Giá cả có thể biến động nhẹ đến cuối năm
Việc thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát 2019 cơ bản vẫn nằm trong tầm kiểm soát của Chính phủ, nếu không có các diễn biến quá bất thường từ tình hình địa – chính trị và thị trường thế giới thì lạm phát sẽ thấp hơn mục tiêu.
Đây là nhận định của các chuyên gia kinh tế tại Hội thảo diễn biến thị trường, giá cả Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2019 do Bộ Tài chính tổ chức.
Theo nhận định của Cục quản lý giá (Bộ Tài chính), mặt bằng giá cả thị trường nửa đầu năm 2019 biến động theo xu hướng tăng tương đối cao trong tháng diễn ra Tết nguyên đán, giảm nhẹ trong tháng 3, tăng trở lại trong hai tháng tiếp theo, sau đó giảm trở lại vào tháng 6.
Diễn biến Chỉ số giá tiêu dùng trong 6 tháng đầu năm tương đối sát với dự báo đầu năm và nằm trong kịch bản CPI tăng thấp.
Chuyên gia Nguyễn Đức Độ cho biết, ngay từ đầu năm đã đưa ra các kịch bản lạm phát cho cả năm theo đó trong kịch bản trung bình lạm phát năm nay sẽ ở mức 3%.
Trong kịch bản thấp lạm phát sẽ ở mức 2,5%, ngay cả kịch bản cao lạm phát sẽ vẫn thấp hơn mức 3,54% của năm 2018 .
Ông Nguyễn Đức Độ phân tích, lạm phát trung bình 6 tháng đầu năm 2019 mới chỉ ở mức 2,64% , thấp hơn mức 3,29% của 6 tháng đầu năm 2018 , bất chấp các đợt tăng giá điện và xăng dầu vào tháng 3 và tháng 4.
Dưới góc độ cơ quan quản lý, Cục quản lý giá cho rằng, nguyên nhân chủ yếu góp phần làm CPI 6 tháng đầu năm tăng thấp so với dự báo là giá lương thực giảm do nguồn cung trong nước dồi dào và nhu cầu nhập khẩu gạo trên thế giới giảm, giá thịt lợn giảm mạnh, giá dịch vụ y tế giảm…
Một số nguyên nhân giảm áp lực lên mặt bằng giá như đã dự báo trước gồm giá dịch vụ viễn thông tiếp tục xu hướng giảm, công tác phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành trong việc thực hiện các chỉ đạo.
Ở chiều ngược lại, theo Cục quản lý giá, các nguyên nhân chủ yếu làm tăng CPI trong 6 tháng đầu năm 2019 do giá nhiên liệu, chất đốt trong nước (xăng dầu, LPG) tăng theo giá thế giới trong đó giá xăng dầu trong nước tăng 4 đợt; giá một số vật liệu xây dựng, giá nhân công xây dựng tăng do nhu cầu xây dựng và chi phí đầu vào tăng.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng những tháng cuối năm nền kinh tế phải đối mặt với những thách thức như tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp, kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng nông, lâm, thủy sản có xu hướng giảm đáng kể, ngành chăn nuôi gặp khó khăn…
Hơn nữa, với độ mở lớn cùng tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, kinh tế Việt Nam sẽ chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi các diễn biến kinh tế quốc tế ngày càng phức tạp, khó lường.
Ông Ngô Trí Long cũng cho rằng, mục tiêu của Chính phủ kiểm soát CPI ở mức dưới 4 % là khả thi, có thể thực hiện được nhưng cũng không thể chủ quan.
Đáng chú ý, ông Nguyễn Bá Minh, Viện trưởng Viện Kinh tế tài chính dự kiến 6 tháng cuối năm giá cả những nhân tố làm tăng CPI là giá các mặt hàng thực phẩm tiếp tục tăng, đặc biệt là giá thịt lợn có khả năng sẽ tăng do hậu quả của tổng đàn nuôi lợn của cả nước suy giảm, các hộ chăn nuôi chưa thực hiện tái đàn ngay được.
Nhiều khả năng Nhà nước sẽ điều chỉnh tăng giá học phí, giá dịch vụ y tế… theo lộ trình xã hội hóa giá dịch vụ y tế, giáo dục
Ngược lại số nhân tố sẽ góp phần kiềm chế tốc độ tăng CPI như tình hình kinh tế xã hội thế giới còn nhiều bất ổn khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu có khả năng sẽ tiếp tục giảm tốc, nguồn cung nông sản dồi dào…
Ông Nguyễn Bá Minh dự báo CPI bình quân cả năm 2019 so với 2018 sẽ tăng ở mức 3,0% – 3,5%.
Đại diện Cục Quản lý giá cũng dự báo CPI bình quân năm 2019 sẽ ở mức khoảng 3,3 – 3,9% .
Việc thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát 2019 cơ bản vẫn nằm trong tầm kiểm soát của Chính phủ nếu không có các diễn biến quá bất thường từ tình hình địa – chính trị và thị trường thế giới.
Để đảm bảo mục tiêu, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục chủ động theo dõi sát diễn biến cung cầu, thị trường, giá cả để có giải pháp bình ổn thị trường phù hợp, nhất là đối với một số mặt hàng thiết yếu hiện đang có nhiều biến động khó lường về cung cầu và chịu tác động lớn từ giá thế giới như thịt lợn, lương thực, xăng dầu…
Cơ quan quản lý sẽ tăng cường công tác dự báo, tính toán tác động của việc điều chỉnh giá các mặt hàng thiết yếu đến chỉ số giá tiêu dùng; việc điều chỉnh giá các mặt hàng Nhà nước quản lý cần được thực hiện với mức độ và thời điểm phù hợp bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát đồng thời hạn chế tác động chi phí đẩy đến sản xuất, tiêu dùng và đặc biệt tránh ảnh hưởng đến tâm lý, đời sống của người dân.
Theo Chinhphu
Ý kiến ()