Giá cả hàng hóa nhìn chung ổn định
Theo thông lệ hằng năm, trong dịp Tết Nguyên đán, sức mua các loại hàng hóa, thực phẩm trên thị trường tăng mạnh, kể cả trước hoặc sau Tết. Tuy nhiên, trái ngược với dự báo, giá hàng hóa những ngày trước và trong Tết, năm nay nhìn chung ổn định, thậm chí không những không tăng mà giảm giá mạnh ở nhiều mặt hàng.
Ngày 14-2, Bộ Tài chính báo cáo Văn phòng Chính phủ một số tình hình về thị trường hàng hóa, giá cả trên địa bàn cả nước trong dịp Tết Nguyên đán. Theo đó, ngoài một số siêu thị mở cửa trở lại từ sáng mồng 3 như Big C, Saigon Co.op Mart, Aeon, MM Mega Market,… thì tiểu thương tại một số chợ đầu mối quy mô lớn cũng bắt đầu bán hàng trở lại, chủ yếu tập trung vào các mặt hàng rau, củ, quả, thực phẩm tươi sống. Mồng 3 Tết năm nay trùng với ngày lễ Valentine, cho nên nhiều cửa hàng hoa tươi cũng đã mở bán, các sạp bán hoa di động cũng mở nhiều hơn so với ngày hôm trước.
Một số ít cửa hàng tiện ích mở cửa phục vụ nhu cầu của người dân mua sắm đi lễ chùa, chúc Tết như rượu bia, bánh kẹo,… tuy nhiên giá các mặt hàng này nhìn chung vẫn giữ ở mức ổn định so với ngày cuối năm và lượng cung đáp ứng đủ nhu cầu, không có sự tăng giá đột biến ở các hàng hóa dịch vụ thiết yếu. Tại một số chợ dân sinh, số lượng sạp bán rau xanh nhiều hơn do nhu cầu tiêu thụ rau xanh lớn hơn so với mặt hàng thịt cá, thực phẩm tươi sống. Ðáng chú ý, giá thịt lợn hơi thời gian trước và trong Tết đều ổn định, giao dịch dưới ngưỡng 80 nghìn đồng/kg ở nhiều nơi. Nhiều tiểu thương buôn bán mặt hàng thịt lợn đã có động thái “bỏ chợ Tết”, điển hình như ở một số chợ dân sinh ở Hà Nội đã không bán hàng ngày 30 Tết (là ngày tiêu thụ mạnh nhất trong cả dịp Tết). Ðây là hiện tượng “lạ” trong năm nay, khi Tết Nguyên đán đến rất gần nhưng dịch Covid-19 bùng phát trở lại, khiến nhu cầu mua sắm Tết của người dân có chiều hướng giảm.
Với tình trạng chung như vậy, giới buôn hàng cũng không dám “găm hàng, găm giá”. Tại các chợ đầu mối ở TP Hồ Chí Minh, lượng hàng nhập chợ chỉ bằng 34 đến 37% so ngày thường, chủ yếu là rau, củ và hoa quả. Giá cả phần lớn mặt hàng theo xu hướng giảm về mức giá ngày thường, sức mua bán tăng nhẹ so những ngày trước đó nhưng vẫn còn tương đối chậm, riêng giá một số mặt hàng tăng do lượng hàng về ít nhưng nhu cầu tăng.
Thí dụ như tại chợ đầu mối Thủ Ðức, ngày 14-2, tổng lượng hàng nhập chợ khoảng 1.248 tấn, tăng 17 tấn (1,4%) so ngày trước và tăng 17% so cùng kỳ năm trước, bằng gần 34% so ngày thường. Ðáng lưu ý là giá mặt hàng trái cây sức bán chậm cho nên giá giảm từ hai nghìn đến 20 nghìn đồng/kg; giá thịt lợn đùi, cốt lết, thịt ba rọi và thịt nạc dao động từ 145 nghìn đến 200 nghìn đồng/kg, giảm nhẹ. Tại thị trường Hà Nội, khảo sát của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho thấy, tuy lượng người dân đến chợ và tiểu thương buôn bán nhiều hơn, nhưng giá thịt lợn không tăng trong mồng 2 Tết, vẫn giữ bình ổn từ ngày 29 Tết tới nay.
Trước đó, trong các ngày từ 29 đến mồng 2 Tết, ghi nhận của cơ quan quản lý cũng cho thấy, mùa Tết năm nay sức mua chỉ đạt ngưỡng trung bình yếu, về cơ bản tiểu thương bị thua lỗ. Bộ Tài chính cho biết, theo báo cáo của một số địa phương và thông qua nắm bắt thông tin thị trường giá cả cho thấy, tình hình cung cầu thị trường ngày 29 Tết diễn ra sôi động hơn so với các ngày trước do đây là ngày đầu được nghỉ Tết cho nên người dân đổ xô đi mua sắm nhiều hơn. Tuy nhiên với diễn biến của dịch Covid-19 hiện nay, hoạt động mua sắm của người dân vẫn trầm lắng hơn nhiều so với cùng thời điểm các năm.
Phó Cục trưởng Quản lý giá (Bộ Tài chính) Ðinh Thị Nương cho biết, theo thông tin từ các sở tài chính địa phương, nhiều siêu thị đã có kế hoạch mở cửa sớm và đóng cửa muộn trong tuần lễ mua sắm Tết cao điểm. Một số siêu thị có kế hoạch mở cửa xuyên Tết cho nên sẽ giúp nguồn hàng cung cấp ra thị trường không bị gián đoạn, không có hiện tượng thiếu hàng sốt giá, giảm mạnh hiện tượng đầu cơ tích trữ găm hàng trong dịp Tết. Về cơ bản, giá hàng hóa tiêu dùng thiết yếu tương đối ổn định, một số mặt hàng tăng giá nhẹ tập trung ở các mặt hàng phục vụ nhu cầu thờ cúng và tiêu dùng trong dịp Tết như rau củ quả, một số loại thủy hải sản, hoa trưng Tết, một số mặt hàng có xu hướng giảm để kích cầu mua sắm.
Ðáng lưu ý, Phó Cục trưởng Ðinh Thị Nương cho biết, bước sang ngày mua sắm sôi động nhất dịp Tết – ngày 30 Tết, sức mua trên thị trường tăng vọt, chủ yếu trong buổi sáng. Sau nhiều ngày mệt mỏi vì sức cầu thấp, hàng tồn nhiều, các tiểu thương bắt đầu giảm giá mạnh nhiều mặt hàng tươi sống, nhằm tránh tồn hàng. Nhờ vậy, thị trường ngày 30 Tết diễn ra khá sôi động, sức mua của người dân có xu hướng tăng từ sáng sớm và từ trưa có xu hướng giảm. Thí dụ như tại TP Hồ Chí Minh, lượt khách đến chợ vào buổi sáng tăng mạnh so với ngày trước, tuy nhiên vẫn giảm khoảng 30 đến 40% so cùng kỳ. Tại các chợ đầu mối, lượng hàng về chợ đã giảm hẳn so ngày trước do nhiều tiểu thương đã ngưng kinh doanh để nghỉ Tết; giá thịt gia cầm, thủy hải sản tương đối ổn định trong khi giá phần lớn các mặt hàng rau củ, trái cây giảm do tiểu thương cần giải phóng hàng tồn.
Như vậy, Tết Nguyên đán năm nay đã tạo ra một hiện tượng mới trong giá cả thị trường. Ðây là năm đầu sau rất nhiều năm, giá cả thị trường dịp Tết đã không bị đẩy cao, tạo thành một mặt bằng giá mới. Về hành vi xã hội, tính thực tế trong tiêu dùng đã thể hiện khá rõ nét, khi nhiều người dân dần bỏ thói quen tích trữ hàng hóa Tết như nhiều năm trước. Cùng với đó, nguồn cung hàng hóa phong phú, ổn định cũng tạo ra sự e ngại nhất định cho các nhà sản xuất, bắt đầu hình thành chuỗi nhận thức “cung đủ cầu”, tránh dư thừa, lãng phí, tạo áp lực “ngược” cho sản xuất hàng hóa. Cục Quản lý giá cho biết, trong một vài ngày tới, nhiều sạp hàng tại chợ dân sinh hoặc một vài cửa hàng sẽ đồng loạt mở bán sau Tết; đồng thời, một số siêu thị mở cửa trở lại, tiếp tục giữ giá cả cũng như các loại hàng hóa trên thị trường bình ổn, không bị xáo trộn.
Nhu cầu mua sắm vào mồng 4, mồng 5 tháng Giêng của người dân dự báo vẫn sẽ chưa nhiều, chỉ tập trung chủ yếu vào các mặt hàng rau, củ, hoa quả, một số loại thực phẩm tươi sống, các mặt hàng phục vụ cúng lễ, hoa tươi. Giá cả các loại hàng hóa có khả năng không bị biến động nhiều so với mồng 3 tháng Giêng. Riêng dịch vụ trông giữ xe, dịch vụ ăn uống, đồ lễ thắp hương có thể vẫn tiếp tục neo ở mức cao do số lượng người dân đi du Xuân, đi lễ chùa sẽ tăng. Cục Quản lý giá kiến nghị các địa phương tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu thị trường, giá cả để có giải pháp bình ổn thị trường phù hợp, nhất là đối với mặt hàng thực phẩm tươi sống như thịt lợn, thịt gia cầm, thủy hải sản; các dịch vụ trông giữ xe, giải trí, ăn uống, đi lại.
Theo Nhandan
Ý kiến ()