Giá dầu, vàng và chứng khoán châu Á phiên chiều 12/2 đều đi xuống
Trong phiên giao dịch ngày 12/2, Gía dầu, vàng và chứng khoán Châu Á đều đi xuống do biến động nhẹ khi các nhà đâu tư theo dõi chặt chẽ diễn biến đàm phán gói kích thích kinh tế của Mỹ.
Giá dầu châu Á đi xuống do dự báo thị trường dư cung
Giá dầu châu Á trong phiên chiều 12/2 giảm phiên thứ hai liên tiếp sau khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) một lần nữa hạ dự báo nhu cầu năng lượng và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho rằng thị trường “vàng đen” vẫn dư cung.
Phiên này, giá dầu Brent giao kỳ hạn giảm 39 xu Mỹ (0,6%) xuống 60,75 USD/thùng vào lúc 14 giờ 43 phút (giờ Việt Nam) sau khi giảm nửa điểm phần trăm so với phiên trước đó.
Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao kỳ hạn cũng giảm 44 xu Mỹ (0,8%) xuống 57,80 USD/thùng. Cả hai loại dầu trên đều giao dịch ở mức cao nhất kể từ 1/2000 sau chuỗi tăng hàng ngày gần như lập kỷ lục.
Giá dầu tăng trong mấy tuần vừa qua khi OPEC và những quốc gia sản xuất dầu liên minh, còn gọi là OPEC , bao gồm Nga, tiến hành cắt giảm sản lượng khai thác, trong khi Saudi Arabia cũng cho biết sẽ đơn phương giảm khai thác bắt đầu từ tháng Hai này.
Trước đó, IEA cho biết nguồn cung ứng dầu mỏ vẫn vượt xa so với nhu cầu trên toàn cầu, dù cho vắcxin ngừa dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 dự báo sẽ giúp nhu cầu nhiên liệu phục hồi.
Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), dự trữ dầu thô của Mỹ bất ngờ giảm trong tuần qua khi giảm hơn 6 triệu thùng do các nhà máy lọc dầu tăng sản lượng lên mức trước đại dịch COVID-19.
Giá vàng châu Á giảm nhẹ khi đồng USD mạnh lên
Giá vàng châu Á phiên chiều 12/2 giảm khi đồng USD và lợi suất trái phiếu Mỹ tăng, tuy nhiên giá kim loại quý vẫn ở mức tốt nhất trong ba tuần qua, nhờ được cung cố bởi các nhà đầu tư kỳ vọng vào các biện pháp kích thích kinh tế tiếp theo của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Vào lúc 16 giờ 21 phút (theo giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay giảm 0,4% xuống 1.818,83 USD/ounce, trong khi giá vàng kỳ hạn của Mỹ giảm 0,4% xuống 1.819,10 USD/ounce.
Chuyên gia Kyle Rodda thuộc IG Market cho hay số lượng việc làm ở Mỹ sẽ phản ánh lạm phát của thị trường và điều đó có thể ảnh hưởng xấu đến vàng. Số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp ở Mỹ giảm nhẹ tuần vừa qua, nhưng vẫn ở mức cao.
Thị trường giao dịch trầm lặng do nhiều thị trường ở châu Á đóng cửa nghỉ lễ Tết Nguyên đán.
Trên thị trường kim loại quý khác, giá bạc giao ngay tăng 0,2% lên 27 USD/ounce, giá palladium tăng 0,1% lên 2.348,43 USD/ounce, còn giá bạch kim giao ngay giảm 1,1% lên 1.221,61 USD/ounce, sau khi chạm mức cao nhất 6 năm qua trong phiên trước là 1.268,88 USD/ounce.
Thị trường chứng khoán châu Á giảm điểm trong phiên 12/2
Trong phiên giao dịch 12/2, các thị trường chứng khoán châu Á biến động nhẹ khi các nhà đầu tư theo dõi chặt chẽ diễn biến đàm phán gói kích thích kinh tế của Mỹ và việc triển khai vắcxin phòng COVID-19.
Hoạt động giao dịch nhìn chung trầm lắng do một số thị trường chủ chốt bắt đầu nghỉ lễ, đặc biệt là Tết Nguyên đán, và phần lớn thị trường ở châu Á sẽ đóng cửa nghỉ lễ trong vài ngày.
Chốt phiên 12/2, chỉ số Nikkei 225 của thị trường Tokyo (Nhật Bản) giảm 0,1% xuống 29.520,07 điểm, chỉ số S&P/ASX 200 của Sydney giảm 0,6% xuống 6.806,70 điểm. Trong khi, thị trường Hong Kong (Trung Quốc) và thị trường Thượng Hải (Trung Quốc) đóng cửa nghỉ lễ.
Các tài sản rủi ro toàn cầu liên tục tăng giá trong năm nay nhờ việc triển khai vắcxin ngừa COVID-19, tỷ lệ lây nhiễm và tử vong do đại dịch giảm và sự lạc quan của giới đầu tư về gói cứu trợ khổng lồ 1,9 nghìn tỷ USD của Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Cũng trong phiên này, đồng bitcoin tiếp tục tăng cao khi có thời điểm chạm mức cao kỷ lục gần 48.930 USD/BTC, được thúc đẩy nhờ MasterCard và ngân hàng BNY Mellon của Mỹ tạo điều kiện dễ dàng hơn trong sử dụng tiền điện tử.
Đồng bitcoin tăng giá mạnh gần đây sau khi nhà sản xuất xe điện Tesla thông báo sẽ đầu tư 1,5 tỷ USD vào đồng tiền này và cho biết Tesla cũng sẽ sớm chấp nhận thanh toán bằng bitcoin./.
Theo vietnamplus.vn
Ý kiến ()