Ghi nhận sau 2 năm thực hiện
Giờ học theo mô hình VNEN tại Trường Tiểu học thị trấn Cao Lộc, huyện Cao Lộc |
Giảm áp lực thành tích
Thầy giáo Vi Văn Thọ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Tú Mịch, huyện Lộc Bình tâm sự: “Trước đây, đi dự hội nghị tại phòng, nghe lãnh đạo các trường khu vực thuận lợi đọc báo cáo kết quả năm học mà… choáng với những tỷ lệ 60-70% học sinh giỏi. Nay theo Thông tư 30, những tỷ lệ ấy không còn được nêu ra nữa, mình cũng thấy… đỡ tủi thân”. Đồng ý kiến với thầy giáo hiệu trưởng trường Tú Mịch, nhiều giáo viên cấp tiểu học cũng nói rằng, bằng hình thức nhận xét, việc đánh giá học sinh tiểu học đã “nhẹ nhàng” đi rất nhiều. Tuy vất vả một chút, song lời nhận xét của cô ngoài sự đánh giá quan tâm, còn thể hiện sự quan tâm đến học trò, chứ không chỉ là con số khô khan.
Việc bỏ hình thức chấm điểm cũng đã giải tỏa cho các nhà trường những áp lực thành tích về tỷ lệ học sinh giỏi, khá… Cô Vũ Thị Quyên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chi Lăng, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn cho biết: trong báo cáo tổng kết, các số liệu phản ánh chất lượng ở cả 3 mặt (học tập, phẩm chất, năng lực) chỉ được nêu ở 2 mức: hoàn thành và chưa hoàn thành. Học sinh hoàn thành chương trình lớp học chỉ cần đáp ứng đủ các điều kiện: hoàn thành đánh giá thường xuyên đối với tất cả các môn học; đánh giá định kỳ cuối năm các môn học (đạt điểm 5 trở lên); đạt về hình thành năng lực và đạt về phát triển phẩm chất. Học sinh được khen thưởng trong các mặt hoặc có thành tích nổi bật, căn cứ để khen thưởng là tập thể lớp bầu dân chủ và có đề nghị của giáo viên chủ nhiệm.
Đối với học sinh tiểu học- lứa tuổi đang hình thành nhân cách, bên cạnh việc cung cấp tri thức phổ thông nền tảng, việc quan trọng là giúp học sinh hình thành nhân cách, rèn luyện, nâng cao thể chất, dạy kỹ năng sống… thì việc thực hiện đánh giá theo Thông tư 30 là phù hợp.
Cần tạo sự đồng thuận cao
Để giáo viên làm quen với cách đánh giá mới, ngành GD&ĐT không những tập huấn cho đội ngũ giáo viên trong thời gian chuẩn bị cho năm học mới mà trong suốt năm học, các phòng GD&ĐT tăng cường kiểm tra, tư vấn, hội thảo để nâng cao nhận thức, thống nhất cách làm. Tại Lộc Bình, mới đầu khi Thông tư 30 được triển khai, nhiều giáo viên còn lúng túng trong đánh giá học sinh, vì thế Phòng GD&ĐT huyện đã tổ chức hội thảo cấp huyện để kịp thời phân tích, rút kinh nghiệm, thảo luận thống nhất cách ghi nhận xét trong vở học sinh, nhận xét trong sổ theo dõi chất lượng giáo dục, từ đó rút ra kinh nghiệm. Với 5 cuộc hội thảo chuyên đề trong 2 năm qua, việc ghi nhận xét học sinh đã đi vào nền nếp.
Đồng chí Ngô Hiền, Trưởng phòng GD&ĐT thành phố Lạng Sơn cho biết: Chúng tôi thường xuyên kiểm tra, tư vấn trực tiếp tại các nhà trường; tháo gỡ kịp thời vướng mắc của giáo viên, giải đáp thắc mắc của phụ huynh… nhằm tạo sự đồng thuận cao từ nhà trường đến xã hội.
Thế nhưng sau 2 năm thực hiện vẫn còn những băn khoăn từ giáo viên như: học sinh đông, không đủ quỹ thời gian để nhận xét. Phát biểu tại hội nghị Tổng kết mô hình trường học mới VNEN và 2 năm thực hiện Thông tư 30, đồng chí Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT cho rằng: Tuy còn nhiều nhận thức, ý kiến khác nhau từ nhà trường đến xã hội, song Thông tư 30 đã thể hiện tính ưu việt của nó. Nó đặc biệt phù hợp với tinh thần của đổi mới giáo dục, phù hợp với mô hình VNEN mà chúng ta đang thực hiện và nhân rộng. Để tạo sự đồng thuận trong xã hội, việc nâng cao nhận thức, quyết tâm làm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm phải được quán triệt trong từng giáo viên, ở mỗi nhà trường.
Ý kiến ()