Giá dầu khép tuần ở mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng 2008
Sau 6 tiếng đồng hồ tranh cãi, các thành viên OPEC đã không nhất trí được với nhau chủ trương cắt giảm sản lượng khai thác hàng ngày khi cung đang dư thừa khá nhiều so với nhu cầu của nền kinh tế toàn cầu.
Cuộc họp ngày 4/12 của OPEC chứng kiến sự chia rẽ sâu sắc giữa hai nhóm nước, trong đó nhóm nước do quốc gia sản xuất dầu lớn nhất Saudi Arabia đứng đầu cùng với các quốc gia vùng Vịnh không muốn hạ sản lượng, bất chấp giá dầu thô giảm nhằm giữ thị phần, còn nhóm nước khác như Nigeria và Venezuela lại muốn cắt giảm để đẩy giá dầu lên, qua đó tăng nguồn thu nhập để thúc đẩy kinh tế phát triển.
Hiện OPEC đang sản xuất khoảng 32 triệu thùng/ngày, cao hơn 2 triệu thùng/ngày so với hạn ngạch khai thác của khối.
Với việc Iran có thể sẽ đẩy mạnh xuất khẩu dầu thô vào năm tới, nhiều chuyên gia cho rằng OPEC sẽ có động thái điều chỉnh sản lượng phù hợp. Tuy nhiên, OPEC vẫn không đưa ra mức trần sản lượng khai thác như dự kiến. Cuộc họp tiếp theo của OPEC dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 2/6/2016.
Liên tục đi xuống từ đầu tuần, thị trường năng lượng đã tác động tiêu cực tới cả các thị trường hàng hóa khác.
Chuyên gia Tamas Varga thuộc công ty môi giới PVM, có trụ sở tại London, nhận định rằng việc OPEC không thay đổi chính sách, đồng thời dành ưu tiên cho nhiệm vụ giành thị phần lớn hơn trên thị trường dầu mỏ toàn cầu đã khiến cho dịp Giáng Sinh năm nay trở nên kém vui đối với các nhà đầu tư năng lượng.
Trong phiên giao dịch ngày 8/12, sự rớt giá của “vàng đen” đã kéo cổ phiếu của các công ty dầu mỏ lao dốc trong phiên thứ năm liên tiếp. Tới phiên giao dịch 10/12, lần đầu tiên giá dầu Brent đóng cửa dưới 40 USD/thùng kể từ tháng 2/2009.
Các chuyên gia thị trường tại nước Anh dự báo giá dầu thô có thể sẽ giảm xuống thấp hơn nữa, trong bối cảnh dư cung dầu mỏ trên toàn cầu chưa có dấu hiệu ngừng lại.
Trong phiên giao dịch cuối cùng của tuần này, dầu Brent “chôn chân” ở dưới ngưỡng 40 USD/thùng.
Kết thúc phiên 11/12, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ (WTI) giao tháng 1/2016 giảm (3,1%) xuống 35,62 USD/thùng – mức thấp nhất kể tù tháng 2/2009. Trong khi đó, tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn cũng mất 1,8 USD (4,5%), xuống 37,93 USD/thùng – mức thấp nhất kể từ giữa cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Như vậy, tính chung cả tuần qua, dầu WTI mất khoảng 11%, còn dầu Brent hạ gần 12%.
Đà giảm mạnh của giá dầu phiên cuối tuần có sự góp phần đáng kể từ báo cáo hàng tháng vừa được Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) công bố, trong đó cảnh báo về tình trạng nguồn cung tiếp tục dư thừa và nhu cầu tiêu thụ yếu. Giá các cổ phiếu thuộc nhóm năng lượng trên toàn cầu đồng loạt sụt giảm trong ngày 11/12, đáng chú ý là cổ phiếu của Tullow Oil PLC giảm tới 6,4%.
Ông Mike Bell, chiến lược gia về thị trường toàn cầu của JP Morgan Asset Management (công ty quản lý tài sản lớn thứ 6 ở Mỹ), cho biết công ty của ông vẫn tin rằng giá dầu sẽ tăng trở lại mức 60 USD/thùng vào cuối năm 2016, do nguồn cung sẽ chững lại và nhu cầu sẽ tăng lên.
Tuy nhiên, “rất khó để có thể xác định được mức giá thấp nhất, mặc dù công ty của ông cũng đang tìm kiếm cơ hội để mua vào các loại cổ phiếu trong các lĩnh vực năng lượng”./.
Ý kiến ()