Giá dầu nhớt cần được điều chỉnh theo quy luật thị trường
Anh Nguyễn Thành Trung, cán bộ kinh doanh của một hãng dầu nhớt trên địa bàn Hà Nội cho biết: “Xăng, dầu đi-ê-den, dầu gốc… là những sản phẩm được sản xuất từ dầu thô. Dầu nhớt là sản phẩm của dầu gốc pha trộn với các loại phụ gia nhằm tăng độ trơn, làm mát, tăng tuổi thọ của động cơ… Khi giá dầu thô, dầu gốc giảm mạnh trong thời gian qua, tất yếu giá dầu nhớt cũng sẽ được điều chỉnh giảm, nhưng thực tế giá dầu nhớt tại thị trường Việt Nam lại có dấu hiệu ngược lại. Cụ thể, trong khoảng bốn tháng cuối năm 2014, các DN kinh doanh dầu nhớt đã có hai lần tăng giá bán sản phẩm”.
Cũng theo anh Trung, trong quá trình kinh doanh, phân phối sản phẩm, công ty nhận được rất nhiều thắc mắc của các đại lý, người tiêu dùng trước sự bất cập về giá. Nhưng khi phản hồi thông tin với lãnh đạo cấp trên, anh chỉ nhận được câu trả lời: “Dầu nhớt chỉ là một trong hàng chục sản phẩm được sản xuất, chiết xuất từ dầu thô. Trong giai đoạn khó khăn, giá thành các loại phụ gia tăng cao nên không thể giảm giá bán sản phẩm như xăng, dầu được”?! Anh Trung cho biết thêm, lĩnh vực kinh doanh dầu nhớt thành công hay không phụ thuộc rất lớn vào chi phí quảng cáo, khuyến mại. Ngoài những chương trình quảng cáo đa phương tiện, các DN kinh doanh dầu nhớt thường có chương trình khuyến mại như mua một thùng dầu nhớt (chứa 12 hoặc 24 hộp con) sẽ được tặng thêm một hoặc hai hộp cùng một số tặng phẩm khác, tùy thời điểm. “Ở Việt Nam hiện nay, ngoài 10 DN chuyên sản xuất, phân phối dầu nhớt có thương hiệu lớn như: Exxon Mobil, Castrol, BP, Total, Shell, Petrolimex… còn có khoảng 40 DN quy mô nhỏ hơn chuyên nhập khẩu, đóng hộp, phân phối sản phẩm dầu nhớt. Khi các “đại gia” trong ngành không điều chỉnh giảm giá bán như giá xăng, dầu thì những công ty khác dù muốn giảm giá cũng đành chịu, vì mọi thứ đều phải chờ động tĩnh từ các ông lớn”- anh Trung khẳng định.
Thạc sĩ kinh tế Vũ Lê Hoàng Tùng (giảng viên Trường đại học Tân Trào) cho biết, chỉ trong tháng 1 vừa qua, giá một số sản phẩm dầu gốc đã giảm 10% đến 15% so với tháng 12-2014, cho thấy giá dầu nhớt trong nước không giảm là điều khó chấp nhận. Không chỉ thị trường dầu nhớt Việt Nam đang bị các hãng dầu nhớt lớn trên thế giới thống trị, chi phối (chiếm khoảng 70 đến 80% thị phần) mà hiện nay chúng ta vẫn thả nổi giá nhớt. Với giá xăng, dầu bán lẻ hiện nay, cơ quan quản lý có cơ chế tính toán giá thành, chi phí nhưng với giá dầu gốc, giá dầu nhớt bán lẻ trên thị trường vẫn còn bỏ ngỏ. Do vậy, Nhà nước cần có hướng giám sát giá dầu gốc nhập khẩu và yêu cầu các DN công bố công thức pha chế, từ đó tính ra giá thành sản phẩm. Không có lý do gì giá dầu trên thế giới đã giảm nhưng giá dầu nhớt không giảm, người tiêu dùng lại không được hưởng lợi.
Cùng chung quan điểm, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam Phan Thế Ruệ cho biết, dầu nhớt là sản phẩm phụ. Do đó, cần kiểm soát xem dầu nhớt gồm bao nhiêu phần trăm dầu thô, dầu gốc để từ đó có thể kiểm tra, giám sát; đồng thời, các DN cũng phải điều chỉnh hài hòa giá dầu nhớt theo đúng quy luật của thị trường.
Ý kiến ()