Ghi nhận sau hơn 2 năm thực hiện Quyết định 49
Cán bộ Ban chính sách Bộ CHQS tỉnh kiểm tra, xét duyệt hồ sơ các đối tượng theo Quyết định số 49 |
Lạng Sơn là tỉnh biên giới có số lượng đối tượng hưởng chế độ đông, thành phần đa dạng. Trong quá trình triển khai, thực hiện quyết định cũng gặp phải một số khó khăn như: thời gian xảy ra chiến tranh đã lâu, cơ bản các đối tượng không còn giữ được giấy tờ gốc và các giấy tờ liên quan; một số đi làm ăn xa nên việc tiếp cận chế độ, chính sách chưa được đầy đủ, kịp thời… Nhưng ngay từ khi triển khai, cấp ủy, chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một cách đồng bộ và đạt được kết quả tích cực. Thượng tá Vũ Văn Ngừng, Chính trị viên Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) huyện, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo 24 huyện Cao Lộc cho biết: Với chức năng là cơ quan thường trực, cơ quan quân sự huyện chủ động phối hợp với các phòng, ban, ngành đoàn thể tham mưu cho Ban chỉ đạo 24 huyện giải quyết tốt chính sách theo quyết định. Đến nay, toàn huyện đã xét duyệt báo cáo cấp trên 1.691 hồ sơ và đã có 1.204 đối tượng được hưởng chế độ theo quyết định, số tiền chi trả trên 2,4 tỷ đồng.
Tính hết tháng 1/2018, toàn tỉnh đã tiếp nhận 21.197 hồ sơ, Ban chỉ đạo 24 tỉnh đã xét duyệt, báo cáo cấp trên 19.195 hồ sơ và đã có 11.694 đối tượng được chi trả với tổng số tiền trên 24 tỷ đồng. Mức hưởng tùy thuộc vào thời gian đối tượng tham gia dân công hỏa tuyến, những người đã qua đời thì thân nhân là vợ (chồng), bố đẻ, mẹ đẻ, con đẻ, con nuôi hoặc người nuôi dưỡng hợp pháp được hưởng. Ông Lâm Văn Nhầng ở phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn cho biết: Tôi có thời gian tham gia lực lượng dân công hỏa tuyến, phục vụ cho chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, năm 2017, tôi đã được hưởng chế độ theo Quyết định 49 với số tiền 2 triệu đồng.
Để giải quyết hiệu quả chế độ, chính sách theo quyết định, công tác tuyên truyền được ban, ngành, tổ chức, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở phổ biến sâu rộng trong nhân dân. Bằng các hình thức như: thông qua phương tiện thông tin truyền thông; lồng ghép tại các hội nghị, sinh hoạt khối phố, thôn bản; tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn, nâng cao ý thức, trách nhiệm đối với đội ngũ cán bộ làm công tác chính sách… Ban chỉ đạo 24 các cấp thường xuyên cử cán bộ chuyên môn xuống cơ sở trực tiếp giúp đỡ các địa phương, hướng dẫn cho các đối tượng kê khai đảm bảo chặt chẽ. Đồng thời kiểm tra, đôn đốc, theo dõi nắm tình hình, thực hiện tốt các chế độ thông tin, báo cáo. Qua đó kịp thời phát hiện, chấn chỉnh sai sót, rút kinh nghiệm, đánh giá kết quả tiếp nhận, xét duyệt hồ sơ, nắm và giải quyết nhanh chóng những vướng mắc, kiến nghị của người dân.
Đại tá Nông Long Ân, Phó Chính uỷ Bộ CHQS tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo 24 tỉnh cho biết: Xác định đây là một chủ trương, chính sách đúng đắn, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với những người có công trong đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cấp ủy, chính quyền các cấp đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn kê khai, tổ chức xét duyệt hồ sơ đối tượng chặt chẽ, đảm bảo dân chủ, khách quan, đúng quy trình và nguyên tắc; khi có quyết định hưởng chế độ, tổ chức chi trả kịp thời, đúng chế độ, chính sách cho các đối tượng được hưởng. Với chức năng là cơ quan thường trực, đơn vị đang chuẩn bị các điều kiện để tiếp tục tổ chức chi trả cho hơn 3.500 đối tượng với tổng số tiền trên 7 tỷ đồng.
Ý kiến ()