Ghi nhận ở thành phố
LSO-Trong những ngày cuối tháng Chạp, hàng hóa tập kết dồn dập, người dân thành phố nhộn nhịp mua sắm tết. Hơn lúc nào hết, công tác đảm bảo vệ sinh ATTP đang được thành phố đặt ra một cách cấp thiết.
Đoàn kiểm tra liên ngành vệ sinh ATTP thành phố Lạng Sơn kiểm tra tại ki ốt 18, phường Vĩnh Trại |
NHẬN THỨC TỪ NGƯỜI BÁN ĐẾN NGƯỜI MUA
Quầy hàng của chị Nguyễn Thị Vân nhỏ gọn ở góc chợ Chi Lăng, nhưng khách đến mua hàng khá đông. Hàng tết, từ những gói mì chính, bột nêm đến những hộp mứt, túi bánh, gói kẹo… loại mang thương hiệu nổi tiếng như Kinh Đô, Tràng An… nhưng cũng có loại rất bình dân như kẹo lạc, bánh khảo, bánh phồng từ cơ sở sản xuất nhỏ ở xã Đề Thám (Tràng Định). Quầy hàng vừa bán lẻ, vừa bán theo túi quà tết; có những túi 9 món, túi 11 món, giá cả chỉ từ 170 ngàn đồng đến 550 ngàn đồng. Nói chuyện với chúng tôi, chị cho biết: “Từ ngày 15 đến 20 tháng Chạp, nhất là phiên chợ ngày 17, em đã bán được trên 150 túi quà. Do chủ yếu phục vụ khách “trong làng” nên đòi hỏi phải rẻ; nhưng rẻ không có nghĩa là hàng quá hạn sử dụng, hàng giả, hàng nhái hoặc không đảm bảo an toàn”. Đến mua hàng tết tại ki ốt 18-19-20 phường Vĩnh Trại, chị Đặng Thị An, người dân phường Đông Kinh chọn và xem tỉ mỉ từng chi tiết của thông tin hàng hóa, chị nói: “ Sợ lắm anh ạ, mua túi quà tết biếu ông anh chồng mà phải hàng nhái, hàng “đểu” thì thật mất mặt. Nên em phải chọn kỹ càng, nhất là rượu, vì nghe nói mất cả tiền triệu vẫn bị rượu giả”.
Người dân thành phố trình độ dân trí khá, lại được tiếp cận với các phương tiện truyền thông, nên nhiều thói quen tiêu dùng đã được thay đổi. Đặc biệt trong dịp tết, họ đã có ý thức nâng cao cảnh giác đối với các loại hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, nên họ thường đến các sạp hàng quen; khi mua hàng, họ thường chú ý đến nhãn mác, nơi sản xuất, ngày sản xuất, hạn sử dụng…
TĂNG CƯỜNG KIỂM TRA, KIỂM SOÁT
Với quan điểm quyết liệt ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trong dịp tết, thực hiện Kế hoạch số 07/KH-UBND, ngày 9/1/2015 của UBND thành phố về kiểm tra, kiểm soát đấu tranh chống buôn lậu, hàng cấm, hàng giả và gian lận thương mại dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, Đội kiểm tra liên ngành về vệ sinh ATTP của thành phố đã vào cuộc ngay từ giữa tháng 1/2015. Từ ngày 19/1 đến hết ngày 4/2/2015 đã kiểm tra 59 vụ, phát hiện 24 vụ vi phạm, 32 hành vi vi phạm, xử phạt trên 22 triệu đồng. Trong đó, phạt về vi phạm lĩnh vực niêm yết giá 6 vụ; 3 hành vi kinh doanh không đúng địa điểm, mặt hàng ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; 10 hành vi không có giấy xác nhận tập huấn kiến thức vệ sinh ATTP; 1 hành vi sử dụng chứng chỉ hết hiệu lực với phương tiện đo; 1 hành vi ghi không đúng nội dung bắt buộc trên nhãn mác hàng hóa; 2 hành vi kinh doanh hàng hóa quá hạn sử dụng; 1 hành vi kinh doanh hành hóa nhập khẩu nhưng không có nhãn mác phụ bằng tiếng Việt Nam… Đặc biệt, đội kiểm tra đã xử phạt 1 hành vi kinh doanh rượu không dán tem rượu sản xuất trong nước; tịch thu 71 chai rượu loại 500 ml/chai. Trao đổi với chúng tôi, ông Triệu Văn Thắng, Đội trưởng Đội quản lý thị trường số 1 nói rằng: dịp tết, tình trạng buôn lậu, kinh doanh hàng cấm, hàng giả và gian lận thương mại có dịp bung ra với muôn hình vạn trạng. Kiểm tra chặt, xử phạt nghiêm là biện pháp tốt nhất để ngăn chặn tình trạng thực phẩm giả, thực phẩm không an toàn.
KHÓ KHĂN VẪN CÒN ĐÓ
Bà Nông Bích Thuận, Phó Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng Ban chỉ đạo Liên ngành vệ sinh ATTP thành phố cho biết: với mục tiêu không để xảy ra ngộ độc thực phẩm vào dịp tết, lễ hội xuân và cả năm 2015, Ban chỉ đạo đã đến làm việc với các phường, xã để kiện toàn Ban chỉ đạo cấp phường xã; chỉ đạo tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân; đẩy mạnh kiểm tra, xử phạt các vi phạm để tăng tính răn đe. Tuy nhiên, cấp phường, xã cũng còn yếu về công tác kiểm tra, xử phạt.
Với một địa bàn rộng có hàng ngàn hộ kinh doanh thường xuyên và một số hộ “tranh thủ” kinh doanh mặt hàng tết, việc kiểm tra kiểm soát rất khó khăn. Trên thực tế, một hộ kinh doanh rất nhiều mặt hàng với nhiều chủng loại khác nhau, thương hiệu khác nhau nên việc kiểm tra mất rất nhiều thời gian, trung bình chỉ 2 quầy hàng/ buổi. Vì vậy, đoàn kiểm tra liên ngành cần xác định thứ tự kiểm tra từ những hộ sản xuất, đóng gói, đại lý phân phối… sau đó mới đến các quầy bán lẻ. Được như vậy, sẽ ngăn chặn được thực phẩm không đảm bảo an toàn.
MINH HỒNG
Ý kiến ()