Giá dầu thế giới trên đà "lao dốc"
Thời điểm cuối năm 2015, giá dầu thế giới đã giảm tới 70% so mức đỉnh cao 115 USD/thùng hồi tháng 6-2014. Bước vào năm 2016, giới chuyên gia kinh tế quốc tế vẫn đưa ra viễn cảnh xấu cho thị trường dầu mỏ thế giới, khi dự báo giá dầu duy trì đà suy giảm, quanh mức 30 USD/thùng, thậm chí, có thể “rơi xuống vực sâu”, chỉ 20 USD/thùng. Ngoài nguyên nhân chính là tình trạng nguồn cung dầu dư thừa quá mức, giới chuyên gia cũng nêu những yếu tố khiến đà giảm giá dầu khó đảo chiều, ít nhất trong năm 2016.
Theo các báo cáo, hiện cung đã vượt cầu khoảng một triệu thùng mỗi ngày. Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) nhận định, tình trạng này còn kéo dài và thị trường dầu mỏ thế giới còn bão hòa ít nhất đến hết năm 2016. Hầu hết các dự báo đều không nhận định thị trường sẽ đạt được cân bằng trong ngắn, thậm chí trung hạn.
Việc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã không đạt đồng thuận cắt giảm sản lượng, lại còn quyết định nâng mức trần khai thác dầu lên 31,5 triệu thùng/ngày (từ mức 30 triệu thùng/ngày) càng khiến nguồn cung vốn dư thừa lại thêm dồi dào, gây áp lực lên giá dầu. Thật ra, đây là quyết định khó khăn, bởi bản thân các nước OPEC và các cường quốc sản xuất dầu cũng gặp nhiều khó khăn trong tăng trưởng kinh tế do nguồn thu từ dầu chiếm tỷ trọng lớn trong thu ngân sách. Tuy nhiên, họ lo ngại khi cắt giảm sản lượng sẽ mất khách hàng truyền thống.
Sức ép dư cung tiếp tục tăng lên sau quyết định của QH Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu được áp dụng từ năm 1970, thời điểm kinh tế Mỹ lao đao do lệnh trừng phạt của các nước A-rập nhằm đáp trả Mỹ đứng về phía I-xra-en trong cuộc chiến tranh A-rập – I-xra-en. Quyết định cho phép các doanh nghiệp Mỹ xuất khẩu dầu sau 40 năm bị cấm đưa ra trong bối cảnh giá dầu trượt dốc càng làm tăng triển vọng nguồn cung dư thừa quá mức. Quyết định của Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ (FED) nâng lãi suất lần đầu trong gần một thập niên đẩy đồng USD lên giá so hầu hết các đồng nội tệ chủ chốt, khiến đầu tư vào dầu mỏ bằng USD trở nên đắt đỏ hơn so việc nắm giữ bằng các đồng tiền yếu hơn, vì thế khiến giới đầu tư không mặn mà với dầu. Ấy là chưa kể tới những tiến bộ về công nghệ khai thác dầu đá phiến của Mỹ giúp chi phí sản xuất loại dầu này ngày càng thấp, tiếp tục tạo áp lực giảm giá dầu. Giới chuyên gia dự báo, ngành khai thác dầu đá phiến của Mỹ sẽ nhanh chóng đạt được lợi thế cạnh tranh về giá so với ngành khai thác dầu mỏ truyền thống tại các nước khác. Cùng với quyết định dỡ bỏ cấm xuất khẩu dầu, triển vọng sáng của công nghiệp khai thác dầu đá phiến giúp Mỹ không những giảm nhập khẩu dầu, mà còn có thể trở thành nhà xuất khẩu dầu trong tương lai gần.
Trong khi đó, thỏa thuận đạt được với các cường quốc P5 1 mở ra nhiều cơ hội cho I-ran, trong đó có lĩnh vực dầu mỏ. Việc I-ran dần khôi phục sản xuất và xuất khẩu dầu hứa hẹn đưa nước này sớm gia nhập câu lạc bộ các cường quốc dầu mỏ. Ít nhất, nguồn cung dầu toàn cầu sẽ được bổ sung một nguồn khổng lồ từ I-ran.
Một số yếu tố khác khiến giá dầu còn trượt dài thời gian tới, do khoa học công nghệ phát triển, khiến máy móc, xe cộ và các nhà máy tiêu thụ ít năng lượng hơn. Hay, sự phát triển các nguồn năng lượng mới, rồi tình hình tăng trưởng kinh tế toàn cầu ảm đạm… cũng là những nguyên nhân cơ bản khiến giá dầu giảm.
Cũng không loại trừ có yếu tố chiến lược khi một số quốc gia, trong đó có Mỹ, bị cáo buộc thao túng giá dầu nhằm nhiều mục đích. Theo giới quan sát, Mỹ được hưởng lợi nhiều từ giá dầu rẻ. Việc giá dầu xuống thấp có thể hỗ trợ tăng trưởng kinh tế Mỹ, ước tính thêm 1%; và bổ sung cho kinh tế Mỹ hơn 200 tỷ USD/năm. Trở thành quốc gia không phải nhập khẩu, thậm chí tiến tới xuất khẩu dầu sẽ giúp Mỹ chủ động hơn trong hoạch định chính sách, cả đối nội và đối ngoại, nhất là giảm phụ thuộc khu vực Trung Đông nhiều bất ổn. Giá dầu thấp gây nhiều khó khăn cho các nước xuất khẩu dầu, trong đó có các bên đối trọng của Mỹ như Nga hay Vê-nê-xu-ê-la. Và, dầu trượt giá sẽ làm suy yếu nguồn cung tài chính cho các lực lượng khủng bố, nhất là tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Ý kiến ()