Gia Cát: Hướng phát triển kinh tế từ cây cà chua
(LSO) – Đổi mới tư duy, phương thức sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhiều hộ dân ở xã Gia Cát, huyện Cao Lộc đã trồng cây cà chua mang lại thu nhập cao gấp nhiều lần so với trồng lúa. Qua đó, mở ra một triển vọng mới cho người nông dân trong phát triển kinh tế nông nghiệp.
Từ lâu, Gia Cát được biết đến là xã đi đầu trong phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng của huyện Cao Lộc. Với lợi thế quỹ đất nông nghiệp lớn, chất đất phù hợp với trồng rau, củ, quả, người dân có truyền thống cần cù, chịu khó nên bà con xác định sản xuất nông nghiệp là kinh tế mũi nhọn.
Những ngày cuối tháng 5/2020, chúng tôi có mặt tại vườn trồng cà chua hữu cơ của bà Ngô Thị Lanh, thôn Bắc Đông 2, xã Gia Cát mới thấy sự đầu tư cũng như chịu khó trong lao động sản xuất của người dân nơi đây. Cả vườn cà chua rộng hơn nghìn mét vuông nhưng đều được quây, phủ bằng màng lưới kín mít. Các luống trồng cà chua đều được làm giàn đỡ cao gần 2 m, cây cà chua được buộc chắc chắn bám vào giàn phát triển tươi tốt, quả cà chua to đều tăm tắp.
Vườn cà chua hữu cơ trên địa bàn xã Gia Cát
Bà Ngô Thị Lanh cho biết: Gia đình tôi trồng cà chua từ 5 năm nay. Mỗi năm trồng một vụ chính xuân hè. Mỗi vụ thu hoạch có thương lái đến tận nhà thu mua, giá ổn định hơn so với một số cây rau ăn quả khác. Do vậy, 3 năm trở lại đây, gia đình đã mạnh dạn đầu tư, mở rộng diện tích trồng cây cà chua để có thêm thu nhập. Hiện nay, cà chua có giá 10.000 đồng/kg, bằng giá so với năm 2019. Với chi phí trồng, chăm bón và công chăm sóc, nếu cà chua có giá từ 5.000 đồng/kg trở lên là nông dân chúng tôi có lãi.
Rời vườn cà chua nhà bà Lanh, anh Đặng Đức Sơn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Gia Cát đưa chúng tôi đi một vòng quanh các cánh đồng của các thôn: Sơn Hồng, Nà Bó, Bắc Đông 1… để tham quan vườn trồng cà chua của người dân. Anh Sơn cho biết: Cây cà chua được người dân lựa chọn trồng trên địa bàn xã từ nhiều năm nay, nhưng mô hình trồng cà chua trong nhà lưới thì mới bắt đầu có từ 2 năm trở lại đây. Năm 2020, Gia Cát có 25 ha trồng cà chua. Hiện nay, trên địa bàn xã đã có địa chỉ cung cấp cây giống và bao tiêu sản phẩm nên người dân rất thuận lợi trong việc trồng và không lo “đầu ra” cho quả cà chua. Bên cạnh đó, trồng cà chua không mất nhiều công chăm sóc. Bình quân, với một sào cà chua sẽ cho thu hoạch từ 1 đến 1,5 tấn quả, với mức giá 10.000 đồng/kg như hiện nay sẽ cho thu nhập cao gấp 5 – 6 lần so với trồng lúa. Trừ chi phí đầu tư, công chăm sóc, người dân có lãi từ 8 đến 10 triệu đồng/sào.
Ông Chu Văn Thương, thôn Bắc Đông 2, xã Gia Cát cho biết: Năm nào, gia đình tôi cũng duy trì diện tích 3 sào cà chua, mỗi sào cho thu hoạch 2 tấn quả. Giá bán thấp nhất tại vườn là 6.000 đồng/kg. Trừ chi phí, mỗi vụ, gia đình tôi có thu nhập khoảng 40 triệu đồng.
Để người nông dân có kiến thức trồng, chăm sóc rau màu, cây rau ăn quả nói chung và cà chua nói riêng, thông qua các cuộc họp thôn, bản, UBND xã đều định hướng trồng, chăm sóc cây cà chua. Đồng thời, xã phối hợp với các ngành chức năng của huyện tổ chức các lớp học nghề ngắn hạn dưới 3 tháng để chuyển giao khoa học, kỹ thuật, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho rau màu. Từ năm 2018 đến nay, xã phối hợp tổ chức hơn 10 lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt các loại hoa màu cho nông dân trên địa bàn. Cùng đó, khuyến khích nông dân trồng đa dạng giống cà chua, rải đều diện tích các vụ song chỉ giữ ổn định diện tích khoảng 25 ha chứ không tăng thêm nhằm tránh tình trạng được mùa mất giá.
Cà chua tuy không phải là cây trồng mới nhưng với hiệu quả kinh tế mang lại, đây chính là cây trồng giúp người dân địa phương có thêm thu nhập trên cùng một diện tích đất canh tác, góp phần giúp người dân thoát nghèo và làm giàu chính đáng. Thời gian tới, ngoài những giống cà chua hiện tại xã khuyến khích nông dân trồng các giống ăn tươi có giá trị cao như: cà chua bi, cà chua socola…
Ý kiến ()