Giá dầu trên thị trường châu Á giảm trong phiên đầu tuần
Tại thị trường châu Á, lúc 7 giờ 7 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent Biển Bắc được giao dịch ở mức 58,25 USD/thùng, giảm 28 xu Mỹ (0,5%) so với mức đóng phiên trước đó.
Giá dầu giao dịch trên thị trường châu Á đã giảm trong phiên đầu tuần 12/8, do đà suy giảm tăng trưởng kinh tế thế giới và những lo ngại về cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, vốn đã ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng nhu cầu “vàng đen” trên toàn cầu.
Tại thị trường châu Á, lúc 7 giờ 07 phút (giờ Việt Nam), giá dầu Brent Biển Bắc được giao dịch ở mức 58,25 USD/thùng, giảm 28 xu Mỹ (0,5%) so với mức đóng phiên trước đó.
Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 22 xu Mỹ (0,4%) so với mức đóng phiên trước xuống 54,28 USD/thùng.
Hai loại dầu chủ chốt này đều giảm trong tuần trước, trong đó dầu Brent để mất hơn 5% giá trị, còn dầu WTI giảm 2%.
Nhà phân tích thị trường cấp cao Alfonso Esparza, thuộc OANDA tại Toronto, nhận định giá dầu giảm trong phiên đầu tuần giao dịch là do các dự báo nhu cầu thấp được đưa ra trong tuần trước và tình hình kém lạc quan về thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung.
Tranh chấp thương mại Mỹ-Trung đã làm chao đảo các thị trường chứng khoán trong tuần trước, trong khi lượng dầu thô dự trữ của Mỹ bất ngờ tăng đã gây thêm sức ép đi xuống đối với giá dầu , vốn đã giảm khoảng 20% từ mức đỉnh của năm 2019 đạt được hồi tháng Tư.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ngày 9/8 cho biết ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy nền kinh tế toàn cầu tăng chậm lại và cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang diễn ra đã khiến nhu cầu dầu toàn cầu tăng với tốc độ chậm nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Cơ quan có trụ sở tại Paris này đã hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu năm 2019 và 2020 xuống lần lượt là 1,1 triệu thùng/ngày và 1,3 triệu thùng/ngày.
Theo các nguồn thạo tin, sản lượng dầu của Nga đã tăng lên 11,32 triệu thùng/ngày trong thời gian từ ngày 1-8/8, tăng so với mức trung bình 11,15 triệu thùng/ngày trong tháng Bảy.
Trong tháng Bảy, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cùng các đồng minh, trong đó có Nga, đã nhất trí gia hạn thỏa thuận cắt giảm nguồn cung cho đến tháng 3/2020 để thúc đẩy giá dầu.
Trong khi đó, số giàn khoan dầu hàng tuần của Mỹ, chỉ dấu để đo lường sản lượng dầu tương lai, đã giảm tuần thứ sáu liên tiếp do các nhà sản xuất cắt giảm chi tiêu cho hoạt động khoan mới./.
Theo vietnamplus.vn
Ý kiến ()