Ghi nhận sau 10 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở
– Ngày 20/6/2013, Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 6 đã thông qua Luật Hòa giải ở cơ sở. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2014. Sau 10 năm thi hành luật, công tác hòa giải ở cơ sở có chuyển biến tích cực, giải quyết kịp thời các mâu thuẫn, tranh chấp trong cộng đồng dân cư. Qua đó, góp phần hạn chế vi phạm pháp luật, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh.
Tiểu phẩm sân khấu hóa tuyên truyền Luật Hòa giải ở cơ sở của đội thi huyện Tràng Định tại Hội thi Hòa giải viên giỏi tỉnh lần thứ IV năm 2023
Để công tác thi hành luật hiệu quả, các cấp, ngành đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Luật Hòa giải ở cơ sở với nhiều hình thức như: tuyên truyền miệng, thông tin đại chúng, loa truyền thanh, sân khấu hóa… Trong 10 năm qua, các cơ quan trên địa bàn tỉnh đã tổ chức được trên 1.200 hội nghị tuyên truyền về Luật Hòa giải ở cơ sở với hơn 95.000 lượt người tham dự. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Lạng Sơn đã phối hợp với Sở Tư pháp thực hiện chuyên mục tuyên truyền pháp luật được hơn 45.000 tin, bài, phóng sự. Trong đó có nhiều tin, bài, phóng sự liên quan đến công tác hòa giải ở cơ sở… Đặc biệt, từ năm 2016 đến nay, các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh đã tổ chức trên 30 hội thi hòa giải viên giỏi. Đây vừa là sân chơi nghiệp vụ của hòa giải viên, vừa là hình thức tuyên truyền Luật Hòa giải ở cơ sở hiệu quả.
Chị Lương Thị Hồng Thắm, hòa giải viên thôn Cây Hồng, thị trấn Chi Lăng, huyện Chi Lăng cho biết: Tôi rất vinh dự được tham gia Hội thi Hoà giải viên giỏi tỉnh lần thứ IV năm 2023 vừa qua. Đội tôi đã mang đến hội thi tiểu phẩm “Chỉ tại cái bờ ruộng”. Trong tiểu phẩm, chúng tôi đã vận dụng cái lý, cái tình để hòa giải thành công vụ việc. Qua đó, hóa giải mâu thuẫn, thắt chặt tình làng nghĩa xóm, góp phần giữ gìn cuộc sống bình yên cho nhân dân. Qua hội thi, chúng tôi học hỏi được cách thức hóa giải tài tình các mâu thuẫn, tranh chấp trong cộng đồng của các đội thi thông qua các tiểu phẩm.
Bên cạnh đó, công tác bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở được các cấp, ngành chức năng quan tâm thực hiện thường xuyên. Riêng Sở Tư pháp từ năm 2014 đến nay đã phối hợp với UBND các huyện, thành phố tổ chức trên 150 hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật về hòa giải ở cơ sở cho trên 20.000 lượt người dự. Qua đó, góp phần xây dựng đội ngũ hoà giải viên có nghiệp vụ, kiến thức pháp luật và có uy tín, thực hiện hiệu quả công tác hoà giải ở cơ sở.
Ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chủ tịch UBND huyện, Chủ tịch Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật huyện Cao Lộc cho biết: Hiện nay, huyện có 153 tổ hòa giải với hơn 1.000 hòa giải viên. Những năm qua, đội ngũ hòa giải viên của huyện đã phát huy vai trò, kịp thời hòa giải các mâu thuẫn, tranh chấp ở cơ sở, hạn chế khiếu kiện. Trong đó, 5 năm trở lại đây, tỷ lệ hòa giải thành của huyện đạt trên 80%. Để thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở có hiệu quả, hằng năm, UBND huyện đều ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai công tác phổ biến giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, tăng cường tập huấn nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho đội ngũ hòa giải viên. Tiêu biểu gần đây tháng 8/2023, chúng tôi đã tổ chức thành công hội thi hòa giải viên giỏi lần thứ IV của huyện, với 22/22 xã, thị trấn tham gia. Đây là diễn đàn của các hòa giải viên, cũng là dịp để tuyên truyền sâu rộng Luật Hòa giải ở cơ sở.
Từ việc được tuyên truyền, tập huấn nghiệp vụ, đội ngũ hòa giải viên ngày càng nâng cao kiến thức, kỹ năng hòa giải ở cơ sở. Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 1.600 tổ hoà giải với hơn 10.800 hoà giải viên, đảm bảo hòa giải viên hoạt động tại 100% thôn, tổ dân phố. Các hòa giải viên đều là những người có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu, uy tín, có khả năng vận động, thuyết phục người dân chấp hành pháp luật, có tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình tham gia công tác hòa giải ở cơ sở.
Ông Lê Phát Trọng, thành viên tổ hòa giải khối Trần Quang Khải 1, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn cho biết: Tôi làm công tác hòa giải ở cơ sở hơn 7 năm. Năm nào tôi cũng được tham gia bồi dưỡng kiến thức pháp luật, tập huấn nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở ít nhất 2 lần. Tại các lớp bồi dưỡng, chúng tôi được cập nhật kịp thời các kiến thức pháp luật mới, hướng dẫn xử lý tình huống trong thực tế. Qua đó, chất lượng hòa giải ở cơ sở được nâng cao. Trung bình mỗi năm, tổ hòa giải từ 5 đến 8 vụ việc, trong đó nhiều vụ việc khó, liên quan đến đất đai, ranh giới giữa các hộ gia đình, bạo lực gia đình… Để hòa giải thành công, chúng tôi đã chủ động nghiên cứu văn bản pháp luật, tìm hiểu thực tế, gặp gỡ, động viên thuyết phục các hộ dân nhiều lần, vận dụng pháp luật, tình cảm làng xóm, có những việc mời cả cán bộ địa chính phường xuống giúp. Nhờ đó, mỗi năm chúng tôi hòa giải thành trên 90% vụ việc.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Sở Tư pháp, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh cho biết: Thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở, trong 10 năm qua, công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và sự phối hợp chặt chẽ của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các đoàn thể chính trị – xã hội. Việc triển khai, thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh đã tác động tích cực đến đời sống xã hội, tạo cơ sở pháp lý toàn diện, đầy đủ và vững chắc cho hoạt động hòa giải ở cơ sở đi vào nền nếp, thống nhất và hiệu quả. Đặc biệt, nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị về vai trò, tầm quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở đã được nâng lên. Do đó, chất lượng hòa giải không ngừng được nâng lên, tỷ lệ hòa giải thành cao, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Nhờ triển khai thi hành luật hiệu quả, công tác hòa giải ở cơ sở có chuyển biến tích cực, chất lượng hòa giải các vụ việc được nâng lên. Đơn cử giai đoạn 2019 – 2022, các tổ hoà giải trên địa bàn tỉnh đã hoà giải thành 8.642./11.685 vụ việc, đạt tỉ lệ gần 74% (giai đoạn năm 2015 – 2018 tỷ lệ hòa giải thành đạt từ 65 – 67%); 6 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ hòa giải thành đạt gần 78%. Nội dung hoà giải chủ yếu là tranh chấp trong nội bộ Nhân dân về đất đai, đồi rừng, tài sản, hôn nhân gia đình… Qua đó, đã góp phần quan trọng trong việc giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết trong cộng đồng dân cư, giảm thiểu đơn thư khiếu kiện, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
DƯƠNG DUYÊN
Ý kiến ()