Giá dầu thô tăng tác động tăng trưởng của kinh tế châu Á
Một cửa hàng bán thịt tại Trung Quốc. ( Ảnh: ROI-TƠ )Giá dầu thô thế giới tăng đột biến thời gian qua đã tác động không nhỏ đến sự tăng trưởng kinh tế tại nhiều nước châu Á, khu vực được coi là một "đầu tàu" dẫn dắt kinh tế thế giới trong năm nay.Tổ chức Nghiên cứu Nomura (Nhật Bản) nhận định, với tốc độ công nghiệp hóa và nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ tăng mạnh, châu Á chỉ có thể giải quyết được một phần ba nhu cầu về dầu mỏ, còn lại phải nhập khẩu. Vì vậy, sự biến động của giá dầu mỏ thế giới sẽ tác động nhiều đối với khu vực châu Á hơn các khu vực khác. Theo số liệu thống kê của Nomura, giá dầu Brent Biển Bắc đã tăng khoảng 15%, từ mức 108 USD/thùng cuối năm 2011 lên hơn 120 USD/thùng vào đầu tháng 3 vừa qua. Do đó, các nền kinh tế châu Á, trừ Nhật Bản, đã tăng chi phí nhập khẩu dầu thô và dầu mỏ đã chế biến từ 234 tỷ USD năm 2009 lên 329 tỷ USD năm 2010 và đạt mức kỷ lục...
Một cửa hàng bán thịt tại Trung Quốc. ( Ảnh: ROI-TƠ ) |
Tổ chức Nghiên cứu Nomura (Nhật Bản) nhận định, với tốc độ công nghiệp hóa và nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ tăng mạnh, châu Á chỉ có thể giải quyết được một phần ba nhu cầu về dầu mỏ, còn lại phải nhập khẩu. Vì vậy, sự biến động của giá dầu mỏ thế giới sẽ tác động nhiều đối với khu vực châu Á hơn các khu vực khác. Theo số liệu thống kê của Nomura, giá dầu Brent Biển Bắc đã tăng khoảng 15%, từ mức 108 USD/thùng cuối năm 2011 lên hơn 120 USD/thùng vào đầu tháng 3 vừa qua. Do đó, các nền kinh tế châu Á, trừ Nhật Bản, đã tăng chi phí nhập khẩu dầu thô và dầu mỏ đã chế biến từ 234 tỷ USD năm 2009 lên 329 tỷ USD năm 2010 và đạt mức kỷ lục 447 tỷ USD trong năm 2011. Và nếu giá dầu thô chỉ tăng một USD/thùng cũng khiến hóa đơn nhập khẩu dầu thô của châu Á thâm thủng thêm 3,5 tỷ USD/tháng. Nomura dự đoán, các nền kinh tế Ấn Độ, Hàn Quốc, Thái-lan và Phi-li-pin sẽ chịu tác động nặng nề nhất do giá dầu thô tăng, thậm chí có thể làm tốc độ tăng GDP của mỗi nước này giảm 1% trong năm nay. Các nước Trung Quốc, Ma-lai-xi-a và Xin-ga-po ít bị tác động hơn.
Tại Hàn Quốc, giá dầu thô thế giới tăng khiến chỉ số giá tiêu dùng không ổn định. Giá xăng đã tăng từ mức trung bình 116 USD/tháng trong những tháng trước đây lên xấp xỉ 121 USD/thùng trong tháng 3 này. Mặc dù có nhiều điểm sáng trong bức tranh kinh tế, như tỷ lệ việc làm đang được cải thiện, sản lượng khai khoáng và chế biến cũng như xuất khẩu tăng, tuy nhiên, cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu và sự u ám của kinh tế thế giới vẫn gây lo ngại đối với tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc. Chính phủ nước này cam kết theo dõi sát những diễn biến kinh tế ở trong nước và nước ngoài nhằm đưa ra các chính sách kịp thời bảo đảm phục hồi nền kinh tế, đưa giá cả bình ổn trở lại. Tại Thái-lan, giá dầu thô tăng cũng gây cản trở đối với nền kinh tế đang lấy lại “thăng bằng” sau trận lũ lịch sử năm 2011. Phòng Thương mại Thái-lan lạc quan cho rằng, có nhiều cơ sở để nâng mức tăng trưởng kinh tế của nước này từ 4,5% lên 5% trong năm nay nhờ nhu cầu nội địa và sản xuất đang khôi phục. Tuy nhiên, nếu giá dầu thế giới tiếp tục nhảy vọt như hiện nay thì nó sẽ làm tiêu tan mục tiêu nêu trên.
Theo các chuyên gia kinh tế Trung Quốc, một trong ba nguyên nhân chủ yếu làm cho kinh tế nước này đối mặt tình trạng đình trệ do lạm phát tăng chính là do giá dầu mỏ và giá quặng quốc tế tăng. Sự tăng giá dầu thô làm giá thành sản xuất của các doanh nghiệp trong nước tăng, kìm hãm khả năng mở rộng quy mô doanh nghiệp cũng như cải thiện việc làm bởi vì kinh tế Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào các nguồn năng lượng và tài nguyên khoáng sản. Giá nhiên liệu tăng cũng đẩy giá nhiều mặt hàng tiêu dùng khác tăng theo. Từ năm 2010 đến nay, chỉ số giá tiêu dùng không ngừng lập các mốc mới, tăng từ 1,5% hồi tháng 1 lên 5,1% vào tháng 11-2011 và lên mức 6,5% trong tháng 7-2011. Trong trường hợp giá dầu mỏ thế giới tiếp tục xu hướng tăng “phi mã” thì sẽ khiến cho công tác kiềm chế lạm phát trở nên khó khăn hơn. Điều này tạo những mối đe dọa nghiêm trọng đối với tăng trưởng trong thời gian tới, là nhân tố tiềm ẩn dẫn đến kinh tế đình trệ. Trong khi đó, tại In-đô-nê-xi-a, một trong những nền kinh tế mới nổi có mức tăng trưởng GDP cao kỷ lục, đạt 6,5% trong năm 2011, kể từ cuộc khủng hoảng tài chính – tiền tệ châu Á năm 1997, cũng chưa thể “an tâm” trước cơn bão giá nhiên liệu đang hoành hành. Bộ trưởng điều phối Kinh tế In-đô-nê-xi-a H.Ra-gia-xa lo ngại, nếu giá dầu thô thế giới tiếp tục tăng như hiện nay thì thâm hụt ngân sách của nước này sẽ chiếm tới 2,2% GDP trong năm nay, cao hơn mức 1,5% dự báo trước đó. Giá dầu thô của In-đô-nê-xi-a đang giao dịch ở mức 121,75 USD/thùng, tăng hơn nhiều so mức dự chi ngân sách của nước này là hơn 90 USD/thùng.
I-ran là nhà cung cấp dầu mỏ chủ yếu của Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc và nhiều nước châu Á khác. Do vậy, trong trường hợp nguồn cung dầu mỏ từ I-ran bị gián đoạn và giá dầu mỏ leo thang sẽ tác động sự tăng trưởng kinh tế của các nước châu Á, gây hệ lụy đối với đà phục hồi tăng trưởng của kinh tế thế giới nói chung.
Theo Nhandan
Ý kiến ()