Ghi chép ở Quốc hội: Không chỉ nêu khó khăn, bức xúc, quan trọng nhất là giải pháp
Trong tuần làm việc thứ hai, Kỳ họp thứ năm, Quốc hội (QH) khóa XIII tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến đối với việc hoàn thiện thể chế chính trị, cùng với đó là giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội của đất nước. Ðây cũng là những nội dung được cử tri cả nước đặc biệt quan tâm.
Trong tuần làm việc thứ hai, Kỳ họp thứ năm, Quốc hội (QH) khóa XIII tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến đối với việc hoàn thiện thể chế chính trị, cùng với đó là giải quyết các vấn đề kinh tế – xã hội của đất nước. Ðây cũng là những nội dung được cử tri cả nước đặc biệt quan tâm.
Khẳng định vai trò lãnh đạo của Ðảng
Ngay trong ngày làm việc đầu tuần, QH dành trọn một ngày để các đại biểu thảo luận tại tổ, góp ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, góp ý kiến là các quy định liên quan đến chế độ chính trị, xây dựng bộ máy nhà nước, vai trò lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội. Ðây được coi là những vấn đề mang tính quyết định trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Về tên nước quy định trong Hiến pháp, có những ý kiến khác nhau, trong đó có một số ý kiến đề nghị lấy tên nước là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, vì tên gọi này gắn liền với sự ra đời của chính thể cộng hòa đầu tiên ở nước ta, là thành quả của cuộc cách mạng giành độc lập tháng Tám năm 1945. Tuy nhiên, phần lớn ý kiến đề nghị tiếp tục quy định tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Theo các đại biểu Ðỗ Bá Tỵ (Ðiện Biên), Dương Văn Thống (Yên Bái) Phạm Ðức Châu (Quảng Trị), tên gọi này ra đời trong bối cảnh nước ta vừa hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ, thống nhất đất nước, cả nước đi lên CNXH, khẳng định rõ con đường, mục tiêu xây dựng chế độ XHCN của Ðảng, Nhà nước và nhân dân ta. Tên gọi này đã được sử dụng ổn định từ tháng 7 năm 1976 đến nay, đã được chính thức ghi nhận trong Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992. Việc giữ nguyên tên nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhằm tiếp tục khẳng định mục tiêu, con đường xây dựng và phát triển đất nước lên CNXH, bảo đảm tính ổn định.
Ðề cập các quy định về vai trò lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam, nhiều ý kiến cho rằng, việc tiếp tục hiến định vai trò lãnh đạo của Ðảng đối với Nhà nước và xã hội là cần thiết. Theo các đại biểu Giàng A Chu (Yên Bái), Lê Như Tiến (Quảng Trị), vai trò lãnh đạo của Ðảng đối với sự nghiệp đấu tranh giành chính quyền, xây dựng và phát triển của đất nước đều đã được khẳng định cả về mặt lý luận cũng như thực tiễn. Ðảng Cộng sản Việt Nam là đảng chính trị duy nhất của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo xã hội. Ðảng do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập với hơn 80 năm xây dựng và trưởng thành, đã có công lao to lớn trong việc lãnh đạo toàn dân tiến hành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, giành chiến thắng trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, đem lại hòa bình, độc lập, tự do và thống nhất cho đất nước. Việc nhân dân ta tin tưởng vào Ðảng Cộng sản Việt Nam, khẳng định sự lãnh đạo của Ðảng trong Hiến pháp là một việc làm đúng đắn và hoàn toàn phù hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam, thể hiện ý chí, nguyện vọng của đại đa số nhân dân Việt Nam yêu nước, yêu hòa bình. Quy định về Ðảng trong Hiến pháp nhằm khẳng định tính chính đáng của Ðảng trong việc lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo xã hội. Do vậy, những quy định về Ðảng như trong Dự thảo là cần thiết và hoàn toàn phù hợp với nguyện vọng của đông đảo nhân dân.
Giải quyết hài hòa giữa phát triển kinh tế và các vấn đề xã hội
Cùng với công tác xây dựng pháp luật, nội dung quan trọng được QH bàn thảo trong tuần qua là việc triển khai kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2013, nhất là các biện pháp sẽ thực hiện trong thời gian tới nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội mà Chính phủ đã trình tại kỳ họp này.
Nhiều đại biểu bày tỏ băn khoăn về chất lượng trong phát triển kinh tế và những hệ lụy của các chính sách đối với các vấn đề xã hội, nhất là ảnh hưởng tiêu cực đến bộ phận dân nghèo, người lao động. Ðể thúc đẩy phát triển kinh tế, Chính phủ đã triển khai nhiều gói hỗ trợ thị trường và hỗ trợ doanh nghiệp. Ngay trong kỳ họp này, Chính phủ trình QH xem xét nhiều dự án luật liên quan đến kinh tế như dự án Luật sửa đổi, bổ sung Ðiều 170 của Luật Doanh nghiệp, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng. Một số đại biểu đặt câu hỏi, trong 30 nghìn tỷ đồng hỗ trợ thị trường bất động sản, lợi ích sẽ thuộc về doanh nghiệp kinh doanh bất động sản hay những người có nhu cầu mua nhà chính đáng. Ðây là câu hỏi cần được trả lời thấu đáo.
Một số đại biểu tỏ ý băn khoăn về các con số mà Chính phủ đưa ra trong việc thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2012 và những tháng đầu năm 2013, như tỷ lệ nợ xấu trong ngân hàng, chỉ tiêu về việc làm, giảm nghèo. Các đại biểu Huỳnh Văn Tiếp (Cần Thơ), Võ Thị Hồng Thoại (Bạc Liêu) cho rằng, theo báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp thứ tư, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm 1,76% và đến kỳ họp thứ năm con số này đã tăng lên 2,12%. Chỉ trong vòng sáu tháng tỷ lệ giảm nghèo tăng nhanh như vậy chưa phản ánh chính xác thực tế. Bên cạnh đó, chất lượng giảm nghèo chưa thật sự bền vững, tỷ lệ tái nghèo vẫn ở mức cao. Một số đại biểu đặt câu hỏi, tỷ lệ hộ nghèo ở huyện nghèo khó khăn năm 2012 giảm hơn 7%, nhưng tại sao sau gần 5 năm thực hiện chính sách với huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, số huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn không giảm mà lại tăng dần, từ 62 huyện lên 85 huyện. Ðại biểu Mã Ðiền Cư (Quảng Ngãi) đề nghị, cần rà soát sắp xếp lại hệ thống chính sách giảm nghèo hợp lý hơn, tiếp tục nghiên cứu cơ chế phối hợp liên ngành và giảm đầu mối quản lý để tránh chồng chéo, lồng ghép chính sách hiệu quả hơn. Bảo đảm mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo một cách thực chất và bền vững.
Nhiều đại biểu cho rằng, hiện nay có nhiều yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đời sống người dân, nhất là khu vực sản xuất nông nghiệp, người dân vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số, do vậy Chính phủ cần có giải pháp quyết liệt hơn nữa nhằm nâng cao đời sống người dân những khu vực này. Ðại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) nêu thực tế, chỉ số giá bán sản phẩm nông nghiệp trong năm 2012 chỉ tăng 1,05% so với năm 2011. Trong khi đó chỉ số giá bán nguyên liệu, nhiên liệu phục vụ cho sản xuất tăng đến 9,04%, làm cho người nông dân chẳng những sản xuất không có lãi mà thậm chí còn có lúc bị thua lỗ. Cùng quan điểm trên, đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) phản ánh, mỗi khi vào giữa vụ giá lúa hạ, Chính phủ thực hiện chính sách mua lúa tạm trữ với mục tiêu để người nông dân đạt được chỉ tiêu lợi nhuận 30%. Tuy nhiên, do tính chất sản xuất còn nhỏ lẻ, phần lớn nông dân chưa thực hiện tổ chức hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp nên hầu như không được hưởng lợi, giá lúa vẫn không được nâng lên; nếu nông dân giữ lại, sẽ tiếp tục bị lỗ do vay tiền để mua giống, vật tư nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật. Do vậy, Chính phủ cần đầu tư nhiều hơn cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn để từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống cho người nông dân, giúp họ yên tâm sản xuất.
Ðối với những bức xúc của xã hội hiện nay, nhiều đại biểu đề nghị, Chính phủ cần đánh giá đầy đủ hơn các vấn đề xã hội để đề ra giải pháp hiệu quả như tình trạng quá tải ở các bệnh viện, việc dạy thêm, học thêm tràn lan, vệ sinh an toàn thực phẩm chưa bảo đảm, tệ nạn xã hội có chiều hướng gia tăng, báo mạng không được quản lý chặt chẽ, những thông tin không được kiểm chứng tạo hoài nghi trong nhân dân. Ðại biểu Lê Ðắc Lâm (Bình Thuận) đặt câu hỏi, tại sao QH nói nhiều, Chính phủ đã có chủ trương, nhưng sự chuyển biến còn chậm. Phải chăng là thiếu sự đồng bộ và quyết liệt trong tổ chức thực hiện? Không chỉ nêu khó khăn, bức xúc, quan trọng nhất là cách làm.
Theo Nhandan
Ý kiến ()