Giá dầu tăng do tác động từ bất ổn chính trị ở Li-bi
Cuộc khủng hoảng chính trị đang diễn ra ở Li-bi, nước sản xuất dầu mỏ lớn thứ ba châu Phi và đứng thứ chín trong số 12 thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), khiến giá dầu thô thế giới tăng cao, tác động đáng kể nền kinh tế thế giới.Giá dầu thô trên thị trường Niu Oóc (Mỹ) tăng tới hơn 100 USD/thùng, trong khi giá dầu ở Luân Đôn (Anh) đã gần chạm mức 120 USD/thùng, mức cao nhất kể từ thời điểm bắt đầu khủng hoảng tài chính toàn cầu tháng 9-2008. Giá vàng cũng tăng vượt 1.400 USD/ao-xơ.Một trong những lý do đẩy giá dầu tăng nhanh là sản lượng khai thác dầu của Li-bi giảm. Ước tính, kể từ khi xảy ra bạo loạn, sản lượng dầu của Li-bi đã giảm hơn một nửa. Bạo lực khiến hàng nghìn nhân viên nước ngoài làm trong lĩnh vực dầu mỏ rời khỏi Li-bi. Trong khi đó, chính quyền của Tổng thống Ca-đa-phi mất quyền kiểm soát ở nhiều vùng lãnh thổ thuộc miền đông nước này, đẩy các mỏ khí đốt và dầu mỏ ở đây nằm dưới quyền kiểm soát...
Giá dầu thô trên thị trường Niu Oóc (Mỹ) tăng tới hơn 100 USD/thùng, trong khi giá dầu ở Luân Đôn (Anh) đã gần chạm mức 120 USD/thùng, mức cao nhất kể từ thời điểm bắt đầu khủng hoảng tài chính toàn cầu tháng 9-2008. Giá vàng cũng tăng vượt 1.400 USD/ao-xơ.
Một trong những lý do đẩy giá dầu tăng nhanh là sản lượng khai thác dầu của Li-bi giảm. Ước tính, kể từ khi xảy ra bạo loạn, sản lượng dầu của Li-bi đã giảm hơn một nửa. Bạo lực khiến hàng nghìn nhân viên nước ngoài làm trong lĩnh vực dầu mỏ rời khỏi Li-bi. Trong khi đó, chính quyền của Tổng thống Ca-đa-phi mất quyền kiểm soát ở nhiều vùng lãnh thổ thuộc miền đông nước này, đẩy các mỏ khí đốt và dầu mỏ ở đây nằm dưới quyền kiểm soát của phe đối lập. Lực lượng đối lập đã kiểm soát các cổng xuất khẩu dầu mỏ quan trọng Tô-brúc và Du-e-ti-na, những nơi vận chuyển dầu và khí đốt qua các đường ống dẫn nằm sâu trong sa mạc Xa-ha-ra. Tương lai của ngành công nghiệp khai thác dầu mỏ của Li-bi bị đe dọa, bởi không biết khi nào những chuyên gia nước ngoài có tay nghề cao có thể quay trở lại nước này.
Với sản lượng khai thác 1,8 triệu thùng/ngày, Li-bi xuất khẩu 90% lượng dầu khai thác, trong đó 80% lượng dầu thô và nhiên liệu đi qua Địa Trung Hải để bán sang thị trường châu Âu, đứng đầu là các nước I-ta-li-a, Pháp, Đức. 25% lượng dầu nhập khẩu của I-ta-li-a là từ Li-bi. Nhiều nước Nam Âu như Áo, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, thậm chí cả Ai-len ở Tây Bắc Âu, những nước đang bên bờ khủng hoảng tài chính, đều phải nhập khẩu dầu của Li-bi. Biến động chính trị và bạo loạn ở Li-bi ảnh hưởng đáng kể tới đồng ơ-rô vốn đang suy yếu.
Li-bi là nước sản xuất dầu nhẹ và ngọt. Những mỏ dầu dưới vùng sa mạc cho loại dầu thô dễ dàng lọc thành dầu đi-ê-den và xăng có lượng lưu huỳnh thấp, khí đốt sạch hơn và ít gây ô nhiễm môi trường. Mặc dù OPEC tuyên bố có đủ dự trữ thay thế lượng dầu thiếu hụt từ Li-bi, nhưng chất lượng kém hơn nhiều. Việc sản suất dầu mỏ ở Li-bi bị ngưng trệ buộc các công ty dầu khí phải đưa ra nhiều phương án, không đơn thuần là tìm nguồn bổ sung sản lượng dầu thiếu hụt. Theo ước tính của IP Morgan, nhu cầu sử dụng dầu thô chất lượng tốt chiếm hơn nửa nhu cầu thế giới năm nay. Các công ty dầu khí sẽ phải tìm nguồn dầu có chất lượng tương tự của Li-bi ở các nước như Ni-giê-ri-a, An-giê-ri, hoặc vùng Biển Bắc để thay thế. Phương án này có thể làm tăng giá các loại dầu chất lượng cao và các nhà máy lọc dầu sẽ phải giảm sản lượng do không thể mua được dầu thô.
Bất ổn ở Tuy-ni-di, Ai Cập, Li-bi và nhiều nước khác ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi, nơi có trữ lượng dầu lớn nhất thế giới, đang tác động tiêu cực tới thị trường dầu mỏ thế giới và có khả năng làm chậm sự phục hồi kinh tế toàn cầu. Xung đột ở Li-bi đã khiến hàng chục nghìn người Ai Cập làm việc tại nước này phải về nước, đồng nghĩa với Ai Cập mất hàng triệu USD. Theo Bộ Lao động Ai Cập, có khoảng 1,5 triệu người Ai Cập làm việc tại Li-bi, đem về nguồn thu ngoại tệ cho nước này khoảng 254 triệu USD/năm. Châu Âu, nhất là I-ta-li-a, đang phải đối mặt 'gánh nặng' và nguy cơ thảm họa nhân đạo khi khoảng 300 nghìn người Li-bi tìm cách tị nạn sang I-ta-li-a. Bộ trưởng Ngoại giao I-ta-li-a Ph.Phrát-ti-ni đã kêu gọi Liên hiệp châu Âu (EU) lập quỹ đoàn kết đặc biệt nhằm đối phó dòng người Li-bi nhập cư trái phép sang khu vực này. Trong khi đó, bạo loạn ở Li-bi cũng ảnh hưởng nặng nề các công ty I-ta-li-a, vốn đã đầu tư rất lớn ở Li-bi vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng và năng lượng.
Các cuộc khủng hoảng ở Bắc Phi cũng tác động đến nền kinh tế Mỹ. Sự phục hồi của đầu tàu kinh tế thế giới này thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ năng lượng. Theo Bộ Thương mại Mỹ, kinh tế Mỹ tăng 3,3% trong quý 4 vừa qua, nhanh hơn dự đoán trước đó. Mỹ tuy không phụ thuộc dầu mỏ Li-bi như các nước khác, nhưng Li-bi cũng cung cấp hàng nghìn thùng dầu/ngày cho Mỹ. Vì vậy, việc giảm sản lượng khai thác dầu ở Li-bi cũng buộc các nghị sĩ Mỹ phải đau đầu. Đảng Dân chủ kêu gọi mở ngay lập tức và trong thời hạn ngắn một phần nhỏ trong kho dự trữ 727 triệu thùng dầu của Mỹ, đồng thời hối thúc Tổng thống B.Ô-ba-ma nỗ lực hơn nữa trong khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng thay thế. Trong khi đó, đảng Cộng hòa lại cho rằng cuộc khủng hoảng ở Li-bi là một thí dụ cho thấy Mỹ nên mở rộng khoan và khai thác dầu trong nước.
Theo Nhandan
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()