Ghi nhận sau gần 3 năm triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia
– Lạng Sơn là tỉnh miền núi có 2 huyện nghèo, 5 huyện biên giới; tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm 83,91%; tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo chiếm 19,28%; quy mô nền kinh tế nhỏ, năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế thấp; hạ tầng còn khó khăn…, vì vậy tỉnh xác định việc triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) có ý nghĩa hết sức quan trọng trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội 5 năm giai đoạn 2021 – 2025 mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII tỉnh đã đề ra.
Đoàn giám sát của Quốc hội khảo sát điểm trường đang xây tại xã Hồng Phong, huyện Bình Gia bằng vốn của các Chương trình mục tiêu quốc gia
Để triển khai, thực hiện 3 CTMTQG giai đoạn 2021 – 2025, UBND tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo các CTMTQG do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng Ban Chỉ đạo; thành lập tổ giúp việc, văn phòng điều phối để triển khai thực hiện trên cơ sở bộ máy hiện có của cơ quan chủ trì tham mưu thực hiện từng CTMTQG tại địa phương. Từ năm 2021 đến tháng 7/2023, tỉnh đã ban hành 101 văn bản về cơ chế, chính sách và tổ chức thực hiện các CTMTQG trên địa bàn.
Những kết quả bước đầu
Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo, các sở, ngành liên quan đã khẩn trương lập, thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt, giao kế hoạch vốn thực hiện các CTMTQG giai đoạn 2021 – 2025 và hằng năm theo đúng trình tự, thủ tục quy định. Theo đó, tổng kế hoạch vốn đầu tư UBND tỉnh đã giao thực hiện 3 CTMTQG là trên 4.222 tỷ đồng, trong đó: CTMTQG phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên 2.304 tỷ đồng; CTMTQG giảm nghèo bền vững trên 577,6 tỷ đồng; CTMTQG xây dựng nông thôn mới trên 1.340 tỷ đồng. Cùng với đó, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết về huy động, lồng ghép nguồn vốn giữa các CTMTQG.
Bình Gia là huyện miền núi có 12 xã đặc biệt khó khăn, 92/142 thôn đặc biệt khó khăn. Qua gần 3 năm triển khai thực hiện các CTMTQG giai đoạn 2021 – 2025 đã đem lại những kết quả tích cực cho sự phát triển về kinh tế – xã hội trên địa bàn huyện. Đồng chí Nguyễn Mạnh Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Bình Gia cho biết: Tổng nguồn vốn thực hiện 3 CTMTQG của huyện năm 2022 – 2023 là trên 439 tỷ đồng. Giai đoạn 2021 – 2025, huyện đã xây dựng kế hoạch lồng ghép trên 11 tỷ đồng từ nguồn vốn Trung ương thực hiện CTMTQG giảm nghèo bền vững với nguồn vốn ngân sách Trung ương thực hiện CTMTQG xây dựng nông thôn mới để đầu tư xây dựng các dự án. Ngoài ra, huyện còn thực hiện lồng ghép các nguồn vốn ngân sách địa phương đối ứng để triển khai các dự án. Qua đó đã đạt một số kết quả tích cực, cụ thể như: tỷ lệ hộ nghèo của huyện năm 2022 chiếm 20,63%, giảm 3% so với năm 2021; toàn huyện có 8/18 xã đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ cứng hóa đường ô tô đến trung tâm xã đạt 87%, đến trung tâm thôn đạt 45%; tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 97%; tỷ lệ hộ được sử dụng điện đạt 100%; có 20 trường học đạt chuẩn quốc gia; 50% số thôn có nhà văn hóa thôn đạt chuẩn; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 56,03%…
Không chỉ riêng huyện Bình Gia, trong gần 3 năm thực hiện, hệ thống kết cấu hạ tầng của tỉnh tiếp tục được cải thiện, góp phần đáng kể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống Nhân dân, từng bước hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội 5 năm đã đề ra. Cụ thể có một số lĩnh vực nổi bật như: tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2022 đạt 7,22%, 6 tháng đầu năm 2023 đạt 5,32%; các khu vực kinh tế đều có chuyển biến tích cực; theo mục tiêu đề ra, đã có 21/50 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 42% so với mục tiêu (dự kiến năm 2023 có thêm 10 xã đạt chuẩn), 10/25 xã nông thôn mới nâng cao mới (dự kiến năm 2023 có thêm 5 xã); giảm tỷ lệ hộ nghèo hằng năm đạt 3%.
Để thực hiện đảm bảo các mục tiêu của các CTMTQG đề ra, tỉnh sẽ tiếp tục nghiên cứu ban hành chính sách chuyển hộ nghèo không có khả năng lao động sang thực hiện chính sách bảo trợ xã hội; tập trung giải quyết các chiều thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản nhất hiện nay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo; tập trung đầu tư trọng tâm, trọng điểm cho 2 huyện nghèo. Đối với CTMTQG xây dựng nông thôn mới, tiếp tục rà soát tổng thể nhu cầu đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng trên địa bàn nông thôn; rà soát các tiêu chí để điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế. Đối với CTMTQG phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tỉnh chỉ đạo tập trung rà soát, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững cho các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đảm bảo an sinh xã hội, giải quyết kịp thời các vấn đề cấp bách nhất…” Đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh |
Vẫn còn khó khăn
Mặc dù đạt những kết quả tích cực nhưng qua gần 3 năm triển khai cho thấy, 3 CTMTQG thực hiện tại tỉnh vẫn nhiều khó khăn, nhất là trong việc giải ngân chậm các nguồn vốn sự nghiệp của từng CTMTQG. Đối với CTMTQG xây dựng nông thôn mới, ngoài giải ngân chậm vốn sự nghiệp, thì thực tế kết quả đạt được trong thực hiện chương trình chưa đồng đều giữa các huyện, còn khoảng cách chênh lệch khá lớn giữa nhóm xã đạt chuẩn và các xã khác; số tiêu chí NTM bình quân/xã còn thấp; số lượng xã dưới 10 tiêu chí còn ở mức cao.
Đồng chí Lý Việt Hưng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 có nhiều chỉ tiêu mới và mức đạt cao hơn so với giai đoạn 2016 – 2020; một số chỉ tiêu, tiêu chí quy định chưa phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương như: tiêu chí thu nhập tăng thêm 3 triệu đồng/người/năm theo từng năm; tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch từ hệ thống nước tập trung; tiêu chí về môi trường, hộ nghèo đa chiều, mai táng, hoả táng, tỷ lệ khám chữa bệnh từ xa, tỷ lệ các tuyến đường trục xã lắp điện chiếu sáng;… Vì vậy, các xã chưa đạt chuẩn hoặc đã đạt chuẩn gặp nhiều khó khăn trong thực hiện, duy trì các tiêu chí.
Đối với CTMTQG giảm nghèo bền vững, chương trình gồm 7 dự án thành phần, hiện nay chỉ có Dự án 1 về đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế – xã hội các huyện nghèo có kết quả thực hiện và giải ngân đạt tốt với 32,8%. Các dự án thành phần còn lại (đa dạng hoá sinh kế, mô hình giảm nghèo, hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển giáo dục nghề nghiệp, hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo…) chủ yếu là nguồn vốn sự nghiệp có tỷ lệ giải ngân chưa cao (dưới 10%) do trùng lắp về đối tượng thực hiện, không đủ đối tượng chi (dự án 4 về giáo dục nghề nghiệp; dự án 6 về giảm nghèo thông tin)…
Cũng gặp khó khăn trong giải ngân vốn sự nghiệp, CTMTQG phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi gồm 10 dự án thành phần, trong đó các dự án thành phần có vốn sự nghiệp tỷ lệ giải ngân thấp (dưới 10%) là về mô hình sản xuất, đào tạo tập huấn; một số nội dung trùng lắp về đối tượng chi (dự án 5 về giáo dục nghề); định mức chi thấp, không đủ đối tượng thực hiện (Dự án 3 về sản xuất nông, lâm nghiệp); không đủ đối tượng chi, một số nội dung chi theo hướng dẫn không thuộc cấp huyện (Dự án 8 về bình đẳng giới, Dự án 9 về hỗ trợ nhóm dân tộc khó khăn đặc thù, Dự án 10 về truyền thông, kiểm tra, giám sát)…
Giải pháp tháo gỡ
Những kết quả thực hiện 3 CTMTQG giai đoạn 2021 – 2025 tại tỉnh đã được UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương đánh giá bước đầu cũng như được Đoàn giám sát của Quốc hội khoá XV giám sát tại tỉnh và một số địa phương thuộc tỉnh vào tháng 7/2023. Từ việc đánh giá những kết quả đạt được, những khó khăn vướng mắc hiện còn tồn tại, lãnh đạo UBND tỉnh, các huyện được giám sát đã kiến nghị với Quốc hội, các bộ, ngành trung ương về những vướng mắc trong giải ngân nguồn vốn; về hướng dẫn kịp thời việc thực hiện các dự án thành phần cụ thể;…
Phát biểu khi giám sát tại tỉnh Lạng Sơn về triển khai thực hiện 3 CTMTQG, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội đã chia sẻ khó khăn với tỉnh và khẳng định: Đoàn sẽ tổng hợp những kiến nghị của tỉnh để xem xét chuyển các bộ, ngành liên quan sớm có hướng dẫn thống nhất để tháo gỡ những khó khăn này.
Đồng thời, đồng chí cũng gợi ý cho tỉnh và các địa phương trong tỉnh cần xác định rõ trọng tâm trong thực hiện các CTMTQG, trong đó nên lấy giảm nghèo làm trung tâm để thúc đẩy thực hiện xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Cùng với đó, tỉnh cần xác định các đột phá, ngoài hạ tầng giao thông còn hạ tầng kinh tế – xã hội để tạo điều kiện chuyển đổi sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, tăng giá trị của sản phẩm nông nghiệp của tỉnh.
Đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Để thực hiện mục tiêu của các CTMTQG đề ra, tỉnh sẽ tiếp tục nghiên cứu ban hành chính sách chuyển hộ nghèo không có khả năng lao động sang thực hiện chính sách bảo trợ xã hội; tập trung giải quyết các chiều thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản nhất hiện nay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo; tập trung đầu tư trọng tâm, trọng điểm cho 2 huyện nghèo. Đối với CTMTQG xây dựng nông thôn mới, tiếp tục rà soát tổng thể nhu cầu đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng trên địa bàn nông thôn; rà soát các tiêu chí để điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế, chủ động đẩy mạnh nhân rộng các mô hình đã tổ chức thực hiện tốt, triển khai có hiệu quả tại cơ sở. Đối với CTMTQG phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tỉnh chỉ đạo tập trung rà soát, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững cho các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đảm bảo an sinh xã hội, giải quyết kịp thời các vấn đề cấp bách nhất; ưu tiên cho các địa bàn còn hạn chế về hạ tầng thiết yếu; tránh sự chồng chéo với các chương trình, kế hoạch khác.
Hiện nay, việc triển khai 3 CTMTQG giai đoạn 2021 – 2025 đã đi được hơn nửa chặng đường, việc nhận diện những khó khăn, kịp thời đề xuất và chủ động các giải pháp tháo gỡ là cơ sở để tỉnh tiếp tục thực hiện hiệu quả, đảm bảo đạt được các chỉ tiêu mà từng CTMTQG đề ra, hướng đến mục tiêu chung là giảm nghèo, nâng chất lượng cuộc sống người dân, làm thay đổi bộ mặt nông thôn, miền núi.
Ý kiến ()