Ghi nhận từ tuần phim “Ký ức Điện Biên”
LSO-Những suất chiếu trong khuôn khổ tuần phim Ký ức Điện Biên tổ chức tại các xã luôn thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân đến xem. Đây không chỉ là món ăn tinh thần mà còn giúp bà con có cái nhìn khái quát hơn về cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, trân trọng giá trị của cuộc sống hòa bình.
Người dân thôn Khe Hả (Bắc Lãng) xem phim |
Khá lâu rồi người dân thôn Khe Hả, xã Bắc Lãng, huyện Đình Lập mới lại được xem một buổi chiếu bóng hay và ý nghĩa như vậy. Vài ngày trước, Trưởng thôn Lý Xuân Bằng đã thông báo cho bà con trong thôn cũng như những thôn bản lân cận về buổi chiếu sắp tới. Chiều ngày 3/5/2014, đoàn chiếu phim của Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng đã vượt gần 80 cây số, từ thành phố Lạng Sơn đến với bà con. Con đường từ quốc lộ 4B đến thôn Khe Hả không xa nhưng rất lầy lội với những rãnh lốp ô tô sâu hoắm, lõm bõm nước, trời tối vậy mà các cụ già, trẻ em, thanh niên từ những thôn bản lân cận người thì xe máy, người cuốc bộ với đèn pin soi đường đến nhà trưởng thôn xem phim. Gần 8 giờ tối, sân nhà trưởng thôn Lý Xuân Bằng đã chật kín khách, nhiều người phải đứng từ dưới đường trông lên, háo hức nhất là lũ trẻ con, từ chiều tối chúng đã mang chiếu từ nhà, trải sẵn trên sân tò mò xem các chú trong đoàn chiếu bóng chuẩn bị máy móc.
Đúng 8 giờ tối, buổi chiếu bắt đầu, trên con đường lầy lội dẫn vào thôn vẫn có rất nhiều ánh đèn lấp loáng của người dân các thôn bản lân cận về xem buổi chiếu. Anh Bằng tâm sự: hơn 90% người dân trong thôn là đồng bào Dao, những thôn bản gần đây cũng vậy, nhiều thôn còn chưa có điện, vì vậy, vô tuyến với bà con vẫn là thứ xa xỉ. Hàng ngày hết việc trên nương, trên rẫy, con gà lên chuồng thì bà con cũng lên giường đi ngủ chứ không có gì giải trí, lâu lâu có một buổi chiếu bóng bà con rất thích. Buổi chiếu phim được tổ chức đúng vào tuần lễ diễn ra các hoạt động kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ nên nội dung phim cũng gắn với đề tài này. “Những người viết huyền thoại” là bộ phim điện ảnh về đề tài chiến tranh.
Nội dung phim xoay quanh việc xây dựng đường ống dẫn dầu 5.000km dọc đường Trường Sơn để chuẩn bị cho những trận đánh lớn, những trận đánh quyết định thay vì cứ tiếp tục đánh du kích và nhỏ lẻ. Bộ phim là câu chuyện bi tráng, hào hùng và rất cảm động về sự cống hiến của một thế hệ thanh niên trẻ Việt Nam. Trong lúc phải chiến đấu chống lại quân xâm lược, giữa lúc sự sống và cái chết chỉ trong gang tấc họ vẫn yêu, vẫn sống, vẫn rất lãng mạn, đó chính là câu chuyện tình giữa Quyên và Thái. Cả hai đã bén duyên từ trước khi cuộc chiến xảy ra, theo tiếng gọi của đất nước cả 2 người đăng ký tòng quân. Thái trực tiếp cầm súng chiến đấu, chỉ huy một tiểu đội tiên phong đánh chặn quân địch, trong một lần làm nhiệm vụ, cả tiểu đội bị mai phục bằng trực thăng, toàn đội đều tử nạn, Thái mất tích. Ở chiến khu, Quyên vẫn nuôi hy vọng Thái còn sống và sẽ trở về. Với biệt tài múa đẹp, hát hay, Quyên tham gia đoàn văn công đi khắp các chiến khu biểu diễn, những chuyến đi như vậy đã giúp họ tìm được nhau. Bên cạnh đề tài là cuộc chiến tranh, bộ phim còn khắc họa cuộc sống trong thời bình để mỗi người tự tìm ra chân lý sống cho riêng mình.
Với những người sinh ra trong hòa bình như lớp trẻ hiện nay, buổi chiếu không đơn thuần chỉ để giải trí, qua những thước phim tài liệu và bộ phim thì buổi chiếu là một lớp học để thế hệ trẻ có cái nhìn khái quát, chân thực hơn về lịch sử, từ đó, biết trân trọng những thứ mình đang có để tích cực học tập và rèn luyện trở thành những công dân có ích. Em Lý Văn Chung, đoàn viên thôn Khe Hả, xã Bắc Lãng, huyện Đình Lập chia sẻ: môn lịch sử ở lớp cho em biết về cuộc chiến tranh giữ nước qua các số liệu, mốc thời gian, địa danh nhiều khi rất khô khan và khó nhớ nhưng qua buổi chiếu phim em có cái nhìn rất khác về cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc của thế hệ cha anh đi trước. Cuộc chiến khốc liệt, người ta chẳng biết khi nào chiến tranh sẽ kết thúc, trong hoàn cảnh như vậy, những con người không quen biết trở nên gần gũi, yêu thương, chia sẻ với nhau những thứ mình có. Bộ phim về đề tài chiến tranh nhưng cũng rất ấm áp tình người và thực sự xúc động. Khi xem hết bộ phim em thấy mình cần nỗ lực hơn trong học tập, trong lao động để xứng đáng với sự hy sinh của những người đã không tiếc xương máu cho em có cuộc sống hòa bình hôm nay.
Tuần phim Ký ức Điện Biên nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ do Tỉnh đoàn Lạng Sơn phối hợp với Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng tổ chức tại 5 huyện biên giới và huyện điểm xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Tuần phim bắt đầu từ ngày 24/4 đến hết ngày 10/5/2014, theo đó, đoàn chiếu phim sẽ phục vụ tại các xã Bằng Mạc (Chi Lăng), Bắc Lãng (Đình Lập), Tô Hiệu (Bình Gia), Yên Vượng (Hữu Lũng), Quốc Việt (Tràng Định) với những bộ phim chất lượng được giới phê bình điện ảnh trong nước đánh giá cao như: Những người viết huyền thoại, Sống cùng lịch sử, Ngã ba Đồng Lộc và các phim tài liệu ngắn…
Anh Nguyễn Văn Lộc, Trưởng phòng Hành chính Tổng hợp Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng cho biết: bên cạnh các suất chiếu phục vụ bà con các xã, chúng tôi còn tổ chức chiếu phim tại rạp Đông Kinh, phục vụ Hội Phụ nữ. Vừa qua, suất chiếu đầu tiên tại xã Bằng Mạc, huyện Chi Lăng đã thu hút hơn 500 thanh niên và bà con trên địa bàn đến xem. Tại các huyện chúng tôi đều tổ chức chiếu ở UBND xã, riêng tại Đình Lập chúng tôi chọn thôn Khe Hả, xã Bắc Lãng vì bà con nơi đây chủ yếu là đồng bào Dao, còn rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. Tuy tổ chức ở thôn nhưng lượng người xem rất đông (hơn 100 người), đó chính là nguồn động viên để chúng tôi tiếp tục vượt đường xa, đêm tối đến phục vụ bà con.
Tuần phim Ký ức Điện Biên sẽ kết thúc vào trung tuần tháng 5/2014 nhưng dư âm của nó chắc chắn sẽ còn đọng lại trong lòng khán giả ở các xã vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh. Đây không chỉ là hoạt động phục vụ nhu cầu giải trí của bà con mà còn giúp họ nhìn lại lịch sử, đặc biệt, với thế hệ trẻ, tuần phim có ý nghĩa rất lớn trong việc giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống, khơi dậy lòng tự hào, tự tôn dân tộc.
HOÀNG VƯƠNG
Ý kiến ()