LSO-Nằm trên địa bàn của xã Quốc Khánh- một xã vùng cao, biên giới của huyện Tràng Định, Trường Tiểu học Khánh Hoà là cái nôi góp phần đào tạo những thế hệ học sinh của địa phương.
Trong những năm gần đây, được sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước, cùng với những đổi thay của bộ mặt nông thôn miền núi, nhà trường cũng đã có cơ sở vật chất khang trang hơn, hệ thống trường lớp kiên cố đã thay thế những lớp học tạm bợ trước đây.
Tuy nhiên, do địa bàn rộng, đường giao thông đi lại khó khăn, có em mỗi ngày phải vượt từ 5 đến 7 km đường mòn, đường đèo dốc để đến trường. Bởi vậy, ngày nào cha mẹ các em cũng phải dậy từ rất sớm để đưa con đi học. Trong hành trang đến trường của các em ngoài sách vở và đồ dùng học tập, luôn có thêm một nắm cơm để ăn trưa tại trường. Do điều kiện sinh hoạt, học tập không đảm bảo đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dạy và học, cũng như việc duy trì sỹ số học sinh của nhà trường và đây cũng là điều trăn trở của những người giàu tâm huyết cho sự nghiệp giáo dục của địa phương.
|
Giờ Tin học của học sinh Trường Dân tộc nội trú Cao Lộc Ảnh: Thế Bảo |
Năm học 2010- 2011 đã được tập thể cán bộ, giáo viên Trường tiểu học Khánh Hoà quyết tâm nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập, khắc phục tình trạng học sinh bỏ học. Được sự nhất trí của các cấp lãnh đạo, sự đồng thuận của các bậc phụ huynh học sinh, Ban giám hiệu nhà trường đã mạnh dạn tận dụng những lớp học cũ để tổ chức mô hình bán trú dân nuôi và kết quả là đã có trên 50% học sinh của trường được ăn, nghỉ trưa tại trường. Để thực hiện được mô hình bán trú dân nuôi, Trường Tiểu học Khánh Hoà đã tổ chức tốt việc xã hội hoá giáo dục, huy động sự vào cuộc của các cấp lãnh đạo, các tổ chức, cơ quan, đơn vị đóng quân trên địa bàn và đặc biệt là sự ủng hộ đóng góp về công sức, tiền của của các bậc phụ huynh học sinh. Về phía nhà trường đã xây dựng lịch sinh hoạt, học tập hằng ngay cho học sinh. Tổ chức quản lý giờ giấc, hướng dẫn các em thói quen vệ sinh và nề nếp trong sinh hoạt. Từ đó các em học sinh đã tham gia đầy đủ các buổi học, không còn tình trạng nghỉ học và đi học muộn thường xuyên, chất lượng dạy và học được nâng lên rõ rệt. Các em học sinh sau mỗi buổi học lại được ùa vào những mâm cơm nóng hổi, vừa ăn vừa trò chuyện. Sau bữa ăn lại được nghỉ ngơi đàng hoàng, ấm cúng. Việc tổ chức mô hình bán trú, ăn nghỉ trưa tại trường không còn xa lạ đối với học sinh vùng thành thị, nhưng ở một xã vùng cao biên giới còn gặp nhiều khó khăn, thu nhập của người dân còn thấp, trình độ dân trí chưa cao thì việc tổ chức cho con em đồng bào được theo học bán trú tại trường là điều vô cùng có ý nghĩa. Bởi việc cải thiện điều kiện học tập của các em học sinh.
Từ mô hình bán trú dân nuôi, học sinh các dân tộc thiểu số đang theo học tại Trường Tiểu học Khánh Hoà đã được chăm sóc dạy dỗ, được giao lưu học hỏi, được học tập vui chơi có khoa học. Mô hình bán trú dân nuôi ra đời đã khẳng định rõ nhận thức của đồng bào các dân tộc thiểu số trong công tác xã hội hoá giáo dục, tạo bước phát triển mạnh mẽ về công tác huy động, duy trì sỹ số học sinh, góp phần giảm các chi phí phục vụ công tác giáo dục của địa phương. Mặc dù hiện nay nhu cầu được học bán trú của học sinh vẫn còn, nhưng do điều kiện kinh tế của nhân dân và cơ sở vật chất của nhà trường con nhiều khó khăn nên chỉ 1/2 số học sinh trong trường được học bán trú. Để đảm bảo quyền lợi cho mọi học sinh, trong thời gian, Trường Tiểu học Khánh Hoà sẽ tiếp tục huy động mọi nguồn lực xã hội cùng với nguồn ngân sách địa phương để cải thiện dần điều kiện sinh hoạt cho các em học sinh, góp phần vào sự nghiệp phát triển giáo dục đào tạo trên địa bàn.
Ý kiến ()