Ghi trên chiến khu tổng khởi nghĩa Tháng Tám
LSO-Năm 2013 này, tuy sản lượng hồi ở Tân Đoàn không bằng năm ngoái, song giá lại ở mức từ 55-60 ngàn đồng/kg- cao nhất trong vòng 4 năm qua. Đó là niềm vui của bà con trên vùng chiến khu của Cách mạng Tháng Tám này.
LSO-Năm 2013 này, tuy sản lượng hồi ở Tân Đoàn không bằng năm ngoái, song giá lại ở mức từ 55-60 ngàn đồng/kg- cao nhất trong vòng 4 năm qua. Đó là niềm vui của bà con trên vùng chiến khu của Cách mạng Tháng Tám này.
Núi Rọ Phải – một di tích lịch sử của Cách mạng Tháng 8 tỉnh Lạng Sơn |
Sau đợt mưa dài ngày, cây lúa mùa đang trong thì con gái vươn xanh một màu xanh nõn nà. Từ hang Phai Rọ nhìn xuống khu cánh đồng, một màu xanh trải dài từ những ngọn đồi phía xa xuống cánh đồng lúa như một chiếc thảm khổng giữa xuống ngút ngàn mây của bầu trời thu Tháng Tám. Ông Hoàng Văn Thiêm, Chủ tịch UBND xã Tân Đoàn- con trai thứ 6 của cụ Hoàng Thắng Lợi- cán bộ Tiền khởi nghĩa), nói với chúng tôi: “mỗi dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, gia đình tôi lại có một cuộc sum họp, đại gia đình quây quần trong ngôi nhà tại Phường Chi Lăng (thành phố Lạng Sơn) vừa là vui tết Độc lập, vừa là nghe ông cụ kể về cái thời khắc lịch sử ấy”. Thời khắc lịch sử của Cách mạng Tháng Tám tỉnh Lạng Sơn mà anh đã nhiều lần nghe chính là những ngày từ 15/8 đến 24/8/1945. Khi có hội nghị quan trọng được tổ chức tại hang Phai Rọ và một quyết định quan trọng được ban ra: tiến hành vũ trang tổng khởi nghĩa giành chính quyền, giải phóng tỉnh lỵ Lạng Sơn. Ngay trong đêm 24/8/1945, ông Hoàng Thắng Lợi- cha anh đã dẫn đầu một trung đội đi theo con đường Bản Nầng- Tràng Các- Xuân Long và “hội quân” với các đơn vị khác tại km5- quốc lộ 1A, tiến vào bao vây dinh Tỉnh trưởng. Cái giờ phút mà Tỉnh trưởng Linh Quang Vọng đầu hàng, giao nộp vũ khí cho chính quyền cách mạng cách đây 68 năm mà mỗi năm một lần ông Hoàng Thắng Lợi kể lại cho con cháu nghe vừa xưa như chuyện cổ tích, vừa như mới ngày nào…
Hơn 60 năm đã qua, chiến khu Ba Xã năm xưa- Tân Đoàn ngày nay đã thay đổi rất nhiều. Thế hệ trẻ ngày nay đến hang Phai Rọ trong ngọn núi đá nhỏ bên cánh đồng lúa, nghe kể về những con người của lịch sử như vừa lạ, vừa quen; chiêm ngưỡng tấm bia ở Pò Deng để đối chiếu qua những bài học trong sách giáo khoa, trong Lịch sử Đảng bộ địa phương và coi đó là niềm tự hào riêng của mỗi người. Hiện nay, xã tân Đoàn có 12 thôn bản với 650 hộ dân, trên 3000 nhân khẩu đang thay da đổi thịt từng ngày. Cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường, trạm, nước sạch dần được hoàn thiện đã tiếp thêm sinh lực cho người dân trên con đường giảm nghèo. Ngay trung tâm xã có một khu dân cư được gọi là thôn Phố Ba Xã- cái tên “nửa thôn, nửa phố” cho dù xưa cũ, nhưng thương mại dịch vụ nơi đây đang phát triển. Cũng chính sự vươn lên mạnh mẽ của khu “phố cũ” đã có tác động không nhỏ để Tân Đoàn thực hiện được 6 tiêu chí quan trọng trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Ông Hoàng Hữu Nghị, Bí thư Đảng ủy xã Tân Đoàn cho biết, Tân Đoàn đi lên với hành trang đầy đặn của lịch sử, song không phải chỉ dựa vào “mác” chiến khu Tổng khởi nghĩa, là xã Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, mà đi lên bằng chính đôi chân của mình với sự trợ giúp có hiệu quả của nhà nước. Trong tiến trình phát triển, Tân Đoàn luôn quán triệt “xây dựng kinh tế là trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt”, coi giáo dục là chìa khóa để phát triển. Vì vậy, mỗi bước phát triển của Tân Đoàn tuy chưa thật nhanh, nhưng luôn mang tính bền vững. Để chứng minh cho quan điểm của mình, anh cho chúng tôi xem cơ ngơi các trường học, đặc biệt là những công trình dân góp ngày công và tiền của để xây dựng như khu bếp ăn 1 chiều của trường mầm non khang trang sạch sẽ.
Cô giáo Hoàng Thị Tuyên, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Tân Đoàn tự hào mình là con một cán bộ tiền khởi nghĩa; niềm tự hào đó không chỉ là “nguồn vốn cha truyền”, mà cô xác định là phải “nối” sao cho xứng đáng. Cô nói rằng, hồi cha mình còn sống, khi tham gia biên soạn cuốn “Lịch sử Đảng bộ Tân Đoàn”, “Lịch sử Đảng bộ huyện Văn Quan”, ông thường gọi cô đến xem bản thảo, góp ý cho ông sửa từng chữ, từng lời…và qua đó cô đã phần nào hiểu được công việc của cha mình đã làm trong cách mạng Tháng Tám, ý nghĩa của nó đối với các thế hệ sau cách mạng và với chính cuộc đời cô. Cô cho rằng, với sự trân trọng lịch sử địa phương, cô và các bạn đồng nghiệp đang trăn trở là làm sao có thể truyền đạt đến các thế hệ học sinh Tân Đoàn qua những bài học hằng ngày.
Tạm biệt chúng tôi ngay giữa phố chợ đông vui nhộn nhịp, Bí thư Đảng ủy xã nói rằng, lịch sử là sự kiện đã qua, song nếu mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân biết phát huy và nhân rộng ý nghĩa to lớn của nó, nó sẽ thành tài sản tinh thần vô giá, và tài sản tinh thần đó sẽ biến thành thứ của cải quan trọng trên mỗi bước đường đi tới. Bước đường đi tới của Tân Đoàn là làm sao giảm nhanh hộ nghèo, xây dựng khu Ba Xã năm xưa trở thành trung tâm cụm xã, là cú hích về công nghiệp, thương mại dịch vụ để thúc đẩy xây dựng nông thôn mới không chỉ ở địa phương mà còn ở các xã lân cận. Đó mới là hành động cụ thể phát huy thành quả của Cách mạng Tháng Tám.
MINH HỒNG
Ý kiến ()