Thứ 6, 22/11/2024 17:05 [(GMT +7)]
Ghi nhận từ một hội thi
Thứ 5, 28/04/2011 | 08:52:00 [(GMT +7)] A A
LSO- “Họ không chỉ là những cán bộ quản lý (CBQL) vững vàng trong công tác điều hành, mà còn là những con người tài năng. Điều đó cho thấy, công tác bổ nhiệm CBQL nói chung và cấp tiểu học nói riêng đã tuyển chọn được những người không chỉ có tinh thần trách nhiệm, đạo đức lối sống, mà thực sự có năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng phù hợp với cấp học, với chuyên ngành đào tạo”. Đó là ghi nhận của ngành GD&ĐT trong báo cáo tổng kết hội thi CBQL giỏi cấp tiểu học năm học 2010-2011.
Tiết mục văn nghệ của cô giáo Hoàng Thị Hiền Hiệu trưởng trường tiểu học Na Dương (Lộc Bình) tại hội thi
Trong nhiều năm thực hiện đổi mới giáo dục phổ thông (GDPT), vấn đề CBQL luôn là sự trăn trở của ngành GD. Điều đó thực dễ hiểu, bởi vì, nếu nói đội ngũ giáo viên mang ý nghĩa quyết định trong việc nâng cao chất lượng GD, thì đội ngũ CBQL mang ý nghĩa then chốt trong vấn đề quan trọng đó. Đã có nhiều hội thi giáo viên giỏi cấp tiểu học, nhiều hội thi sử dụng đồ dùng dạy học tự làm, nhiều cuộc hội thảo về nâng cao chất lượng GDPT. Và hội thi CBQL giỏi cấp tiểu học lần này, một lần nữa ngành đánh giá thực trạng đội ngũ CBQL qua hơn 6 năm thực hiện Chỉ thị 40 của Ban Bí thư về “Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ QLGD” và Quyết định 09/2005 của Thủ tướng Chính phủ; đây cũng là sự “kiểm định chất lượng” qua một thời gian thực hiện Đề án 09 theo Quyết định 281-QĐ/TU, ngày 15/3/2007 của Tỉnh ủy.
Tham gia hội thi lần này có 33 thí sinh đại diện cho đội ngũ CBQL được lựa chọn từ gần 270 trường tiểu học trong toàn tỉnh qua các hội thi ở cơ sở. Trong đó có 24 hiệu trưởng, 9 phó hiệu trưởng đến từ 12 trường thuộc thành phố, thị trấn, 15 trường thuộc các xã vùng 2 và 6 trường vùng 3. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Trần Kim Ánh, Phó Phòng GD&ĐT huyện Hữu Lũng cho biết, “Xác định hội thi là nơi giao lưu học hỏi của các CBQL, nên ngành GD huyện không cử đội ngũ CBQL ở thị trấn và các trường thuận lợi, mà tạo điều kiện cho các hiệu trưởng, hiệu phó các trường thuộc các xã vùng 2, vùng 3 “thử sức”.
Nếu kết quả của phần thi đồng đội thể hiện ở sự phối hợp tốt giữa các thành viên bằng sự tập luyện công phu, thì phần thi cá nhân thể hiện rất rõ mục đích của hội thi. Bởi vì ở phần thi này, năng lực lãnh đạo, năng khiếu và cái “tài” mỗi cá nhân được thể hiện rất rõ qua phần thi ứng xử giải quyết tình huống trong quản lý, phần thi hùng biện và phần thi năng khiếu. Trong phần thi hùng biện, không phải ngẫu nhiên mà có đến 36% chọn chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, 33,3% chọn chủ đề “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” và 10% chọn chủ đề “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, sáng tạo và tự học”. Điều đó chứng tỏ sức lan tỏa và tính bền vững của các cuộc vận động lớn trong ngành, mà bao trùm là Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong các nhà trường trên địa bàn Lạng Sơn hiện nay, mà trước hết là ảnh hưởng của nó đối với đội ngũ CBQL.
Kết quả hội thi đã phản ánh đúng thực chất đội ngũ CBQL cấp tiểu học tại các huyện, thành phố; việc phòng GD huyện Hữu Lũng giành giải xuất sắc đồng đội và 3/4 giải xuất sắc cá nhân là kết quả cụ thể của một quá trình luân chuyển, bố trí đội ngũ, đảm bảo chất lượng GD ở các xã khó khăn đã được thực hiện trong mấy năm qua. Tự hào là 1 trong 4 thí sinh đạt giải xuất sắc tại hội thi, cô giáo Hà Thị Hương, Hiệu trưởng trưởng Tiểu học Thiện Kỵ nói với chúng tôi “Không ngừng trau dồi phẩm chất đạo đức, tác phong, lối sống… chưa đủ, muốn đội ngũ giáo viên “tâm phục, khẩu phục” làm theo sự chỉ đạo, CBQL phải giỏi cả về chuyên môn nghiệp vụ và cần có “kỹ năng lãnh đạo”. Bởi vì mỗi “nét gợn” của lãnh đạo nhà trường, nhất là lãnh đạo trẻ, giáo viên người ta đều biết cả, dù họ không nói ra, nhưng sẽ có sự phản ứng ở mức độ khác nhau”.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Đoàn Thị Tĩnh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho rằng, trong thời gian tới, hội thi CBQL giỏi các cấp học sẽ được tổ chức thường xuyên hơn. Đó vừa là cách rà soát lại hiệu quả thực hiện đổi mới, vừa tạo điều kiện cho đội ngũ CBQL các nhà trường, các vùng miền có dịp giao lưu trao đổi kinh nghiệm.
Thiết nghĩ, trong sự hạn hẹp của kinh phí tổ chức, ngành GD cần huy động sự vào cuộc của các ngành, tổ chức, cá nhân tài trợ cho các hội thi như thế. Nó vừa có tác dụng tăng thêm chất lượng các giải thưởng, vừa tạo điều kiện cho hội thi không chỉ bó hẹp trong nội bộ ngành, mà sức lan tỏa của hội thi có tác dụng thiết thực để xã hội hiểu hơn về các hoạt động của nhà giáo nói chung và đội ngũ CBQL nói riêng.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()