LSO-Chúng tôi đến xã Vĩnh Yên của huyện Bình Gia vào một ngày cuối năm. Những cơn mưa chớm xuân lất phất hòa quyện hương hồi thoang thoảng tạo nên hơi xuân nồng ấm khiến quãng đường dài từ trung tâm huyện đến trung tâm xã dài gần 60km như được rút ngắn lại. Những chiếc xuồng mọi khi vẫn sùng sục đào bới lòng sông nay cũng ngơi nghỉ, trả lại mặt sông vẻ xanh biếc yên bình. Dọc bên đường tiếng máy thu thanh vọng ra những bài hát ngọt ngào về mùa xuân khiến lòng người phơi phới.Chủ tịch UBND xã Triệu Phúc Lâm với mái tóc lượn sóng bồng bềnh, nụ cười lúc nào cũng thường trực trên môi vừa pha trà vừa nhanh nhẹn cung cấp sơ qua cho chúng tôi một số thông tin về xã: “Vĩnh Yên là một xã vùng III đặc biệt khó khăn của huyện Bình Gia, cách trung tâm huyện 56km, có diện tích tự nhiên trên 5.000ha, trong đó chỉ có 29ha trồng lúa nước. Cả xã có 220 hộ, 1.060 khẩu, người dân tộc Dao chiếm trên 95%, còn lại là dân tộc Tày, Nùng, sinh sống...
LSO-Chúng tôi đến xã Vĩnh Yên của huyện Bình Gia vào một ngày cuối năm. Những cơn mưa chớm xuân lất phất hòa quyện hương hồi thoang thoảng tạo nên hơi xuân nồng ấm khiến quãng đường dài từ trung tâm huyện đến trung tâm xã dài gần 60km như được rút ngắn lại. Những chiếc xuồng mọi khi vẫn sùng sục đào bới lòng sông nay cũng ngơi nghỉ, trả lại mặt sông vẻ xanh biếc yên bình. Dọc bên đường tiếng máy thu thanh vọng ra những bài hát ngọt ngào về mùa xuân khiến lòng người phơi phới.
Chủ tịch UBND xã Triệu Phúc Lâm với mái tóc lượn sóng bồng bềnh, nụ cười lúc nào cũng thường trực trên môi vừa pha trà vừa nhanh nhẹn cung cấp sơ qua cho chúng tôi một số thông tin về xã: “Vĩnh Yên là một xã vùng III đặc biệt khó khăn của huyện Bình Gia, cách trung tâm huyện 56km, có diện tích tự nhiên trên 5.000ha, trong đó chỉ có 29ha trồng lúa nước. Cả xã có 220 hộ, 1.060 khẩu, người dân tộc Dao chiếm trên 95%, còn lại là dân tộc Tày, Nùng, sinh sống tại 5 thôn bản; thôn xa nhất là thôn Khuổi Màn, cách trung tâm xã một con sông không có cầu và gần 10km, giáp với xã Kim Lư, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Cạn. Gần 100% số hộ sống thuần nông, chủ yếu trông chờ vào cây ngô, cây lúa và chăn nuôi gia súc gia cầm nhỏ lẻ nên tỉ lệ hộ nghèo vẫn rất cao, chiếm 86%, riêng năm 2009, có đến 96 hộ cần được cứu đói giáp hạt, năm 2010, tỉ lệ hộ nghèo đã giảm được khoảng 3%.
|
Điện lưới quốc gia về xã Vĩnh Yên (Bình Gia) |
Nói đến chương trình 135, nhất là vấn đề điện nông thôn, Chủ tịch Lâm hào hứng hẳn lên: Trước đây, người dân trong xã hầu như không bao giờ mơ về một ngày có điện bởi lẽ Vĩnh Yên ở quá xa trung tâm huyện, giao thông đi lại khó khăn, địa hình không thuận lợi, nhiều đồi núi cao, lại bị con sông Bắc Giang chia cắt, chưa có cầu qua lại. Năm 2009, khi các cán bộ về khảo sát địa hình để kéo điện, mọi người vừa mừng lại vừa thấp thỏm lo: mừng vì chủ trương của Đảng và Nhà nước quan tâm đến bà con dân tộc vùng sâu vùng xa, lo vì sợ điều kiện tự nhiên của xã quá khó khăn, không thể kéo được điện.
Anh Bàn Văn Tiên, phụ trách tổ dịch vụ điện năng xã cũng vui vẻ tham gia: Việc kéo điện về xã quả thật là gặp muôn vàn khó khăn: giao thông chưa đi lại được 4 mùa nên công tác chuyên chở cột, xà, sứ, dây, trạm biến áp, vật liệu xây dựng… rất vất vả. Việc dựng và vận chuyển cột, nhất là cột trung thế qua những quả đồi cao chót vót gặp rất nhiều nguy hiểm, vài chục người phải tời từng chiếc cột dịch chuyển từng cm. Tuy nhiên, với sự quyết tâm cố gắng của chủ đầu tư, đơn vị thi công, chính quyền các cấp và sự ủng hộ của bà con trong xã, đến ngày 25/12 âm lịch năm 2009, 3 thôn đầu tiên của xã đã được hòa mình trong ánh điện rực rỡ trước sự vui mừng khôn xiết của bao người dân. Đến nay, do những khó khăn khách quan nên vẫn chỉ có 3 thôn có điện, nhưng số hộ có điện đã tăng từ 30% lên 50% với gần 110 hộ.
Anh Đinh Mạnh Trường, Phó phòng Kinh doanh, Công ty Điện lực Lạng Sơn cho biết: Trong 3 xã cuối cùng được xây dựng mạng lưới điện: Tân Hòa, Quý Hòa, Vĩnh Yên thì Vĩnh Yên là xã cuối cùng trong tỉnh có điện, quy mô lưới điện của xã bao gồm: 17,649 km đường dây trung thế 35kV, 11,076 km đường dây hạ thế 0,4kV với 3 trạm biến áp, trong đó có 2 trạm công suất 50kVA, 1 trạm 100kVA, đảm bảo cung cấp đủ điện năng cho tất cả các hộ trong xã. Trong năm 2011, ngành điện sẽ bố trí vốn để lắp dây, hòm, công tơ, mục tiêu là 100% số hộ trong xã được sử dụng điện.
Đồng chí Triệu Phúc Tài, Bí thư Đảng ủy xã cung cấp thêm: Đến cuối năm 2010, đã có trên 90% số hộ có điện đã mua được ti vi, đầu chảo để xem các chương trình của Đài truyền hình Việt Nam, nhiều hộ đã mua được đầu đĩa, máy xay xát phục vụ đời sống văn hóa, sinh hoạt hàng ngày. Thầy và trò trong các trường học trên địa bàn nhờ có ánh sáng của điện nên có tiến bộ rõ rệt trong công tác dạy và học. Nói chung qua 1 năm có điện, mặc dù chưa đạt tỉ lệ cao như mong muốn, nhưng sự thay đổi trong đời sống vật chất lẫn tinh thần của bà con trong xã đã được nâng cao lên rất nhiều, điều này sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của địa phương trong thời gian tới.
Dưới ánh sáng của nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2005- 2010, hiện đã có 100% số xã, phường, thị trấn với 92,5% số hộ được hòa mình trong ánh sáng của điện. Bước sang năm mới, năm đầu tiên thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2011- 2015 cùng với các chương trình mục tiêu quốc gia, hy vọng sẽ có thêm nhiều công trình mới được xây dựng, phục vụ đắc lực đời sống nhân dân, góp phần phát triển đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội nơi vùng sâu, vùng xa.
Hoàng Huy
Ý kiến ()