Ghi nhận ở thành phố Lạng Sơn
Giáo viên Trường Tiểu học Lê Văn Tám, thành phố Lạng Sơn ghi nhận xét học sinh |
TUYÊN TRUYỀN, TẠO TÂM THẾ ĐỂ ĐỔI MỚI
Ngay từ đầu học kỳ I, ngành GD&ĐT thành phố đã tổ chức hội thảo chuyên đề “ Phát triển năng lực học sinh tiểu học, đánh giá học sinh theo Thông tư 30” với thành phần tham gia gồm có đại biểu Sở GD&ĐT, UBND thành phố, lãnh đạo UBND 8 xã, phường; đại diện phụ huynh học sinh và cán bộ quản lý, giáo viên của tất cả 10 trường tiểu học. Trong hội nghị này, ngành GD&ĐT thành phố đã tập trung quán triệt, tạo sự đồng thuận cao từ các cấp chính quyền, đội ngũ giáo viên, đến các tầng lớp phụ huynh học sinh về phương pháp đánh giá mới theo cách thức nhận xét thay cho điểm số. Trước khi có Thông tư 30, với mô hình VNEN, đội ngũ giáo viên tiểu học đã phần nào được tiếp cận với hình thức đánh giá mới. Học sinh cũng đã dần quen với lời nhận xét vào vở hay nhận xét bằng lời của giáo viên. Mặt khác, với 100% số trường tiểu học đã thực hiện dạy 2 buổi/ ngày; phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” đã đi vào chiều sâu nên học sinh cũng không còn thấy áp lực về điểm số, mà tự tin phấn đấu theo chỉ dẫn của thầy cô. Vấn đề là cần tuyên truyền cho phụ huynh hiểu rõ tính ưu việt của loại hình đánh giá này nhằm tạo sự đồng thuận cao và cùng với nhà trường trong giáo dục con em mình. Để thực hiện được thuận lợi, nhiều trường đã chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn phụ huynh như phổ biến tại các hội nghị phụ huynh học sinh, trao đổi trực tiếp với phụ huynh… để họ có thể hiểu mức độ học tập phấn đấu của con em mình qua lời nhận xét của giáo viên, chứ không qua điểm số như trước đây.
TÁC ĐỘNG CỦA SỰ ĐỔI MỚI TRONG ĐÁNH GIÁ
Cô giáo Vũ Thị Nga, Hiệu trưởng Trường Tiểu học phường Hoàng Văn Thụ nói rằng: lâu nay, giáo viên vẫn có trách nhiệm đánh giá bài kiểm tra của học sinh bằng điểm số kết hợp với nhận xét; tuy nhiên, khi đã có điểm số thì ít khi cô giáo ghi lời nhận xét, và nếu có ghi cũng chỉ ghi chung chung. Nay lời nhận xét đã chỉ ra được những lỗi cụ thể, hướng dẫn các em cách để khắc phục; hơn hẳn những điểm số mang tính “định lượng” khô khan. Để có những lời nhận xét như vậy, giáo viên phải đọc kỹ, thẩm định, đánh giá công bằng; và vì vậy cũng mất nhiều thời gian, nhất là những lớp có đông học sinh. Do lời nhận xét căn cứ vào thực tế bài làm của học sinh, nên không có một khuôn mẫu nào nhất định, tuy nhiên qua quá trình thực hiện, tổ chuyên môn, Ban giám hiệu cũng thường tổ chức những buổi sinh hoạt chuyên môn, rút kinh nghiệm để khuyến khích sự sáng tạo của giáo viên trong nhận xét theo tinh thần “ nhân văn, hiệu quả”. Về tác động của cách đánh giá mới đối với phụ huynh, cô giáo Nguyễn Thị Bích Hường, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đông Kinh cho rằng: được hướng dẫn, phụ huynh nắm bắt chất lượng học tập của con, kiểm tra phần lỗi của con thông qua lời nhận xét của cô giáo sẽ dễ dàng và cụ thể hơn.
Học kỳ I năm học 2014-2015, cấp tiểu học của ngành GD&ĐT thành phố có 7.609 học sinh; qua đánh giá, tỷ lệ hoàn thành về học tập đạt 99,3%, tỷ lệ hoàn thành về phẩm chất đạt 99,89% và tỷ lệ hoàn thành về năng lực đạt 99,74%. Xếp loại chung, có 99,26% học sinh hoàn thành và chỉ còn 0,74% học sinh chưa hoàn thành; toàn cấp học có 66,21% học sinh được khen thưởng. Đồng chí Ngô Hiền, Trưởng phòng GD&ĐT thành phố cho biết: qua 1 học kỳ đổi mới cách đánh giá, giáo viên cũng tự điều chỉnh, đổi mới phương pháp, hình thức hoạt động dạy học, hoạt động trải nghiệm. Tính tích cực của học sinh cũng được phát huy thông qua khả năng tự đánh giá. Và như vậy, mục tiêu của giáo dục phổ thông đã được định hình ngay từ cấp tiểu học.
Ý kiến ()