Giá cước vận tải quốc tế tăng cao do căng thẳng ở Biển Đỏ
Ngày 3-3, Chủ tịch Cơ quan Quản lý Kênh đào Suez (SCA) của Ai Cập, ông Osama Rabie cho biết, căng thẳng ở Biển Đỏ đã khiến giá cước vận tải tăng mạnh, đồng thời tái khẳng định cam kết của SCA trong việc hỗ trợ khách hàng giảm thiểu thiệt hại trong thời kỳ khủng hoảng hiện nay.
Phát biểu tại Hội nghị Cơ sở hạ tầng Xanh Bền vững lần thứ 13 do Viện Khoa học, Công nghệ và Vận tải Hàng hải Arab tổ chức ở Cairo ngày 3-3, ông Rabie đã nhấn mạnh tác động của những căng thẳng an ninh và địa chính trị ở Biển Đỏ cũng như eo biển Bab al-Mandab đối với giá cước và chi phí vận chuyển.
Theo ông, giá cước vận chuyển đến các cảng ở Biển Đỏ đã tăng lên 6.800 USD/container, từ mức 750 USD/container ghi nhận trước thời điểm xảy ra khủng hoảng ở Biển Đỏ. Bên cạnh đó, chi phí nhiên liệu và bảo hiểm cũng tăng cao, đặt ra những thách thức chưa từng có đối với ngành hàng hải nói chung và hoạt động vận chuyển qua Kênh đào Suez nói riêng.
Chủ tịch SCA nói thêm, để đối phó với khủng hoảng hiện nay, SCA đã tổ chức các cuộc họp với nhiều bên liên quan khác nhau để giải quyết tình trạng gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. SCA và các bên đã tập trung thảo luận vấn đề giảm thiểu tác động của hải trình kéo dài qua Mũi Hảo Vọng cũng như giải quyết tình trạng thiếu cảng và các dịch vụ hậu cần dọc tuyến đường biển này. Ông Rabie nhắc lại cam kết của SCA trong việc hỗ trợ khách hàng và thực hiện các cơ chế cũng như dịch vụ hàng hải để giảm thiểu thiệt hại.
Theo dữ liệu từ nền tảng PortWatch của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), khối lượng vận chuyển hàng hóa qua Kênh đào Suez trong tuần kết thúc ngày 13-2 đã giảm 55% so với cùng kỳ năm 2023, trong khi khối lượng vận chuyển quanh Mũi Hảo Vọng tăng gần 75%, do các cuộc tấn công của lực lượng Houthi tại Yemen nhằm vào các tàu thương mại ở Biển Đỏ, khiến các công ty vận tải biển chủ chốt phải chuyển hướng khỏi tuyến hàng hải quan trọng này.
Theo ông Rabie, doanh thu của Kênh đào Suez trong tháng 1-2024 giảm mạnh xuống còn 428 triệu USD, từ mức 804 triệu USD ghi nhận trong tháng 1-2023. Lượng tàu quá cảnh qua Kênh đào Suez trong tháng 1-2024 chỉ đạt 1.362 tàu, giảm 36% so với tháng 1-2023.
Căng thẳng leo thang ở Biển Đỏ đã thúc đẩy các công ty vận tải biển chủ chốt định tuyến lại hoạt động vận chuyển, theo đó các công ty vận tải tạm thời chuyển hướng khỏi Kênh đào Suez và chọn tuyến đường biển quanh Mũi Hảo Vọng. Kênh đào Suez là tuyến đường biển ngắn nhất kết nối châu Á với châu Âu. Với khoảng 12% khối lượng thương mại của thế giới được vận chuyển đi qua Kênh đào Suez, tuyến hàng hải quan trọng này là một trong những động lực chính thúc đẩy thương mại toàn cầu. Doanh thu ngày càng sụt giảm của Kênh đào Suez đang là thách thức mới nhất đối với Ai Cập, quốc gia vốn đang phải vật lộn với những khó khăn kinh tế.
Ý kiến ()