Ghi tên tất cả thành viên hộ gia đình vào một sổ đỏ: Nên hay không?
Để giảm phát sinh thủ tục hành chính gây phiền hà, nhiều ý kiến cho rằng dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) không nên ghi tên tất cả các thành viên hộ gia đình sử dụng đất vào chung một sổ đỏ.
Tại dự thảo Luật đất đai đang lấy ý kiến nhân dân, trường hợp “hộ gia đình” sử dụng đất đang được sửa đổi theo hướng ghi tên tất cả các thành viên vào chung một giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (gọi tắt là “sổ hồng” hay “sổ đỏ”) và trao cho người đại diện quản lý.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng quy định trên có thể sẽ làm nảy sinh nhiều vấn đề bất cập, phiền hà, nhất là khi hiện nay sổ hộ khẩu giấy đã được bãi bỏ.
Không cần thiết ghi tên tất cả thành viên
Góp ý về nội dung trên, tại Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, diễn ra chiều 7/3, đại diện Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng cho rằng hộ gia đình là đối tượng sử dụng đất đã tồn tại lịch sử và được ghi nhận trong cả Luật đất đai 2003 và 2013. Theo quy định hiện hành, đại diện ghi trong “sổ đỏ” chủ yếu là bố mẹ hoặc vợ chồng.
Tại các luật nêu trên, hộ gia đình sử dụng đất cũng phải đảm bảo các yếu tố: có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng, đang sống chung, có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm Nhà nước giao, cho thuê, công nhận, nhận chuyển quyền. Tuy nhiên, luật không quy định việc xác nhận đủ các thành viên của hộ gia đình.
Để xác định, hộ gia đình trước đây thường căn cứ vào sổ hộ khẩu. Thế nhưng, trên thực tế các nhân khẩu trong hộ khẩu thường có biến động tách, nhập khẩu; hoặc các thành viên hộ gia đình sống chung nhưng không cùng hộ khẩu hoặc không sống chung, không cùng canh tác, sử dụng đất,…
Chưa kể, hiện nay sổ hộ khẩu đã bỏ, vì thế nếu dữ liệu dân cư (hộ gia đình) đang do cơ quan công an nắm giữ không cập nhật đủ thì vấn đề quản lý còn nảy sinh nhiều rắc rối trong việc xác định các thành viên trong gia đình để ghi vào giấy chứng nhận.
Do đó, đại diện Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng kiến nghị Luật Đất đai không nên đề cập đến việc ghi tên “hộ gia đình” cũng như tất cả các thành viên trong hộ gia đình vào chung một giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Có chung quan điểm, nhiều ý kiến chuyên gia và người dân khi góp ý về nội dung trên cũng khuyến nghị dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này không nhất thiết phải ghi tên tất cả các thành viên hộ gia đình sử dụng đất vào chung một “sổ đỏ.”
Thay vào đó, đất đã cấp cho hộ gia đình cứ theo quy định trước đây là chỉ ghi tên chủ hộ đại diện. Trong trường hợp nếu các thành viên hộ gia đình muốn định đoạt quyền sử dụng đất thì họ sẽ tự thỏa thuận, tự chịu trách nhiệm hoặc nhờ tòa án phân xử.
Nếu bắt buộc phải ghi thì dự thảo Luật cần thống nhất căn cứ xác định thành viên hộ cho thuận tiện trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất.
Nên bỏ đối tượng sử dụng đất là “Hộ gia đình”
Trong khi đó, góp ý về tại “Điều 5 Người sử dụng đất,” Giáo sư tiến sĩ Phạm Văn Điển, Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp cho biết hiện nay dự thảo đang quy định 7 đối tượng là người sử dụng đất trong đó có “Hộ gia đình sử dụng đất.”
Theo ông Điển, mặc dù dự thảo đã làm rõ các nội hàm khái niệm “hộ gia đình” nhưng qua thực tế áp dụng đã dẫn đến nhiều khó khăn, vướng mắc khi ghi nhận quyền sử dụng đất cho “hộ gia đình” như nhầm lẫn giữa khái niệm hộ gia đình sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai và hộ gia đình theo Luật Dân sự, Luật Cư trú.
Ngoài ra, quy định trên cũng rất dễ phát sinh thủ tục hành chính khi các hộ gia đình thực hiện giao dịch đất đai đối với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho “hộ gia đình” thì cơ quan đăng ký luôn yêu cầu: người sử dụng làm đơn gửi ủy ban nhân dân cấp xã hoặc công an (cấp xã) xác nhận tình trạng nhân khẩu của hộ đó ở thời điểm giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất,…
Ông Điển cho rằng quy định trên sẽ làm phát sinh thủ tục hành chính, nhất là khi nhiều nơi công an hoặc ủy ban nhân dân xã không lưu đủ hồ sơ thì thủ tục hành chính không thực hiện được hoặc nếu có thì cũng mất thời gian xác nhận.
Đối với các trường hợp cấp đất ghi nhận hộ gia đình (mặc dù đất thuộc quyền sử dụng của riêng hai vợ chồng) thì khi chuyển quyền cũng phải có đủ chữ ký của các thành viên trong hộ (vợ, chồng, các con). Tuy nhiên, trường hợp một trong các thành viên đi công tác xa thì rất khó khăn để thực hiện thủ tục, phải chờ đợi người thân quay về nhà hoặc phải xin giấy ủy quyền theo quy định pháp luật. Điều này rất phức tạp.
Chưa kể, theo ông Điển, khi cấp đất ở tái định cư, cấp đất sản xuất nông nghiệp theo chính sách đất đai cho dân tộc thiểu số, người có công với cách mạng, người nghèo, trường hợp Nhà nước thu hồi đất,… thường có nhiều tình huống gia đình có nhiều thế hệ sinh sống trên một nóc nhà. Do vậy, tiêu chuẩn cấp đất này cũng cần xác định xem ai được hưởng để sau này phân chia và ghi nhận quyền sử dụng đất cho rõ ràng.
“Nếu ghi nhận hộ gia đình hoặc ghi tên người đại diện thì sau dễ dẫn đến tranh chấp, nhất là thừa kế, và phát sinh các thủ tục phức tạp, kéo dài. Vì thế, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này nên bỏ đối tượng sử dụng đất là hộ gia đình,” ông Điển nói.
Về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thứ trưởng Lê Minh Ngân cho biết liên quan đến nội dung ghi tên tất cả thành viên hộ gia đình vào một “sổ đỏ,” thời gian gần đây, cơ quan này cũng nhận được rất nhiều ý kiến góp ý của các đại biểu.
Quan điểm của cơ quan soạn thảo là tiếp thu tất cả các ý kiến. Tuy nhiên, thiết kế, quy định cụ thể như thế nào để đảm bảo việc bỏ đối tượng là hộ gia đình, cá nhân trong luật này, nhưng vẫn đảm bảo quyền và nghĩa vụ của các hộ gia đình, cá nhân đã được giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất trước khi Luật này có hiệu lực thi hành, là điều cần phải tiếp tục nghiên cứu.
“Ví dụ như vấn đề bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, hay việc thực hiện quyền của người sử dụng đất khi họ đã có quyền sử dụng. Do đó, trong luật lần này vẫn cần phải có những điều, khoản đề cập đến hộ gia đình, cá nhân,” ông Ngân lưu ý./.
Theo Vietnamplus
Ý kiến ()