Ghi nhận sau một năm triển khai
LSO-Nhằm bảo đảm cho công đoàn thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, Luật Công đoàn năm 2012 (có hiệu lực từ 1/1/2013) quy định tất cả các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đều có nghĩa vụ trích nộp kinh phí công đoàn (KPCĐ) bằng 2% quỹ lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội dù cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đó đã thành lập được tổ chức công đoàn hay chưa.
Sau một năm luật đi vào thực tiễn, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh đã nỗ lực triển khai các văn bản hướng dẫn hết sức nhanh chóng, kịp thời đến tất cả các cấp công đoàn. Nhưng để quy định mới đi vào thực tiễn thì còn đòi hỏi thời gian và sự nỗ lực hơn nữa của các cấp công đoàn và đặc biệt là sự hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền và các ban, ngành đoàn thể có liên quan.
Ngay từ đầu năm 2013, LĐLĐ tỉnh đã tập trung chỉ đạo các cấp công đoàn triển khai thu tài chính công đoàn theo Quyết định số 170/QĐ-TLĐ (ngày 9/1/2013) của Tổng LĐLĐ Việt Nam về việc ban hành Quy định tạm thời về thu, phân cấp, sử dụng, quản lý nguồn thu KPCĐ. Đồng thời ban hành Quyết định số 49/QĐ-LĐLĐ (ngày 21/3/2013) về việc giao chỉ tiêu thu KPCĐ năm 2013. Còn việc thu KPCĐ 2% đối với các đơn vị chưa có tổ chức công đoàn được đánh giá là một vấn đề khó khăn vì trên thực tế, việc thu ở các đơn vị có tổ chức công đoàn cũng không hề dễ dàng. Ông Phùng Văn Nghĩa, Chủ tịch LĐLĐ huyện Chi Lăng cho biết: việc thu KPCĐ ở khối các doanh nghiệp ngoài Nhà nước (DNNNN) hiện gặp nhiều khó khăn. Trên địa bàn huyện chỉ có 3 công đoàn cơ sở (CĐCS) DNNNN nhưng có 1 đơn vị từ năm 2009 đến nay vẫn chưa thu được đồng nào (lũy kế nợ trên 42 triệu đồng) mặc dù LĐLĐ huyện đã tuyên truyền, vận động và nhắc nhở bằng rất nhiều hình thức.
Cán bộ công đoàn chuyên trách tập huấn về thu kinh phí công đoàn theo Nghị định số 191/2013/NĐ-CP |
Với những khó khăn xuất phát từ cơ sở, việc thu kinh phí công đoàn năm 2013 cũng không đạt được chỉ tiêu dự toán. Tổng thu ở khối hành chính sự nghiệp được gần 27 tỷ đồng, đạt 100% dự toán. Còn tổng thu ở khối sản xuất kinh doanh chỉ thu được trên 1 tỷ đồng, đạt 20% dự toán. Nguyên nhân là phần lớn các DNNNN chủ yếu có quy mô nhỏ lẻ, mang tính chất hộ gia đình, sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Thậm chí, một vài doanh nghiệp đang trong tình trạng ngừng hoạt động, chờ giải thể. Một số doanh nghiệp không nộp theo luật mà chờ có nghị định mới thực hiện.
Sau một thời gian chờ đợi, ngày 21/11/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 191/2013/NĐ-CP quy định chi tiết về tài chính công đoàn đối với nguồn thu KPCĐ và ngân sách nhà nước cấp hỗ trợ. Trong đó quy định rõ các đối tượng, mức đóng và căn cứ đóng KPCĐ, phương thức và nguồn đóng KPCĐ. Ngay sau khi có nghị định này, LĐLĐ tỉnh đã tổ chức tập huấn, triển khai đến 100% cán bộ công đoàn chuyên trách để nắm vững và thực hiện. Đồng thời điều tra, khảo sát, nắm quỹ lương của các doanh nghiệp trên địa bàn, xây dựng chỉ tiêu và giao chỉ tiêu thu về các LĐLĐ huyện, thành phố và công đoàn ngành. Bà Vũ Thị Vân Nga, Trưởng Ban Tài chính, LĐLĐ tỉnh cho biết: vừa qua, LĐLĐ tỉnh đã soạn thảo văn bản tham mưu cho Tỉnh ủy ban hành chỉ thị về thực hiện trích nộp KPCĐ 2%. Sau khi chỉ thị này được ban hành sẽ tiến hành ký kết chương trình phối hợp giữa LĐLĐ tỉnh với Kho bạc Nhà nước, Thuế và Tài chính các cấp để phối hợp triển khai thu KPCĐ theo quy định mới. Tin tưởng rằng, với sự nỗ lực của các cấp công đoàn và sự hỗ trợ của các ban, ngành, đoàn thể, quy định mới về thu KPCĐ sẽ sớm được triển khai, thực hiện có hiệu quả, đảm bảo sự bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp, cơ quan và tổ chức. Đồng thời bổ sung nguồn kinh phí để tổ chức các hoạt động bảo vệ lợi ích cho người lao động, góp phần ổn định và phát triển doanh nghiệp.
NGỌC HIẾU
Ý kiến ()