Giá cà-phê Arabica tăng cao, giá các mặt hàng kim loại giảm
Kết thúc tuần vừa qua, giá cà-phê Arabica và Robusta diễn biến trái chiều; giá các mặt hàng kim loại chìm trong sắc đỏ.
Cà-phê Arabica tăng lên mức cao nhất trong gần một thập kỷ
Kết thúc tuần vừa qua, sự phân hóa rõ rệt xuất hiện trên thị trường nguyên liệu công nghiệp. Giá hai mặt hàng cà-phê diễn biến trái chiều với giá Arabica bứt phá mạnh mẽ 5,16% lên 233, cents/pound, trong khi giá Robusta giảm 1,41% còn 2.245 USD/tấn.
Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), sự dịch chuyển dòng vốn vẫn không phải là điều quá bất ngờ đối với các nhà đầu tư cà-phê, nên khi 1 trong 2 thị trường có tin tức mang yếu tố bất ngờ về nguồn cung, dòng vốn sẽ được ưu tiên hơn cho thị trường đó.
Và trong tuần vừa rồi, thị trường Arabica New York là thị trường được hưởng lợi hơn. Sự chậm trễ trong hoạt động hậu cần ở Brazil, cùng với những lo ngại về tiềm năng của niên vụ mới ở cả 2 nước sản xuất chính là Brazil và Colombia vẫn tiếp tục hỗ trợ cho đà tăng của giá.
Đối với thị trường Robusta, tuy giảm nhưng giá đang có xu hướng tích lũy trong biên độ rộng từ 2.200 – 2.290 USD/tấn. Ngoài những lo ngại về chuỗi cung ứng, chênh lệch giá giữa hai Sở đang được gia tăng mạnh thời gian gần đây đang là yếu tố hỗ trợ cho giá trong tuần này.
Giá bông tăng nhẹ 1,2% trong tuần qua lên 116,43 cents/pound. Tuy nhiên, đà tăng của giá hiện đã chững lại và liên tục gặp sức ép trước các số liệu xuất khẩu tiêu cực.
Giá hai mặt hàng đường đồng loạt giảm trong tuần trước với giá đường 11 giảm 0,1% còn 19,99 cents/pound, giá đường trắng giảm 0,7% còn 512,6 USD/tấn. Dù nhiều tin tức tiêu cực về nguồn cung ở Brazil vẫn đang hỗ trợ cho giá, nhưng triển vọng nhu cầu thiếu khả quan đang gây áp lực lên giá đường trong ngắn hạn.
Kim loại quý lao dốc do sức ép liên thị trường
Giá các mặt hàng kim loại chìm trong sắc đỏ khi kết thúc tuần vừa qua. Giá bạc giảm 2,23% còn 22,78 USD/ounce, giá bạch kim cũng lao dốc gần 5% còn 1.036 USD/ounce. Sự gia tăng phi mã của đồng USD và sự hồi phục của thị trường chứng khoán vẫn là yếu tố gây sức ép lên đà tăng của thị trường kim loại quý.
Đồng thời, chỉ số Dollar Index cũng tăng lên 96,03 điểm, mức cao nhất trong vòng 18 tháng. Áp lực lạm phát vẫn là yếu tố hỗ trợ giá cho các mặt hàng kim loại quý. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cũng có nhiều lựa chọn khi phân bổ vốn vào các thị trường trú ẩn an toàn. Trong tuần vừa rồi, lợi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm của Mỹ và Anh đều giảm, phản ánh dòng tiền đang chảy vào 2 thị trường này.
Phần lớn các mặt hàng kim loại cơ bản đều đóng cửa trong sắc đỏ. Giá đồng giảm gần 1% còn 4,40 USD/pound. Thị trường đang bị kìm hãm nhiều bởi triển vọng tiêu cực của Trung Quốc, bất chấp việc tồn kho trên các Sở lớn đều giảm. Dự trữ đồng trên Sở LME giảm 7.225 tấn, còn Sở Thượng Hải giảm 3.119 tấn trong tuần trước.
Giá quặng sắt tăng 3% trong tuần vừa qua lên 91,06 USD/tấn. Mức tăng này không phản ánh nhiều về triển vọng trong giai đoạn tới của thị trường mà chỉ là một đợt tăng điều chỉnh. Triển vọng của thị trường quặng sắt vẫn rất tiêu cực tới ít nhất là hết quý I/2022, khi mà Trung Quốc đã hoàn thành đăng cai kỳ Thế vận hội mùa đông.
Ý kiến ()