Ghi nhận ở Bắc Sơn
LSO-Không chỉ có nhiều mà chất lượng hoạt động của các hợp tác xã (HTX) thủy sản trên địa bàn huyện Bắc Sơn ngày càng được nâng cao, góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho các thành viên.
Mô hình nuôi cá của Hợp tác xã thuỷ sản Lân Vực, xã Đồng Ý, huyện Bắc Sơn |
Khoảng 10 năm về trước, phần lớn diện tích nuôi trồng thuỷ sản hiện nay của HTX thuỷ sản Lân Vực, xã Đồng Ý, huyện Bắc Sơn là đất trồng lúa. Ông Phùng Văn Quyển, Giám đốc HTX cho biết: Là loại đất bùn nên trồng lúa kém hiệu quả. Trên diện tích 4.000 m2 trồng lúa, gia đình ông chỉ thu về từ 10 đến 15 triệu đồng mỗi năm. Từ khi chuyển sang nuôi cá thương phẩm, thu nhập cao hơn hẳn, trừ chi phí, mỗi năm gia đình thu về từ 50 đến 60 triệu đồng. Thấy hiệu quả, một số hộ khác trong thôn cũng mạnh dạn chuyển đổi. Đầu tiên có khoảng 12.000 m2 đất được chuyển sang nuôi cá, đến nay, HTX duy trì 7 thành viên với tổng diện tích nuôi cá lên tới 24.000 m2. Một số thành viên thuộc diện hộ nghèo đã vươn lên hộ khá. Hiện HTX đang tính đến xây dựng thương hiệu riêng, từ đó mở rộng diện tích, thị trường tiêu thụ.
Mô hình của HTX Tam Hoa, xã Hưng Vũ, huyện Bắc Sơn đã và đang đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho các thành viên. Nhận thấy lợi thế hồ Tam Hoa rộng 40 ha, ông Dương Công Cỏ cùng 65 hộ dân khác của 2 thôn: Ma Hin và Lâm Nghiệp thành lập HTX Tam Hoa vào năm 1994. Ông Dương Công Cỏ, Giám đốc HTX cho biết: Vừa nuôi cá, vừa quản lý hồ đập nên HTX được huyện, xã ủng hộ. Trung bình mỗi năm, HTX thu hoạch được 15 tấn cá thương phẩm các loại, năm nhiều có thể lên tới 40 tấn. Cách đây khoảng 6 năm, HTX mở thêm dịch vụ câu cá để tăng thêm thu nhập. Trung bình mỗi năm, HTX thu về khoảng 500 triệu đồng. Không chỉ được tạo điều kiện mặt nước để phát triển thuỷ sản mà nhiều năm, HTX còn được nhà nước hỗ trợ cá giống, tập huấn, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Tương tự HTX Tam Hoa, tận dụng lợi thế hồ đập, một số xã, thị trấn cũng đã thành lập được HTX thuỷ sản vừa để nuôi cá nâng cao thu nhập, vừa gắn trách nhiệm, nâng cao ý thức các hộ thành viên (chủ yếu sinh sống quanh hồ) trong giữ gìn, bảo vệ hồ đập. Tiêu biểu như: HTX Cường Thịnh, xã Trấn Yên nuôi cá ở hồ Phai Thuống; HTX thuỷ sản Lê Hồng Phong, thị trấn Bắc Sơn nuôi cá ở hồ Vũ Lăng… Bên cạnh việc chăn thả có phần “tự nhiên” ở các hồ đập, một số HTX đã đầu tư xây dựng mô hình nuôi cá chuyên sâu, năng suất cao như: HTX thuỷ sản Lân Vực, xã Đồng Ý. Hiện toàn huyện có 5 HTX thủy sản (chiếm trên 41% tổng số HTX thủy sản trong toàn tỉnh), gồm 103 thành viên với tổng vốn điều lệ 3,1 tỷ đồng. Bốn năm trở lại đây, doanh thu của các HTX được từ 1,5 đến 2,5 tỷ đồng/năm; thu nhập bình quân từ 2 đến 5 triệu đồng/thành viên/tháng.
Bên cạnh sự năng động của các HTX, để HTX trong lĩnh vực thuỷ sản phát triển, ngành chức năng, huyện Bắc Sơn đã có những hỗ trợ cụ thể, thiết thực. Ông Vi Đình Thiện, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Hằng năm, phòng đã tham mưu cũng như phối hợp tổ chức lồng ghép các lớp tuyên truyền, tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho người chăn nuôi. Bên cạnh việc tạo điều kiện cho các HTX quản lý, sử dụng mặt nước hồ đập, nhà nước còn hỗ trợ con giống, vật tư, trang thiết bị phục vụ nuôi, thu hoạch cá. Cụ thể, từ đầu năm 2017 đến nay, huyện đã lồng ghép tập huấn, hướng dẫn nuôi trồng thủy sản được trên 10 cuộc; hỗ trợ HTX thủy sản Lê Hồng Phong thức ăn cho cá và cá giống trị giá trên 130 triệu đồng; hỗ trợ 350 triệu đồng để cải tạo ao nuôi ở xã Đồng Ý; hỗ trợ 4,5 tạ cá giống cho HTX Tam Hoa… Qua đó tạo điều kiện cho các HTX hoạt động hiệu quả, ổn định, không chỉ góp phần nâng cao thu nhập cho các thành viên mà còn nâng cao hiệu quả lĩnh vực kinh tế hợp tác trên địa bàn.
ĐÌNH QUYẾT
Ý kiến ()