Giá dầu châu Á 'lặng sóng' trong phiên mở cửa tuần mới 27/2
Mở cửa phiên 27/2, tại sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu ngọt nhẹ (WTI) giao kỳ hạn giao dịch ở mức 76,36 USD/thùng, tăng 4 xu Mỹ (0,05%) so với phiên trước đó.
Giá dầu tại thị trường châu Á dường như không biến động trong đầu phiên giao dịch 27/2, giữa bối cảnh các kế hoạch cắt giảm sâu nguồn cung dầu của Nga tiếp tục hỗ trợ giá “vàng đen,” trong khi rủi ro lạm phát toàn cầu leo thang và dự trữ dầu thô gia tăng ở Mỹ lại gây sức ép giảm cho mặt hàng này.
Mở cửa phiên này, tại sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu ngọt nhẹ (WTI) giao kỳ hạn giao dịch ở mức 76,36 USD/thùng, tăng 4 xu Mỹ (0,05%) so với phiên trước đó.
Trong khi đó, giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn lại giảm 2 xu Mỹ (0,02%), xuống 83,14 USD/thùng.
Nga có kế hoạch giảm mạnh lượng dầu xuất khẩu từ các cảng phía Tây của nước này vào tháng Ba tới, với mức cắt giảm lên tới 25% so với mức tương ứng của tháng 2/2022. Con số này vượt quá mức cắt giảm sản lượng 5% sản lượng đã công bố trước đó.
Mặc dù dự trữ dầu ở Mỹ đạt mức cao nhất kể từ tháng 5/2021, cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn báo hiệu khả năng thắt chặt hơn nữa chính sách tiền tệ và đồng USD tăng mạnh vào tuần trước.
Edward Moya, nhà phân tích tại công ty dịch vụ tài chính OANDA (Mỹ), cho biết: “Dầu dường như có xu hướng chỉ giao dịch trong phạm vi hẹp cho đến khi có triển vọng rõ ràng hơn về việc Trung Quốc mở cửa trở lại sau đại dịch COVID-19 và mức độ tồi tệ của suy thoái mà các chính sách hiện tại của Fed sẽ gây ra cho nền kinh tế Mỹ.”
Giá dầu đã giảm khoảng 16% kể từ ngày 24/2/2022, khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine.
Trong động thái mới nhất của mình, Nga đã ngừng cung cấp dầu cho Ba Lan thông qua đường ống Druzhba, một ngày sau khi nước này giao xe tăng Leopard đầu tiên cho Ukraine.
Hai tuần sau cuộc xung đột Nga-Ukraine, giá dầu đã tăng lên mức cao kỷ lục gần 128 USD/thùng do lo ngại về nguồn cung, nhưng sau đó đã hạ nhiệt bởi những lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu.
Tina Teng, nhà phân tích tại CMC Markets, cho biết: “Dữ liệu về chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) trong lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc trong tháng 2/2023 sẽ là chìa khóa để định hướng giá dầu trong tuần này. Dữ liệu kinh tế Trung Quốc phục hồi sẽ thúc đẩy tâm lý và cải thiện triển vọng nhu cầu dầu mỏ”./.
https://www.vietnamplus.vn/gia-dau-chau-a-lang-song-trong-phien-mo-cua-tuan-moi-272/848279.vnp
Theo Vietnamplus
Ý kiến ()