Thứ 7, 08/02/2025 10:57 [(GMT +7)]
Ghi ở tuyến đầu
Chủ nhật, 22/01/2012 | 09:39:00 [(GMT +7)] A A
Đứng nơi đặt đại bản doanh của đội công tác biên phòng, nhìn xuống Bản Mới trong một màu xanh ngút ngàn của núi rừng, những ngôi nhà màu trắng vững chãi nổi lên như từng khúc tường thành, trên mỗi đoạn tường thành ấy phấp phới những lá cờ đỏ, chúng tôi như thấy lòng yên tâm và thanh thản hơn. Tuy là Bản Mới, nhưng ai đó đã trồng ngay gữa bản một cây mận, hoa mận trắng đang lấm tấm nhô ra trên những khúc cành xù xì báo hiệu một mùa xuân mới đang về.
LSO-Đây là cái tết thứ 2 người dân Nà Bó (Bản Mới) hưởng trọn vị xuân nơi biên giới. Một ngôi làng mới khang trang đã xóa bớt sự thâm u của núi rừng. Ai cũng tưởng đấy là điều đơn giản, nhưng để có được điều đó, chính quyền, bộ đội, người dân đã phải vượt qua một chặng đường đầy gian nan.
Một góc Bản Mới vùng biên
Con đường vào Bản Mới, xã Thanh Lòa, Cao Lộc có những chỗ lầy thụt khiến chiếc xe của trung úy Hoàng Văn Diễn, Đội vận động quần chúng Đồn Biên phòng Thanh Lòa cứ quay ngang, xoáy tít như mô tô bay của gánh xiếc rong ngoài thành phố. Chỉ lúc ấy câu chuyện của Diễn mới ngừng, còn suốt quãng đường anh cứ rôm rả kể cho tôi nghe về Bản Mới. Nà Bó, tức Bản Mới được tách từ Bản Lòa theo chủ trương giãn dân ra biên giới. Ý là, để khai thác hết tiềm năng đất đai và bảo vệ đường biên mốc giới. Nơi đây đất rộng người thưa. Cái thế núi chắn núi, khe ngăn khe đã khiến cho Nà Bó trở thành vùng đất xưa vắng dấu chân người. Với quyết tâm xây dựng một làng bản theo đúng nghĩa, bộ đội biên phòng đã tích cực tham mưu cho xã, huyện. Và chỉ trong vòng 2 năm với nhà nước hỗ trợ, dân đóng góp, một bản mới với 16 ngôi nhà khang trang đã hình thành. Thế nhưng bản đã thấy mà dân chưa có. Bản Lòa thì đông dân, nhưng thói quen của người dân là cứ quây quần xung quanh bản, chật chịu được, chứ buồn thì mấy ai chịu nổi. Với quyết tâm để dân vào bản, bộ đội biên phòng tiên phong đi trước mở đường. Nhớ ngày đầu đặt đội công tác cắm bản, cả đồn lo ngay ngáy, lo ở đây là không biết mấy anh cán bộ trẻ có làm tròn sứ mạng không, không biết có kéo được người dân ra biên giới không? Câu hỏi ấy đã lan ra đến xã, huyện như một bài toán khó giải. Ngày đầu cắm bản, các chiến sĩ, các ban của xã phải ở nhờ nhà dân, các anh làm tất cả những gì có thể để tạo một không khí mới của bản làng. Có lẽ việc đầu tiên mà cũng là quyết định là thôi ở đây địa đầu biên giới, dù chưa biết dân có ưng cái bụng hay không, mỗi nhà cứ phải có lá cờ Tổ quốc. Thế là cán bộ…vận động dân treo cờ, với các hộ thiếu, xã, bộ đội sẵn sàng giúp cờ. Ngay ngày hôm sau những lá cờ được dựng lên in một màu đỏ thắm khắp núi rừng biên giới, cả thôn bản vắng lặng xưa như tràn đầy sức sống. Với người dân, các cán bộ bắt đầu hướng dẫn họ cuốc từng luống rau, đắp ao thả cá, chăn nuôi rồi trồng rừng. Một trong những hộ đầu tiên đến Bản Mới là phó thôn Vi Văn Nhất. Anh đã cùng bộ đội vận động nhân dân làm theo lời cán bộ, theo chủ trương của Đảng và gương mẫu chuyển vào bản. Mới đầu cũng cô quạnh vì xung quanh chỉ có mỗi nhà anh Nhất cùng bộ đội. Nhưng cảm giác ấy qua đi rất nhanh khi một hộ, hai hộ rồi đến 8 hộ cùng dọn đến. Có hơi người, bản như bừng lên sức sống mới, đã vang lên tiếng gà gáy trưa, tiếng lợn ủn ỉn trong chuồng, khói bếp lan trên mái mỗi buổi chiều về, làng bản đã đầm ấn hẳn lên. Có dân, đội công tác quần chúng của đồn đêm nào cũng bám bản, trò chuyện cùng người già, dạy nhân dân từng việc nhỏ như dùng nước tự chảy, dùng bể trữ nước, vệ sinh chuồng trại. Ở Bản Mới ban đầu, bộ đội vận động nhân dân nhận đất trồng rừng thì nhiều hộ không nhận. Phải mất nhiều thời gian, công sức thuyết phục mới có một số hộ nhận. Có rừng, lại áp dụng các chính sách, chương trình như 661, trồng rừng sản xuất để bà con có những bước đi ban đầu. Chỉ hai năm trồng rừng, những cây bạch đàn, thông đã lên xanh, người dân được nhận trực tiếp những đồng tiền từ dự án, thế là họ tin. Một phong trào nhận đất trồng rừng đã lan tỏa. Ở Bản Mới đất rộng là thế mà trong vòng 1 năm đã kín chủ. Giờ đây đứng giữa bản đã cảm nhận được mùi hương bạch đàn theo gió bay về. Dẫn tôi thăm bản, thiếu tá Vũ Quốc Ân và Bí thư Đảng bộ xã Lộc Văn Thủy cứ trầm trồ bởi rừng bạch đàn xanh tốt. Một câu chuyện cứ như mơ, đó là ở Bản Mới có hộ trồng 1 đồi bạch đàn, ngay khi cây được 2 năm tuổi đã có người trả giá 400 triệu đồng, anh chủ nhà nghe thế bực quá bỏ khách ra ngoài vừa đi vừa lẩm bẩm: “Đùa như trẻ con”. Biết chuyện, ông khách đặt tiền luôn làm chủ nhà sợ phát ngất. Thế mà dân Bản Mới giờ đây ai cũng có độ chục ha rừng.
Nước sạch về Bản Mới
Cũng theo anh Nhất, chỉ vài hôm nữa, sau khi gặt xong người dân sẽ tụ về bản, nhà nào cũng chuẩn bị tết xong rồi, lợn gà đã đầy chuồng, chắc chắn sẽ có một cái tết no ấm.
Đứng nơi đặt đại bản doanh của đội công tác biên phòng, nhìn xuống Bản Mới trong một màu xanh ngút ngàn của núi rừng, những ngôi nhà màu trắng vững chãi nổi lên như từng khúc tường thành, trên mỗi đoạn tường thành ấy phấp phới những lá cờ đỏ, chúng tôi như thấy lòng yên tâm và thanh thản hơn. Tuy là Bản Mới, nhưng ai đó đã trồng ngay gữa bản một cây mận, hoa mận trắng đang lấm tấm nhô ra trên những khúc cành xù xì báo hiệu một mùa xuân mới đang về.
Đông Bắc
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()