Giá cả hàng hóa "ngóng theo" giá xăng dầu
Từ 0 giờ ngày 11/7, giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu giảm từ hơn 2.000 đồng đến hơn 3.000 đồng/lít, kg tùy từng chủng loại. Đây là đợt giảm giá mạnh nhất kể từ đầu năm đến nay, sau khi giá xăng neo cao, ở mức gần 33.000 đồng/lít. Theo nhận định của các chuyên gia, đợt giảm giá xăng dầu này thể hiện sự linh hoạt, thích ứng nhanh so với diễn biến thị trường, tuy nhiên, giá cả hàng hóa ít có khả năng giảm theo, bởi việc tăng giảm còn phụ thuộc vào yếu tố cung cầu.
Người dân mua xăng dầu tại cửa hàng xăng dầu trên phố Thái Thịnh, quận Đống Đa, TP Hà Nội. |
Khảo sát của phóng viên Báo Nhân Dân cho thấy, phần lớn các loại hàng hóa trên thị trường đều giữ giá, chỉ số ít các mặt hàng rau củ quả, giá giảm nhẹ do yếu tố mùa vụ, nguồn hàng phong phú. Các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa sẽ tiếp tục theo dõi tín hiệu thị trường để kịp thời điều chỉnh giá bán hàng hóa trong thời gian tới.
Xăng dầu “hạ nhiệt”, người dân “dễ thở”
Giá xăng dầu giảm sâu đã giúp người dân và các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vận tải trút đi được gánh nặng về chi phí hoạt động và tạo điều kiện thuận lợi cho việc phục hồi sản xuất, kinh doanh sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Chị Nguyễn Thu Hương, chủ cửa hàng thực phẩm tại chợ Xanh Văn Quán (quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết, giá xăng dầu liên tục tăng cao thời gian qua khiến giá cả các loại hàng hóa tăng theo, người dân càng phải thắt chặt chi tiêu. Sau khi giá xăng giảm mạnh hơn 3.000 đồng/lít, hy vọng giá bán các loại hàng hóa khác sẽ giảm tương ứng, lúc đó người dân sẽ “cởi mở” hơn trong chi tiêu, mua sắm hàng hóa phục vụ nhu cầu cuộc sống hằng ngày, đồng thời, áp lực kinh doanh cũng đỡ hơn do không phải “cân đo đong đếm” giữa chi phí thuê cửa hàng, lợi nhuận buôn bán hàng hóa như hiện nay.
Tương tự, anh Tạ Khắc Ngọc, trú tại Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) chuyên vận chuyển thực phẩm cho các chợ đầu mối trên địa bàn Hà Nội cho biết, giá xăng dầu giảm sâu giúp cuộc sống của người dân bớt khó khăn hơn, đặc biệt đối với những mặt hàng liên quan trực tiếp tới xăng dầu. “Trước đây, mỗi ngày tôi bỏ ra 500 nghìn đồng đổ hơn 16 lít xăng cho chiếc ô-tô phục vụ vận chuyển hàng hóa thì nay chỉ mất hơn 440 nghìn đồng. Mặc dù số chênh lệch không nhiều, nhưng “góp gió thành bão”, mỗi tuần tôi cũng có thể tiết kiệm được 420 nghìn đồng để trang trải cuộc sống, mua những đồ thực phẩm thiết yếu khác”-anh Ngọc nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô-tô Hải Phòng, Khúc Hữu Thanh Hải cho hay, giá xăng dầu “hạ nhiệt” đã giúp doanh nghiệp vận tải giảm áp lực rất nhiều, trong bối cảnh các doanh nghiệp vận tải đang ở giai đoạn khó khăn nhất. Nhà nước kịp thời đưa ra chính sách giảm thuế, phí,… là giải pháp hết sức thiết thực nhất để giúp doanh nghiệp hoạt động trở lại. Giám đốc Công ty Minh Thành Phát (đơn vị sở hữu hãng xe Sao Việt) Đỗ Văn Bằng cho rằng, đang lao đao sau đại dịch Covid-19, cộng thêm giá xăng dầu leo thang liên tục đã khiến các doanh nghiệp kinh doanh vận tải rất khó khăn. Theo tính toán, một xe Sao Việt chạy tuyến Hà Nội-Lào Cai chi phí xăng lên mức gần sáu triệu đồng, chưa kể một số chi phí vận hành khác, tương đương khoảng 50% doanh thu của xe đầy tải. Nếu xe ít khách, doanh nghiệp chắc chắn phải bù lỗ. Tuy nhiên, tại thời điểm này, các doanh nghiệp vận tải chưa nghĩ đến việc giảm giá cước, bởi giá xăng dầu điều chỉnh theo chu kỳ 10 ngày một lần cho nên chưa biết kỳ điều hành sắp tới, giá giảm tiếp hay lại tăng. Nếu giá xăng dầu giảm trong vài kỳ và mức giá trở lại bình thường như trước, chắc chắn doanh nghiệp sẽ tính toán việc giảm giá cước để phù hợp thị trường, tăng tính cạnh tranh.
Giá các loại hàng hóa được kỳ vọng sẽ giảm sau khi giá xăng dầu hạ nhiệt. (Ảnh THU THẢO) |
Điều chỉnh giá cần bám sát thực tế
Chủ tịch Hiệp hội Ta-xi Hà Nội Nguyễn Công Hùng cho biết thêm, hiện nay giá xăng dầu không ổn định khiến các doanh nghiệp kinh doanh vận tải rất khó xoay xở để điều chỉnh giá cước. Nếu tới đây, giá xăng giảm liên tiếp, các doanh nghiệp ta-xi sẽ điều chỉnh giá cước hợp lý tình hình thực tế của các chi phí cấu thành giá. Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (hãng ta-xi Vinasun) Tạ Long Hỷ cho hay, giá cước vận tải so giá xăng dầu luôn có độ trễ nhất định. Đơn cử vừa qua, giá xăng dầu tăng cao liên tục hơn ba tháng, các doanh nghiệp vận tải mới đề xuất cơ quan quản lý cho tăng giá cước. Trong bối cảnh hiện nay, giá xăng dầu thế giới diễn biến khó lường, việc điều chỉnh giảm lúc này các hãng ta-xi cũng chưa tính đến và phải nghe ngóng tín hiệu thị trường.
Giám đốc Công ty may Nam Linh, Lê Tuấn Linh chia sẻ, doanh nghiệp rất phấn khởi khi giá xăng dầu giảm, bởi đây không chỉ là mặt hàng thiết yếu mà còn là yếu tố đầu vào liên quan hầu hết các loại hàng hóa, nguyên phụ liệu may mặc cũng như quyết định đến chi phí vận tải của doanh nghiệp. Do vậy, khách hàng không những được hưởng lợi trực tiếp từ giá xăng dầu mà còn được hưởng lợi gián tiếp từ giá thành sản phẩm. Bên cạnh đó, đơn vị vẫn còn nhiều trăn trở vì không có cơ sở nào cho thấy giá xăng dầu trong nước sẽ ổn định hoặc không tăng mạnh trở lại trong kỳ điều hành tới khi tình hình thế giới vẫn có nhiều biến động. Điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp trong hoạch định chiến lược kinh doanh, quyết định giá thành sản phẩm với khách hàng do độ trễ của việc giảm giá xăng tác động tới giá thành của sản phẩm. Chưa kể, khi giá xăng dầu tăng, các doanh nghiệp vận tải mượn cớ để tăng giá cước vận chuyển, nhưng khi giá xăng dầu giảm lại không điều chỉnh giảm theo.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), giá xăng dầu giảm đã làm giảm nỗi lo tác động tăng giá, giảm áp lực lạm phát vì xăng dầu là nguyên liệu đầu vào của nền kinh tế. Qua nhiều đợt tăng, giảm giá xăng dầu cho thấy, các mặt hàng từng tăng theo xăng dầu trước đây sẽ khó giảm. Đó là chưa kể dù giảm sâu, nhưng giá xăng dầu hiện vẫn đang ở mức cao, giá đầu vào nguyên vật liệu của nhiều ngành hàng sản xuất đã tăng từ lâu trong khi việc tăng giá bán lại cần có thời gian điều chỉnh. Do vậy, với mức giảm giá xăng dầu lần này, chưa thể kỳ vọng sẽ có đợt giảm giá hàng hóa tương ứng, đó còn chưa kể tới việc tăng, giảm giá hàng hóa còn phụ thuộc yếu tố cung cầu. Nhằm tiếp tục được tháo gỡ khó khăn, các doanh nghiệp vận tải kiến nghị Chính phủ tiếp tục xem xét kéo dài việc áp dụng giảm thuế tiêu thụ đặc biệt và nhập khẩu đối với xăng dầu. Hiện tại, việc áp dụng chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu xuống 1.000 đồng/lít chỉ kéo dài đến hết ngày 31/12/2022. Nếu giá xăng dầu không sớm được bình ổn, đến đầu năm 2023, chính sách hỗ trợ kết thúc, các doanh nghiệp vận tải lại tiếp tục rơi vào vòng luẩn quẩn khó khăn. Đại diện các doanh nghiệp cũng mong muốn Chính phủ có biện pháp bảo đảm về lãi suất ngân hàng vì lãi suất ngân hàng đang có xu hướng tăng cao, doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn.
Lãnh đạo Bộ Công thương nhận định, giá xăng dầu tiếp tục có diễn biến phức tạp trong thời gian tới, gây ảnh hưởng đến phát triển kinh tế và đời sống, trong bối cảnh công cụ Quỹ bình ổn giá xăng dầu không còn nhiều dư địa, việc giảm thuế bảo vệ môi trường như hiện nay chưa đủ để kìm giá xăng dầu trong nước. Bộ Công thương sẽ kiến nghị Bộ Tài chính phối hợp các bộ, ngành tiếp tục rà soát, đề xuất giảm thêm một số loại thuế trong cơ cấu giá xăng dầu như thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng để giảm giá mặt hàng xăng dầu trong nước, hỗ trợ cho đời sống của nhân dân, doanh nghiệp, góp phần bình ổn thị trường, kiểm soát lạm phát và bảo đảm mục tiêu thực hiện chương trình phục hồi kinh tế-xã hội sau đại dịch của Chính phủ.
Ý kiến ()