Giá dầu thế giới ghi nhận tuần tăng mạnh nhất trong hơn một tháng
Tuần giao dịch vừa qua, giá dầu thế giới ghi nhận tuần tăng mạnh nhất trong hơn một tháng, nhờ tâm lý lạc quan của thị trường về triển vọng đàm phán thương mại Mỹ-Trung.
Tuần giao dịch vừa qua, giá dầu thế giới ghi nhận tuần tăng mạnh nhất trong hơn một tháng, nhờ tâm lý lạc quan của thị trường về triển vọng đàm phán thương mại Mỹ-Trung , sự sụt giảm dự trữ dầu thô của Mỹ và triển vọng các nhà sản xuất “vàng đen” cắt giảm sản lượng hơn nữa.
Tính chung cả tuần, giá dầu Brent tăng hơn 4%, mức tăng mạnh nhất kể từ ngày 20/9, còn giá dầu chuẩn Tây Texas (WTI) tăng hơn 5%.
Sau khi đi xuống trong phiên đầu tuần (21/10), giá dầu lấy lại đà tăng trong phiên ngày 22/10 khi Trung Quốc báo hiệu sự tiến bộ trong đàm phán thương mại với Mỹ.
Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lạc Ngọc Thành (Le Yucheng) cho hay Washington và Bắc Kinh đã đạt được tiến bộ trong các cuộc đàm phán thương mại và những vấn đề tồn đọng có thể được giải quyết miễn là đôi bên tôn trọng lẫn nhau.
Một nhân tố khác hỗ trợ giá dầu là thông tin Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh xem xét cắt giảm sản lượng .
Các nước trong và ngoài OPEC đang cân nhắc liệu có nên cắt giảm thêm sản lượng tại cuộc họp vào ngày 5-6/12 tới hay không, do có nhiều lo ngại về nhu cầu yếu trong năm 2020.
Các nhà giao dịch cho hay đồn đoán về việc cắt giảm nguồn cung đã đẩy giá dầu lên cao, song mức tăng bị giới hạn do thị trường vẫn quan ngại về vấn đề nhu cầu “vàng đen”.
Giá dầu nới rộng đà tăng trong phiên giao dịch ngày 23/10 sau khi số liệu chính thức cho thấy dự trữ dầu hàng tuần của Mỹ sụt giảm bất ngờ. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết, dự trữ dầu thô của nước này đã giảm 1,7 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 18/10, trái ngược với dự kiến tăng 2,2 triệu thùng của các nhà phân tích.
Thông tin dự trữ dầu thô của Mỹ bất ngờ giảm và OPEC cùng các đồng minh cân nhắc khả năng tiếp tục cắt giảm sản lượng tiếp tục là hai nhân tố hỗ trợ giá dầu trong phiên 24/10, với việc giá dầu Brent Biển Bắc vượt mức 61 USD/thùng.
Ngoài ra, theo Chủ tịch Ritterbusch and Associates, Jim Ritterbusch, giá dầu phiên này còn nhận được hỗ trợ một phần từ một số báo cáo dự đoán khả năng hoạt động khai thác và lọc dầu tại khu vực Vùng Vịnh có thể giảm do tình trạng áp thấp nhiệt đới.
Trong phiên cuối tuần (25/10), giá dầu WTI tăng 43 xu (0,8%) lên đóng cửa ở mức 56,66 USD/thùng; còn giá dầu Brent tăng 35 cent (0,6%) và chốt phiên ở mức 62,02 USD/thùng.
Theo các chuyên gia, giá dầu được thúc đẩy nhờ những tín hiệu cho thấy sự tiến bộ trong các cuộc đàm phán giải quyết tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, vốn đã “đè nặng” lên triển vọng tiêu thụ “vàng đen” trong thời gian qua.
Ngày 25/10, kênh truyền hình CNBC dẫn tuyên bố của Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) cho biết, nước này và Trung Quốc đang gần hoàn tất một số điều khoản của thỏa thuận thương mại song phương sau cuộc điện đàm giữa các trưởng đoàn đàm phán của hai bên.
John Kilduff, một đối tác tại Again Capital LLC ở New York, nhận định tiến triển trong các cuộc đàm phán Mỹ-Trung đã hỗ trợ thị trường chứng khoán, và dầu cũng được hưởng lợi. Thêm vào đó, sự sụt giảm dự trữ dầu thô của Mỹ cũng củng cố đà tăng cho giá dầu trong tuần này.
Tuy nhiên, mối lo ngại về sự suy giảm tăng trưởng kinh tế vẫn là nhân tố gây áp lực đối với thị trường “vàng đen.” Jeffrey Halley, nhà phân tích thị trường cao cấp của OANDA, nhận định đà tăng trưởng chậm lại của hoạt động kinh tế toàn cầu sẽ tác động tiêu cực đến nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ và “đè nặng” lên giá mặt hàng này.
Trong một cuộc thăm dò ý kiến do hãng Reuters tiến hành, các nhà kinh tế cho rằng sự sụt giảm mạnh hơn trong tăng trưởng kinh tế toàn cầu vẫn có nhiều khả năng hơn là sự phục hồi đồng bộ, ngay cả khi nhiều ngân hàng trung ương tung ra các chương trình nới lỏng tiền tệ./.
Theo Vietnamplus
Ý kiến ()