Giá dầu thế giới nối dài đà tăng sang phiên giao dịch 11/8
Khép phiên 1/8, giá dầu Brent tăng 1,15% lên 71,44 USD/thùng, và tiếp tục tăng với khối lượng giao dịch mỏng; giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) tăng 1,41% lên 69,25 USD/thùng.
Giá dầu thế giới khép phiên ngày 11/8 ở mức cao, thay đổi hướng đi sau khi chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết sẽ không kêu gọi các nhà sản xuất dầu nước này tăng sản lượng và nỗ lực tăng sản lượng của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) là một kế hoạch dài hạn hơn.
Thị trường cũng được “tiếp sức” nhờ báo cáo của Chính phủ Mỹ cho thấy nguồn cung dầu thô của nước này giảm trong tuần trước, khiến OPEC chuyển hướng chú ý khỏi hoạt động sản xuất.
Giá dầu Brent Biển Bắc đã tăng khoảng 35% trong năm nay, nhờ sự hỗ trợ từ thỏa thuận hạn chế nguồn cung do OPEC dẫn dắt, ngay cả sau khi hợp đồng dầu chủ chốt này ghi nhận mức giảm hàng tuần nhiều nhất trong bốn tháng trong tuần trước do lo ngại việc hạn chế đi lại để hạn chế dịch COVID-19 lây lan có thể ảnh hưởng đến nhu cầu.
Khép phiên này, giá dầu Brent tăng 81 xu Mỹ (1,15%) lên 71,44 USD/thùng, và tiếp tục tăng với khối lượng giao dịch mỏng. Mức tăng này theo sau mức tăng 2,3% trong phiên 10/8. Trước đó trong phiên, dầu Brent đã có lúc chạm mức thấp là 69,07 USD/thùng.
Giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) tăng 9 xu Mỹ (1,41%) lên 69,25 USD/thùng, sau khi tăng 2,7% trong phiên 10/8.
Trước đó trong phiên, giá mặt hàng này đã giảm sau khi Nhà Trắng cho hay chính quyền Mỹ đã kêu gọi OPEC và các đối tác sản xuất dầu tăng sản lượng.
Thị trường đã đảo chiều sau đó khi Nhà Trắng nói rằng việc tăng sản lượng của OPEC và các đối tác sản xuất dầu sẽ là một kế hoạch dài hơi, không nhất thiết phải là một phản ứng ngay tức thì.
Thêm vào đó, nhà phân tích cấp cao Phil Flynn của công ty tư vấn và môi giới đầu tư Price Futures Group tại Chicago (Mỹ) cho hay chính quyền Mỹ đã kêu gọi các nhà sản xuất nước này không tăng cường sản xuất, dẫn đến giá dầu trên thị trường tăng cao.
Ngày 10/8, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho hay tăng trưởng việc làm tích cực của Mỹ và hoạt động đi lại ngày càng tăng đã thúc đẩy tiêu thụ xăng dầu trong năm nay.
Đến ngày 11/8, số liệu của EIA cho thấy kho dự trữ dầu thô của Mỹ đã giảm trong tuần trước, trong khi lượng xăng dự trữ giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11/2020. Nhìn chung, lượng dầu thô dự trữ đã giảm trong nhiều tuần do nhu cầu tăng.
Mức tiêu thụ nhiên liệu của Mỹ, được đo lường theo sản phẩm được cung cấp, đã giảm trong tuần gần đây nhất, nhưng trong bốn tuần qua, ở mức 20,6 triệu thùng/ngày, gần tương đương với mức của năm 2019./.
Ý kiến ()