Ghi nhận qua nửa chặng đường 2014
Khắc phục sạt lở sau cơn bão số 2 trên địa bàn huyện Văn Lãng |
Mục tiêu xác định không nhiều, nhưng chừng ấy là ngồn ngộn những công việc. Nếu như những năm đầu triển khai chương trình, có xã có thể hoàn thành tới 5 tiêu chí/năm. Thế nhưng vào chặng cuối, để có thể hoàn thiện thêm 1 tiêu chí là cả một quá trình nỗ lực. Bởi theo phương châm tiêu chí dễ làm trước nên thời điểm này những tiêu chí chưa đạt đều là những tiêu chí khó, thậm chí nếu không có sự vận dụng phù hợp với điều kiện thực tiễn của Lạng Sơn thì sẽ không thể thực hiện được. Với nhận định như vậy, nên ngay trong cuộc họp của Thường trực Ban chỉ đạo tỉnh hồi đầu năm, cùng với việc đôn đốc các ngành bám sát từng tiêu chí, chịu trách nhiệm hướng dẫn các xã triển khai thực hiện, đặc biệt đối với 35 xã điểm giai đoạn 2011-2015, đồng chí Lý Vinh Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành cần tham mưu xây dựng bộ hướng dẫn áp dụng các tiêu chí trên địa bàn tỉnh. Đến thời điểm này bộ hướng dẫn áp dụng các tiêu chí đã cơ bản được hoàn chỉnh, đây là một trong những động thái quan trọng để gỡ khó cho cơ sở. Mặt khác, công tác tuyên truyền, vận động tiếp tục được các tổ chức đoàn thể, phương tiện thông tin đại chúng tích cực triển khai thực hiện. Theo thống kê sơ bộ của Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới, từ đầu năm đến nay, Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh, huyện đã xây dựng 150 phóng sự với trên 300 lượt phát sóng; Báo Lạng Sơn đăng tải hơn 420 tin, bài và khoảng 200 ảnh trên ấn phẩm báo in, trang tin điện tử phản ánh về nông thôn mới. Qua đó tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp, ngành và nhân dân về chương trình.
Năm 2014, nguồn vốn cho các dự án hỗ trợ sản xuất chương trình nông thôn mới vẫn rất hạn hẹp. Tổng vốn giao chỉ vỏn vẹn 5 tỷ đồng và được phân bổ cho 50 xã. Thế nhưng điều thuận lợi là vừa qua UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch vùng cây nguyên liệu gắn với chế biến và xuất khẩu đến năm 2020, tầm nhìn 2030; xây dựng đề án tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững theo hướng giá trị gia tăng…Đây là cơ sở cho việc tổ chức triển khai các dự án hỗ trợ sản xuất. Đến nay các xã đã triển khai thực hiện 54 mô hình với 1.556 hộ gia đình tham gia. Ngoài kinh phí ngân sách, nhân dân đã huy động thêm trên 2 tỷ đồng. Các mô hình không còn là xây dựng thí điểm mà đã hướng vào các loại cây trồng, vật nuôi thế mạnh có khả năng nhân rộng như sản xuất rau an toàn, bồ khai, ba kích, lợn sinh sản, cây ăn quả đặc sản… Trong xây dựng cơ sở hạ tầng, thực chất nguồn vốn ngân sách cho chương trình cũng chỉ ở mức 135 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh là 25 tỷ đồng. Đối với tỉnh miền núi, biên giới còn nhiều khó khăn như Lạng Sơn thì con số này còn rất khiêm tốn. Thế nhưng với chủ trương lồng ghép các chương trình và huy động mọi nguồn lực của tỉnh, các dự án đã đầu tư tập trung có trọng tâm, trọng điểm hơn, đặc biệt là tập trung vào các xã trong giai đoạn 2011-2015. Thống kê sơ bộ, từ đầu năm đến nay vốn huy động từ các tổ chức, doanh nghiệp khoảng hơn 14,5 tỷ đồng. Nguồn lực do nhân dân đóng góp trên 53 tỷ đồng. Theo kết quả rà soát, đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh đã có 16 xã đạt từ 10 tiêu chí trở lên, tăng 1 xã; 84 xã đạt từ 5-9 tiêu chí, tăng 13 so với cùng kỳ. Kết quả đã phản ánh sự nỗ lực, năng động, sáng tạo trong quá trình triển khai thực hiện từ tỉnh đến cơ sở. Thế nhưng để đạt được những mục tiêu đã đề ra trong năm 2014, tiến tới thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015 trên địa bàn tỉnh vẫn là cả một chặng đường rất gian nan. Những vết tích tàn phá của bão Thần Sấm mới đây vẫn in hằn rất rõ trên mảnh đất địa đầu. Ước tính ban đầu, toàn tỉnh thiệt hại về vật chất lên tới hơn 460 tỷ đồng. Thiệt hại này tác động mạnh mẽ tới quá trình xây dựng nông thôn mới.
Những ngày này, các cấp, ngành và nhân dân trong toàn tỉnh đã và đang ra sức phát huy nội lực, khắc phục hậu quả của thiên tai. Tuy nhiên, là một trong những tỉnh thiệt hại nặng nề nhất, ngoài nguồn lực nội sinh, Lạng Sơn đang rất cần những nguồn lực hỗ trợ từ nhiều phía để ổn định đời sống, sản xuất của nhân dân, từ đó tạo động lực để tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Ý kiến ()