Ghi nhận sau hơn 10 năm thi hành Luật Nuôi con nuôi
– Sau hơn 10 năm thi hành Luật Nuôi con nuôi trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả nhất định. Qua đó, tạo cơ sở pháp lý rõ ràng, điều kiện thuận lợi cho trẻ em mồ côi, hoàn cảnh khó khăn có gia đình, nơi nương tựa, góp phần phát triển toàn diện về thể chất và năng lực.
Trước đây, khi chưa có Luật Nuôi con nuôi, các quy định về nuôi con nuôi còn chồng chéo; hoạt động quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực nuôi con nuôi còn hạn chế; nhiều trường hợp nhận con nuôi để trục lợi kinh tế, mua bán trẻ em, bóc lột sức lao động… Do đó, Luật Nuôi con nuôi ra đời đã tạo ra cơ sở pháp lý thống nhất, ổn định, góp phần đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của trẻ em.
Trẻ em được chăm sóc, nuôi dưỡng tại Cơ sở Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh
Luật Nuôi con nuôi được Quốc hội khoá XII, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 17/6/2010 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2011. Để thi hành luật, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 110/KH-UBND ngày 30/11/2010 về việc triển khai thực hiện Luật Nuôi con nuôi và các văn bản triển khai các quyết định, nghị định liên quan đến luật. Từ các văn bản chỉ đạo của tỉnh, công tác nuôi con nuôi, bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực con nuôi quốc tế trên địa bàn tỉnh đã được các cơ quan chuyên môn của tỉnh, UBND cấp huyện, cấp xã nghiêm túc triển khai thực hiện.
Ông Vũ Quang Hưng, Phó Giám đốc Sở Tư pháp cho biết: Triển khai thực hiện Luật Nuôi con nuôi, cùng với việc tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch, văn bản chỉ đạo triển khai thi hành luật, Sở Tư pháp đã quan tâm công tác tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ giải quyết việc nuôi con nuôi theo quy định của luật cho cán bộ phòng tư pháp cấp huyện, công chức tư pháp – hộ tịch cấp xã. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký việc nuôi con nuôi, công tác lưu trữ hồ sơ đăng ký nuôi con nuôi. Sau hơn 10 năm thi hành luật đã mang lại hiệu quả, đồng bộ, thống nhất trong thực hiện việc nuôi con nuôi trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, các cấp, ngành đã chú trọng tổ chức các hội nghị hướng dẫn triển khai thi hành luật, tuyên truyền nội dung cơ bản của luật. Các cơ quan có thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính nuôi con nuôi thực hiện nghiêm túc việc niêm yết công khai, rộng rãi quy định, hướng dẫn các thủ tục hành chính để người dân biết. Đồng thời, các cơ quan có thẩm quyền đã chú trọng xác định các điều kiện về năng lực, sức khoẻ, điều kiện kinh tế, chỗ ở, đạo đức của người nhận nuôi con nuôi; theo dõi, giám sát khi trẻ em được nhận nuôi để đảm bảo trẻ em được nuôi dưỡng, chăm sóc trong điều kiện tốt.
Bà Vy Thị Thanh, Giám đốc Cơ sở Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh cho biết: Với phương châm “vì lợi ích tốt nhất cho trẻ”, chúng tôi luôn thực hiện tốt công tác chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em tại cơ sở. Đồng thời, ban lãnh đạo cơ sở chú trọng lồng ghép tuyên truyền phổ biến Luật Nuôi con nuôi, văn bản liên quan cho toàn thể viên chức, người lao động của đơn vị. Cùng đó, chúng tôi thường xuyên rà soát, đăng ký các trường hợp trẻ đúng đối tượng theo quy định của luật, cần tìm mái ấm gia đình với Sở Lao động, Thương binh và xã hội, Sở Tư pháp. Từ năm 2020 đến nay, cơ sở đã giải quyết cho 7 trường hợp được nhận làm con nuôi, trong đó 4 cháu làm con nuôi ở ngoài nước, 3 cháu ở trong nước. Khi các cháu đi làm con nuôi, cơ sở thường xuyên nắm bắt tình hình sức khoẻ, phát triển thể chất, tinh thần của các cháu.
Cùng đó, các cấp, ngành tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký việc nuôi con nuôi, công tác lưu trữ hồ sơ đăng ký nuôi con nuôi. Đến nay, 100% UBND xã, phường, thị trấn đều sử dụng phần mềm đăng ký và quản lý hộ tịch. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác hộ tịch nói chung, việc đăng ký nuôi con nuôi nói riêng, tạo điều kiện cho công chức tư pháp – hộ tịch cấp xã dễ dàng truy cập, trích xuất dữ liệu, tra cứu thông tin; xác minh, xử lý về nhân thân và tình trạng công dân, giúp cho việc kiểm tra, thống kê số liệu một cách nhanh chóng, chính xác, đầy đủ, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân đến giải quyết các thủ tục.
Anh Vi Mạnh Quyền, thôn Làng Nong, xã Thượng Cường, huyện Chi Lăng cho biết: Tháng 8/2022, trên đường đi làm tôi phát hiện một bé gái sơ sinh bị bỏ rơi ở ven đường. Tôi đã trình báo công an xã để thông báo tìm gia đình của cháu. Sau hơn 10 ngày không có gia đình đến nhận cháu, vợ chồng tôi đã đến UBND xã làm thủ tục nhận con nuôi. Được cán bộ hướng dẫn nhiệt tình, tra cứu thông tin nhanh chóng, gia đình tôi đã chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, giấy tờ theo quy định để được nhận con nuôi. Các thủ tục giải quyết đúng theo quy định, gia đình tôi đã làm giấy khai sinh và nhập khẩu cho cháu.
Sau hơn 10 năm thi hành luật, công tác nuôi con nuôi trên địa bàn tỉnh đã đạt được kết quả nhất định. Từ năm 2011 đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 500 trẻ được nhận nuôi, trong đó hơn 85% được nhận nuôi trong nước; 100% các trường hợp được thực hiện đúng quy định của pháp luật, tại tỉnh chưa phát sinh trường hợp nào bị xử lý vi phạm pháp luật liên quan đến việc nuôi con nuôi. Trẻ em được nhận làm con nuôi được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trong môi trường gia đình đủ điều kiện để phát triển toàn diện.
Qua việc thi hành Luật Nuôi con nuôi đã giúp nhiều trẻ em có được mái ấm gia đình, được chăm sóc, nuôi dưỡng và phát triển toàn diện.
Ý kiến ()