Ghi nhận sau 4 đợt “khởi liều”
LSO-Mới đi vào hoạt động được 4 tháng, cơ sở Methadone huyện Văn Lãng đã thu hút 102 bệnh nhân vào điều trị; trong đợt xét nghiệm gần nhất đã có 50% bệnh nhân âm tính với Heroin…
Các bệnh nhân đến uống methadone tại Trung tâm Y tế Văn Lãng |
Tin lành từ hiệu quả điều trị
Ngày 12/4/2016 là ngày đặc biệt đối với gia đình bà Hoàng Thị Shèng, xã Tân Mỹ: con trai bà đến cơ sở methadone của huyện để được “khởi liều”. Cậu quý tử của bà đã mắc nghiện 7 năm nay; thương con, bà “hành trình” cùng con đi khắp nơi để cai nghiện song đâu vẫn hoàn đấy. Tháng trước, bà nghe đứa em nói rằng chương trình methadone ở huyện rất tốt và bà quyết định động viên con “đi bước cuối cùng”. Không chỉ có bà Shèng, dù gần thị trấn nhưng suốt đêm bà Chu Thị Đeng, xã Tân Lang cũng không chợp mắt, mong cho trời sáng để đưa con mình đi “khởi liều”. Được cán bộ chính quyền xã tư vấn và giới thiệu, bà như người “chết đuối với được cọc”, khuyên con trai đi điều trị methadone và thầm mong sự thành công. Tối qua, bà đã thắp nén nhang khấn tổ tiên, mong cho ông trời không lấy đi niềm hy vọng cuối cùng này.
Mới 7 giờ sáng, cơ sở Methadone Văn Lãng đã chật người, phần vì các bệnh nhân đến uống sớm để còn đi làm, còn phần đông là các bệnh nhân và người nhà của họ đến để được “khởi liều” đợt 4. Sự háo hức của người bệnh- phần lớn là những thanh niên độ tuổi 20-25 cộng với sự trầm tư xen lẫn tủi hổ của phụ huynh- những người cha, người mẹ đằng đẵng nhiều năm sống trong đau khổ. Họ ngồi trên ghế, tản ra những gốc cây… chờ đến lượt con mình và mong được hưởng một phép nhiệm màu của ngành y tế nhằm cứu vớt những mảnh đời tội nghiệp. Bên trong, người đông nhưng không hề lộn xộn, sự sắp xếp ngăn nắp, gọn gàng trọng nội bộ khoa, thái độ niềm nở, ân cần của đội ngũ thầy thuốc đã tạo nên một không khí thân thiện và cởi mở. Trưởng Khoa-Bác sĩ Nguyễn Thị Ngân cho chúng tôi biết: đây là đợt “khởi liều” thứ 4 với 25 bệnh nhân, đưa tổng số bệnh nhân điều trị tại cơ sở lên 102 người ở hầu hết các xã, thị trấn trong huyện; đông nhất là thị trấn Na Sầm và các xã: Tân Mỹ, Tân Thanh, Hoàng Việt… Qua xét nghiệm những bệnh nhân duy trì liều, cơ sở đã khẳng định được 57 bệnh nhân không còn dương tính với heroin. Số liệu ấy đã chứng minh được hiệu quả của methadone và nó đã trực tiếp thắp lên hy vọng cho đông đảo người dân.
Vui trong nhọc nhằn và nguy hiểm
Thống kê của Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS Lạng Sơn cho thấy, huyện Văn Lãng hiện có 416 người nghiện ma túy, trong đó có 199 người có hồ sơ quản lý. Trong số 330 người được phát hiện nhiễm HIV/AIDS, có 110 người còn sống. Đây cũng là địa bàn rất phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ bùng nổ trở lại dịch HIV/AIDS. Vì vậy, triển khai cơ sở methadone là một chủ trương đúng và mang tính cấp bách. Tiếc thay, do nhiều nguyên nhân, kế hoạch khai trương cơ sở bị chậm 1 năm- mãi đến tháng 1/2016 mới đi vào hoạt động. Dù muộn, song cơ sở đã đáp ứng được nguyện vọng của người dân nên số lượng đăng ký mỗi đợt một nhiều.
Để đáp ứng được nhu cầu, Khoa Methadone đã có 7 cán bộ y tế, trong đó có 1 bác sĩ. Hằng ngày phải phục vụ cho hơn 100 con người đã vất vả, vào những ngày “khởi liều” lại càng phức tạp hơn với các khâu lập hồ sơ bệnh nhân, khám sàng lọc, xét nghiệm, quyết định “khởi liều”, tư vấn nhóm… Tuy vậy, với phong cách “đến phục vụ tận tình, về dặn dò chu đáo”, tất cả các bệnh nhân và người nhà của họ đều hài lòng. Bác sĩ NguyễnThị Ngân cho biết: vui nhất là mình đã “định liều” chính xác qua một thời gian “dò liều” để bệnh nhân không dùng thêm ma túy, yên tâm điều trị. Vui hơn nữa, khi xét nghiệm lại theo định kỳ, ngày càng có nhiều bệnh nhân âm tính với heroin… Tuy vậy, sau niềm vui đó, trong tư tưởng của mỗi cán bộ, nhân viên cũng còn chút “lấn bấn”: do đối tượng bệnh nhân rất đặc biệt (hầu hết nhiễm vi rút viêm gan B, C, nhiều người nhiễm HIV…) nên người thầy thuốc luôn phải đối mặt với những rủi ro nghề nghiệp. Trong khi đó, phụ cấp cho cán bộ, nhân viên lại thấp nên anh chị em thấy thiệt thòi.
Với hiệu quả điều trị cao, trong thời gian tới sẽ có thêm rất nhiều bệnh nhân tìm đến, và như vậy nỗi vất vả của đội ngũ thầy thuốc sẽ tăng gấp bội. Nên chăng cần thành lập thêm cơ sở cấp phát thuốc tại thị trấn Đồng Đăng để tạo điều kiện cho các bệnh nhân khu vực giáp ranh của Văn Lãng và Cao Lộc đến uống thuốc; giảm tải cho cơ sở Văn Lãng. Cùng với đó, ngành y tế cần nghiên cứu vận dụng chế độ phụ cấp, hoặc đề nghị trích một phần kinh phí xã hội hóa để tăng thu nhập cho đội thầy thuốc làm việc tại cơ sở này.
MINH HỒNG
Ý kiến ()