Ghi nhận từ việc thí điểm mô hình gia đình, cá nhân nhận nuôi trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn
– Thời gian qua, cùng với nhiều chính sách hỗ trợ khác, việc triển khai thí điểm mô hình “gia đình, cá nhân nhận nuôi trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (ĐBKK) có thời hạn” của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) đã giúp cho nhiều trẻ tìm được mái ấm gia đình, giảm bớt nỗi bất hạnh và hoà nhập cộng đồng.
Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh có trên 204 nghìn trẻ em. Trong đó có trên 2.700 trẻ em có hoàn cảnh ĐBKK, trẻ mồ côi cha hoặc mẹ. Thực hiện Đề án “Đổi mới, phát triển trợ giúp xã hội giai đoạn 2017 – 2025 và tầm nhìn đến năm 2030″ trên địa bàn tỉnh, từ năm 2017 đến 2022, Sở LĐTB&XH đã triển khai thí điểm mô hình gia đình nhận nuôi trẻ em có hoàn cảnh ĐBKK có thời hạn trên địa bàn một số huyện có nhiều trẻ mồ côi cha hoặc mẹ.
Em Vi Anh Tú (thôn Đoàn Kết, xã Thượng Cường, huyện Chi Lăng) được bác rể, bác gái nuôi dưỡng, hằng ngày quan tâm, chỉ bảo học tập, ôn bài.
Theo đó, giai đoạn 2017 – 2022, mô hình thí điểm đã được triển khai tại 5 huyện gồm: Đình Lập, Hữu Lũng, Bình Gia, Tràng Định và Chi Lăng với tổng số 90 gia đình và 90 trẻ em tại các huyện tham gia, tổng kinh phí hỗ trợ trên 850 triệu đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước. Đối tượng tham gia thực hiện mô hình thí điểm là những thân nhân, họ hàng hoặc người thay thế khác nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh ĐBKK khi không còn bố, mẹ hoặc bố, mẹ không thể hoặc không phù hợp để chăm sóc, nuôi dưỡng.
Việc bảo vệ, nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ em được thực hiện tại gia đình nhận nuôi dưỡng, chăm sóc và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, có sự giám sát của nhân viên công tác xã hội có chuyên môn. Việc hỗ trợ hằng tháng cho trẻ và gia đình nuôi dưỡng trẻ bằng mức Chính phủ quy định hiện hành cho đối tượng bảo trợ xã hội (540 ngàn đồng/tháng) và hỗ trợ 1 lần (700 ngàn đồng/trẻ) để mua sắm đồ dùng cá nhân cho trẻ trong thời gian triển khai thực hiện thí điểm mô hình.
Năm 2022, mô hình được triển khai thí điểm tại huyện Chi Lăng. Đây là địa bàn có trên 20.000 trẻ em, chiếm 26,76% dân số cả huyện, trong đó có 274 trẻ em có hoàn cảnh ĐBKK, mồ côi cha hoặc mồ côi mẹ… Ông Vi Quang Trung, Phó Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng cho biết: Toàn huyện có 20 trẻ em, gia đình đã được nhận hỗ trợ khi tham gia thí điểm mô hình. Thời gian thực hiện trợ giúp cho trẻ và gia đình chăm sóc trẻ từ tháng 7 đến tháng 12/2022. Được Sở LĐTB&XH chọn là địa bàn thực hiện thí điểm mô hình này, UBND huyện chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tổ chức thực hiện hiệu quả, hỗ trợ, sử dụng kinh phí đúng mục đích.
Em Vi Anh Tú, thôn Đoàn Kết, xã Thượng Cường là một trong 20 em ở huyện Chi Lăng được lựa chọn hỗ trợ tham gia thí điểm mô hình năm 2022. Tú mồ côi mẹ từ khi hơn một tuổi, trên em còn hai chị gái. Đến năm em 3 tuổi, thấy hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, người bác ruột là bà Vi Thị Thơi, khu Hoà Bình II, thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng đã đón em về nuôi dạy. Năm em 8 tuổi, nỗi bất hạnh lại tiếp tục ập đến, khi bố em cũng mất do nhiễm trùng máu sau một tai nạn khi đi hái củi. Hơn 12 năm sống trong sự cưu mang, đùm bọc và tình yêu thương của người thân, họ hàng, cuộc sống của em đã vơi bớt phần nào khó khăn.
Bà Thơi cho biết: Năm nay cháu Tú đã 15 tuổi, học lớp 10. Thời gian qua, gia đình tôi luôn cố gắng động viên, chăm sóc, nuôi dạy cháu thật tốt với hy vọng sau này cháu trưởng thành, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội. Nay cháu và gia đình được hỗ trợ từ mô hình của Sở LĐTB&XH chúng tôi rất mừng, từ nguồn hỗ trơ giúp cho cháu có thêm điều kiện để học tập tốt hơn.
Bà Hà Thị Hải Yến, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH cho biết: Đây là mô hình có tính nhân văn rất sâu sắc, là cách thức hỗ trợ thiết thực trong chương trình thực hiện Đề án “Đổi mới, phát triển trợ giúp xã hội giai đoạn 2017 – 2025 và tầm nhìn đến năm 2030″ trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở hiệu quả mô hình, chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này, qua đó góp phần làm tốt công tác chăm sóc trẻ em nói chung và trẻ em có hoàn cảnh ĐBKK nói riêng trên địa bàn tỉnh.
Trên thực tế hiện nay, tại những huyện chưa được thực hiện thí điểm mô hình thì số trẻ em có hoàn cảnh ĐBKK, trẻ em mồ côi cha hoặc mẹ… còn rất nhiều và cần được quan tâm hỗ trợ. Vì vậy, ngoài nguồn kinh phí thực hiện thí điểm mô hình hằng năm, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về công tác này, qua đó lan toả tinh thần chung tay chăm lo cho trẻ em có hoàn cảnh ĐBKK, trẻ em mồ côi để các cháu ngày càng được chăm lo tốt hơn.
Ý kiến ()