đông đi bộ đội. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, năm 1986 ông xuất ngũ trở về địa phương, kết hôn và lần lượt sinh được 2 người con. Khi đó, công việc không ổn định, thiếu vốn và kinh nghiệm sản xuất, gia đình nhiều năm loay hoay với việc nuôi, trồng manh mún, kinh tế khó khăn, thu nhập bấp bênh, thường xuyên nằm trong diện nghèo, cận nghèo. Không cam chịu cảnh nghèo khó, mong muốn gia đình có cuộc sống tốt hơn, ông Đông trăn trở suy nghĩ, quyết tâm tìm hướng phát triển kinh tế tại quê nhà.
Năm 2016, sau khi tìm hiểu thế mạnh đồi rừng ở địa phương (huyện Đình Lập có hơn 114.070 ha đất lâm nghiệp, chiếm 95,8% diện tích đất tự nhiên) và nắm bắt được nhu cầu sử dụng các sản phẩm sạch từ thiên nhiên ngày càng tăng cao của người dân trong vùng, ông Đông quyết định phát triển mô hình kinh tế tổng hợp, vừa làm lâm nghiệp vừa trồng trọt và chăn nuôi trên chính mảnh đất của gia đình.
Những ngày đầu, ông sử dụng hết số vốn tích luỹ trong nhiều năm để cải tạo lại quỹ đất có sẵn, dựng lán sinh hoạt tạm và mở rộng chuồng trại, đầu tư 2 con trâu, 20 con gà, 10 con vịt cùng vài tổ ong đặt trong rừng thu lấy mật. Thời điểm ấy, do chỉ dựa vào kinh nghiệm của bản thân nên ông Đông gặp không ít khó khăn, nhất là khi đàn vật nuôi chậm lớn, lần lượt ốm bệnh và chết hết khiến gia đình mất trắng. Không nản chí, ông chủ động vay mượn thêm người thân để làm lại, tiếp tục tìm tòi, nghiên cứu, học hỏi kiến thức khoa học và học cách phòng trừ dịch bệnh trên các phương tiện truyền thông đại chúng để biết cách theo dõi quá trình sinh trưởng của cây trồng vật nuôi, từ đó phát hiện sớm những bệnh thường gặp và có biện pháp chữa trị kịp thời. Đồng thời, ông cũng tiến hành đầu tư máy móc tiến bộ hơn để hạn chế sức người, tận dụng phụ phẩm chăn nuôi vào trồng trọt nhằm giảm thiểu chi phí đầu tư, quay vòng vốn ngắn ngày để tái đầu tư vào các công việc khác.
Chia sẻ về mô hình, ông Đông cho biết: Trồng rừng phải mất một khoảng thời gian dài mới cho thu nhập, trong khi đó nhựa thông đến tuổi khai thác cũng chỉ làm được chủ yếu trong mùa hè, do vậy với phương châm "lấy ngắn nuôi dài”, gia đình tôi đầu tư chăn thêm trâu giống, gà vịt thương phẩm và nuôi ong lấy mật. Tận dụng nguồn thức ăn sẵn từ rau, cỏ và tích cực phòng, chống dịch bệnh nên đàn vật nuôi phát triển khỏe mạnh, giúp gia đình tôi có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống, nuôi các con và các cháu học tập.
Đến nay, sau hơn 8 năm áp dụng mô hình, gia đình ông Đông thường xuyên duy trì được đàn trâu giống với số lượng 9 hoặc 10 con, cùng hàng trăm con gà, vịt thương phẩm mang lại nguồn thu từ 100 - 120 triệu đồng/năm, sau khi đã trừ chi phí đầu tư sản xuất. Ngoài chăn nuôi, gia đình ông còn khai thác nhựa thông thu về khoảng 3 tấn/năm, tương đương 50 - 100 triệu đồng/năm (giá tùy thời điểm), chưa kể việc nuôi ong lấy mật và sản xuất thùng nuôi ong cũng giúp gia đình ông có thêm khoảng 20 - 30 triệu đồng/năm. Tổng thu nhập của cả gia đình từ tất cả các nguồn đạt hơn 200 triệu đồng/năm.
Từ năm 2019, hộ ông Đông liên tiếp đạt gia đình có thành tích xuất sắc trong phát triển kinh tế tại địa phương; gia đình văn hóa tiêu biểu tại khu dân cư. Cá nhân ông Đông cũng nhận được rất nhiều giấy khen, tuyên dương từ cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, qua các năm. Năm 2024, ông Đông vinh dự là 1 trong 2 nông dân tiêu biểu của thị trấn Đình Lập, được Chủ tịch UBND tỉnh trao tặng bằng khen “Nông dân có mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, góp phần vào công tác xóa đói, giảm nghèo và tạo việc làm cho người lao động tại địa phương”.
Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, ông Đông còn nhiệt tình tham gia các hoạt động chung của khu phố. Từ năm 2016 đến nay, ông được bầu làm phó trưởng khu 8, trở thành đảng viên rồi lần lượt kiêm thêm một số nhiệm vụ ở khu dân cư như: thôn đội trưởng, tổ phó tổ bảo vệ an ninh trật tự, đại biểu HĐND thị trấn. Ngoài ra, ông còn là hội viên tích cực của Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân thị trấn Đình Lập.
Ông Nông Văn Thắng, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Đình Lập cho biết: Ông Đông là một nông dân năng động, biết khai thác thế mạnh đồi rừng để phát triển kinh tế gia đình. Không những thế, ông còn sẵn sàng giúp đỡ những người dân có nhu cầu học hỏi về kinh nghiệm, kỹ thuật trồng trọt và chăm sóc vật nuôi như gia đình ông, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Phát triển kinh tế từ đồi rừng kết hợp trồng trọt và chăn nuôi tuy không mới nhưng để thành công thì luôn cần sự cố gắng, nỗ lực không ngừng. Những mô hình phát triển kinh tế như hộ ông Hà Văn Đông không chỉ cải thiện cuộc sống gia đình mà còn góp phần thực hiện xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Ý kiến ()