Gia Bình (Bắc Ninh): Hiệu quả tích cực từ các mô hình kinh tế thanh niên
Những năm gần đây, phát huy tinh thần xung kích, sáng tạo và được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, các cấp bộ Đoàn, lực lượng đoàn viên thanh niên (ĐVTN) ở huyện Gia Bình (Bắc Ninh) đã có nhiều đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế của địa phương.
Với nhiều hình thức sản xuất đạt hiệu quả cao, các mô hình kinh tế thanh niên ở Gia Bình đã không chỉ tạo việc làm ổn định cho hàng nghìn ĐVTN mà còn trực tiếp góp phần vào công tác xóa đói giảm nghèo trên địa bàn.
Đoàn viên thanh niên xã Thái Bảo tham quan mô hình chăn nuôi gà của gia đình chị Nguyễn Thị Bé. (Ảnh: QĐ)
Nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất thuần nông, chị Nguyễn Thị Bé, đoàn viên chi đoàn thôn Vạn Ty, xã Thái Bảo đã sớm nhận thấy những thế mạnh sẵn có của quê hương mình. Đầu năm 2014, sau khi tìm hiểu kỹ thuật sản xuất, chị Bé mạnh dạn đầu tư phát triển mô hình chăn nuôi, ấp nở và cung cấp giống gà J – Dabaco. Đây là giống gà có khả năng kháng bệnh tốt, có chất lượng thịt thơm ngon, phù hợp với nhu cầu của thị trường. Với sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền và Đoàn Thanh niên xã, mô hình làm kinh tế của chị Bé đã đem lại công việc ổn định cho gia đình. Sau 3 tháng, chị Bé lựa chọn những con giống bảo đảm chất lượng để gây đàn; số còn lại chị bán cho thương lái để quay vòng vốn đầu tư. Chị Bé còn đầu tư thời gian học thêm kỹ thuật ấp nở và cung cấp gà giống cho các hộ có nhu cầu. Từ 300 gà bố mẹ lứa 1, đến nay, gia đình chị Bé đã mở rộng quy mô chăn nuôi lên trên 1.000 con. Năm 2015, từ việc xuất bán gà thịt, gà giống, gia đình chị Nguyễn Thị Bé đã thu về trên 80 triệu đồng, sau khi trừ chi phí các loại.
Khác với mô hình làm kinh tế của chị Bé, anh Đinh Văn Tuấn, đoàn viên chi đoàn thôn Đại Lộc, xã Xuân Lai lại lựa chọn hướng đầu tư phát triển nghề mộc truyền thống của địa phương. Vượt lên những khó khăn ban đầu, đến nay, sau hơn 5 năm đi vào hoạt động, với doanh thu hàng năm vào khoảng 3 tỷ đồng, xưởng mộc của gia đình anh Tuấn đã trở thành một trong những mô hình tiêu biểu trong phong trào thanh niên thi đua phát triển kinh tế ở xã Xuân Lai. Theo chia sẻ của anh Tuấn, bình quân mỗi tháng, xưởng mộc của anh xuất bán vài chục sản phẩm các loại như bàn, ghế, tủ, cửa… Xưởng mộc của anh Tuấn hiện còn tạo việc làm ổn định cho 6 lao động với thu nhập bình quân 250 – 300 nghìn đồng/người/ngày.
Được đánh giá là một trong những “điểm sáng” về phát triển các mô hình kinh tế thanh niên, Đoàn Thanh niên xã Xuân Lai cũng là địa phương đầu tiên ở huyện Gia Bình thành lập “Câu lạc bộ thanh niên phát triển kinh tế”. Đến nay, Câu lạc bộ đang thu hút 25 đoàn viên tham gia với các mô hình phát triển thuộc nhiều ngành nghề khác nhau như mộc, may gia công, đồ mỹ nghệ tre trúc, nuôi trồng thủy sản, kinh tế trang trại tổng hợp… Tham gia Câu lạc bộ, ĐVTN không chỉ được tạo điều kiện tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi mà còn được giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm; tham quan các mô hình kinh tế hiệu quả trong và ngoài xã để từ đó áp dụng vào sản xuất, nâng cao giá trị kinh tế của các mô hình.
Tiếp tục quan tâm, phát huy vai trò của các mô hình kinh tế thanh niên
Trong 5 năm qua, các cấp bộ Đoàn ở huyện Gia Bình đã thường xuyên quan tâm hướng dẫn ĐVTN nông thôn xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế thanh niên tại địa phương. Toàn huyện đã tổ chức hơn 30 lượt tham quan các mô hình kinh tế; gần 100 lớp tập huấn, chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất… Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Huyện Đoàn còn tích cực chỉ đạo củng cố và mở rộng 14 mô hình câu lạc bộ thanh niên phát triển kinh tế hoạt động có hiệu quả. Đồng thời, thành lập 01 Hợp tác xã thanh niên và 05 mô hình Tổ hợp tác thanh niên phát triển kinh tế trên địa bàn nông thôn với sự tham gia của hàng trăm ĐVTN; trong đó, đặc biệt chú trọng đến các xã điểm về xây dựng nông thôn mới. Tiêu biểu trong phát triển các mô hình kinh tế thanh niên là tại các xã Xuân Lai, Giang Sơn, Quỳnh Phú, Đại Lai, Nhân Thắng…
Đặc biệt, phong trào “Thanh niên Gia Bình thi đua sản xuất kinh doanh giỏi” đã được sự quan tâm thường xuyên của cấp ủy, chính quyền các cấp, qua đó đã tạo được những điều kiện thuận lợi để đông đảo ĐVTN tham gia phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Đồng chí Nguyễn Đức Sâm, Bí thư Huyện đoàn Gia Bình cho biết: Đến đầu năm 2016, toàn huyện đã có 87 mô hình kinh tế thanh niên đạt mức thu nhập bình quân trên 100 triệu đồng/năm. Để giúp ĐVTN có vốn phát triển sản xuất, các cấp bộ Đoàn trong huyện đã phối hợp cùng Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện cho hơn 1.490 lượt ĐVTN vay và sử dụng nguồn vốn lên tới trên 21 tỷ đồng để đầu tư phát triển các mô hình kinh tế thanh niên. Đến nay, các mô hình này đã trực tiếp tạo việc làm cho hơn 2.000 lượt lao động với thu nhập bình quân từ 4 – 6 triệu đồng/người/tháng.
Thực tế ở huyện Gia Bình cho thấy, việc đẩy mạnh phát triển các mô hình kinh tế thanh niên đã có những đóng góp quan trọng thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế – xã hội của địa phương; đồng thời, cũng khẳng định rõ tinh thần xung kích, sáng tạo của ĐVTN trong xây dựng quê hương. Thời gian tới, để tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò của tổ chức Đoàn và ĐVTN trong phát triển kinh tế nông thôn, các cấp bộ Đoàn ở Gia Bình sẽ tăng cường công tác tuyên truyền về Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tới ĐVTN và nhân dân, gắn việc triển khai phong trào “Tuổi trẻ Gia Bình chung sức xây dựng nông thôn mới” với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; phối hợp, tao điều kiện để ĐVTN được tiếp cận với các nguồn tín dụng ưu đãi; đẩy mạnh công tác phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nắm bắt nhu cầu thị trường…
Với sự quan tâm thường xuyên của cấp ủy, chính quyền các cấp cùng tinh thần xung kích, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, tin tưởng các mô hình kinh tế thanh niên ở Gia Bình sẽ tiếp tục thu được nhiều thành công hơn nữa, thực sự trở thành động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế – xã hội địa phương ngày một phát triển đi lên.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()